Sau lần điều chỉnh giá tăng sốc hôm 26/10, cộng với ba lần tăng liên tiếp trước đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 hiện lên 23.110 đồng, tức tăng hơn 4.600 đồng một lít so với cuối tháng 5. Tương tự, mỗi lít xăng RON 95 cũng đang đắt thêm gần 5.000 đồng so với cách đây 5 tháng lên mức 24.330 đồng một lít - cao kỷ lục trong 7 năm qua. Diễn biến này khiến các doanh nghiệp taxi rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi phải lựa chọn tăng giá cước hoặc bù lỗ để giữ chân khách.
Theo tính toán của ông Hồ Quốc Huy, đại diện Tập đoàn Mai Linh, hiện chi phí xăng dầu đang chiếm 35-40% tổng chi phí mỗi cuốc xe di chuyển. Do đó, khi giá xăng dầu tăng tới 5.000 đồng, giá cước taxi buộc phải điều chỉnh tăng theo 500-600 đồng mỗi km mới phù hợp. Tuy nhiên, với hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, nếu có điều chỉnh, doanh nghiệp sẽ cân nhắc ở mức 200-300 đồng.
Tuy nhiên, ông cho rằng, trong thời điểm này rất khó có thể đưa ra một mức điều chỉnh giá cước hợp lý. Bởi lẽ, người tiêu dùng cũng đang điêu đứng vì Covid-19, còn doanh nghiệp thì khó trăm bề.
Ông cho biết hai ngày nay, công ty đã cùng 70 doanh nghiệp taxi tại Hà Nội liên tục họp bàn để giải quyết vấn đề. "Nhiều công ty than rằng không thể gồng nổi nữa nếu vẫn giữ giá cũ, số còn lại cho biết đang rất khó khăn nhưng không dám điều chỉnh giá vì sợ mất khách", ông Huy nói.
Trong khi đó, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM nói công ty đang đứng trước thế khó chưa từng có vì vừa bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh, vừa chịu thêm tác động kép của giá xăng dầu tăng mạnh.
Ông cho rằng, công suất hoạt động của doanh nghiệp đang phải cầm chừng, trong khi các chi phí phòng dịch vẫn phải duy trì và nếu không điều chỉnh giá cước, công ty phải bù thêm chi phí giá xăng dầu trong khi tình cảnh rất khó khăn.
"Ngược lại, nếu điều chỉnh giá cước, người tiêu dùng sẽ sốc và không muốn sử dụng taxi vì hầu bao của họ đã không còn rủng rỉnh như trước đây", ông chia sẻ.
Ông cho rằng, 3 lần tăng giá xăng trước, doanh nghiệp đã cố gồng mình bình ổn giá, giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, với đợt tăng giá mới này doanh nghiệp càng điêu đứng hơn. Mấy ngày nay ông cùng nhiều doanh nghiệp phải họp bàn để tính toán và điều chỉnh giá sao cho phù hợp với giá xăng tăng nhưng vẫn chưa có kết quả.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, xăng dầu tăng mạnh buộc các doanh nghiệp vận tải phải điều chỉnh giá cước để phù hợp. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa tăng giá cước vì còn nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục, quy định.
Cụ thể, muốn điều chỉnh giá cước taxi, các hãng phải đăng ký kê khai giá, báo cáo với Sở Giao thông Vận tải... Chưa kể, khi điều chỉnh giá cước, các hãng taxi phải dừng hàng nghìn phương tiện, chi phí cho điều chỉnh cũng rất lớn.
Do đó, ông Hùng cho rằng, các doanh nghiệp vận tải taxi đang đứng trước thế lưỡng nan. Cũng theo ông, việc cơ quan điều hành cho tăng giá xăng "sốc" như vừa qua là chưa hợp lý trong thời điểm này. Lẽ ra, nên có các biện pháp để kiềm giữ giá xăng dầu, chẳng hạn như giảm thuế bảo vệ môi trường để tránh tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ông phân tích, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 đang ở mức 3.800 đồng một lít. Việc tính thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 bằng 95% mức thuế bảo vệ môi trường của xăng khoáng RON 92 như hiện nay là chưa phù hợp. Bởi xăng E5 có 95% là xăng RON 92 và 5% là ethanol. Do đó, muốn giá xăng ở mức thấp thì cần giảm bớt thuế môi trường.
Thi Hà