"Tôi đã xa gia đình hơn ba tháng. Tôi sẽ trở về nhà sau cuộc đấu tranh này", một thành viên của nhóm tự xưng là "lực lượng phòng vệ" chống chính quyền quân sự Myanmar đang huấn luyện tại khu trại ở bang Kayah, gần biên giới Thái Lan, nói ngày 11/7.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi hồi tháng 2 và tiếp quản quyền lực. Biểu tình nổ ra ở nhiều nơi, khiến lực lượng an ninh Myanmar dùng biện pháp mạnh để trấn áp.
Tại một số nơi, người biểu tình thành lập các "lực lượng phòng vệ" để chống lại quân đội chính phủ. Họ tự trang bị súng săn hoặc vũ khí được chế tạo trong các xưởng cơ khí để giao tranh với quân chính phủ Myanmar.
Thành viên lực lượng phòng vệ ở Kayah nói rằng nhóm với khoảng 60 người của họ đã đụng độ 20 lần với quân đội Myanmar trong những tháng qua. Tuy nhiên, con số này chưa được xác minh.
Liên Hợp Quốc hồi tháng 6 cho biết giao tranh sau cuộc đảo chính giữa quân đội Myanmar và các nhóm phiến quân ở nhiều bang phía đông nước này đã khiến 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Dân tại bang Kayah nói quân chính phủ nã pháo vào các ngôi làng, trong khi một số thành viên lực lượng nổi dậy nói điều đó chỉ càng củng cố lý do cầm vũ khí của họ.
Một thành viên xăm dòng chữ "Chúng ta không bao giờ quên hay tha thứ cho đến cùng trời cuối đất" quanh cổ. Một người khác khắc dòng chữ "cách mạng mùa xuân" lên báng và ốp nòng của khẩu súng trường.
Các thành viên nhóm phòng vệ mặc quân phục dã chiến và áo phông đi tuần trên đường mòn vắt qua những ngọn đồi trập trùng. Họ tập bắn những khẩu súng tự chế tại một bãi trống. Trong lúc rảnh rỗi, một người ngồi trên ghế băng chơi guitar, còn những người khác nghỉ ngơi trong lều và kiểm tra vũ khí của mình.
Một nhóm giám sát địa phương cho biết hơn 890 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa người biểu tình và an ninh Myanmar. Chính quyền quân sự Myanmar bác thông tin này và cho biết con số thực tế thấp hơn.
Giới chuyên gia cho hay ngoài việc tự thành lập lực lượng phòng vệ, người biểu tình từ các thị trấn và thành phố còn tìm đến khu vực phiến quân kiểm soát để nhờ họ huấn luyện chiến đấu. Các nhóm phòng vệ tự phát như vậy thường bị áp đảo và lép vế trong các cuộc giao tranh với quân đội chính phủ Myanmar vốn được huấn luyện và trang bị tốt.
Tuy nhiên, thành viên các nhóm phòng vệ bày tỏ quyết tâm "đánh đến cùng" với quân đội chính phủ. "Nếu tất cả cùng chiến đấu, chúng tôi sẽ giành chiến thắng", một thành viên nhóm phòng vệ cho biết. "Tôi tin rằng chúng tôi sẽ chiến thắng".
Nguyễn Tiến (Theo AFP)