Trong số 40 nữ lái xe và thợ sửa máy ở Trường Sơn, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (67 tuổi, hiện sống ở Long Biên, Hà Nội) là người may mắn khi được tiếp tục làm bạn với vô lăng và có cuộc sống hạnh phúc với người chồng cũng là bộ đội Trường Sơn.
Bà Nguyệt Ánh và ông Trần Công Thắng gặp rồi yêu nhau từ hồi còn đi thanh niên xung phong ở Yên Bái. Năm 1968, ông Thắng đi bộ đội rồi vào thẳng Trường Sơn. Cuối năm ấy, bà Ánh tham gia vào trung đội lái xe nữ, hoạt động trên các cung đường từ Nghệ An đến Quảng Bình.
Đơn vị ông Thắng hoạt động chủ yếu ở sâu trên đất Lào. Mỗi đoàn xe qua, anh công binh làm nhiệm vụ đảm bảo thông suốt cho tuyến đường đều hỏi thăm tin tức về đội nữ lái xe, về người con gái tên Nguyệt Ánh với hy vọng sẽ được gặp cô trong một chuyến xe. Dù điều đó không xảy ra, nhưng cả hai vẫn nuôi hy vọng và chờ nhau.
Năm 1974, sau 8 năm yêu và chờ đợi, họ mới được gặp lại tại sân bay Bạch Mai (Hà Nội) khi bà Ánh đang lái xe tập diễu binh. "Chiến tranh ác liệt, người này không biết người kia sống chết ra sao, lá thư viết vội có khi nửa năm trời mới đến tay người nhận. Vậy mà tôi và bà ấy vẫn chờ đợi và hy vọng vào nhau", ông Thắng nói. Không lâu sau đó, họ kết hôn.
Sau ngày đất nước thống nhất, bà Ánh phục viên, cuộc sống khó khăn khi bà lần lượt sinh con, một trai một gái. Năm 1979, bà xin vào Bộ Tài chính làm công việc giữ trẻ. Được một thời gian, người đội trưởng biết bà ngày xưa từng làm tài xế trên đường Trường Sơn nên muốn chuyển bà sang đội lái xe. Chỉ một buổi chiều thử tay lái, bà được nhận vào tổ lái xe, đưa đón cán bộ của Bộ Tài chính đi công tác.
Tay lái của bà vững, lại điềm đạm nên được giao lái xe cho các Thứ trưởng như ông Ngô Thiết Thạch, bà Phạm Thị Mai Cương. Sau hơn 10 năm lái xe đưa đón các thứ trưởng, bà chuyển về làm hành chính cho đoàn xe của bộ rồi nghỉ hưu năm 2003. "Ngày trước lái Zin, Gaz nặng trịch nên khi chuyển sang các loại nhẹ như Lada, Niva dễ dàng lắm. Dù sao thời con gái được cầm vô lăng những chiếc xe quân sự vẫn thích hơn", bà chia sẻ.
Giống bà Nguyệt Ánh, bà Nguyễn Thị Hoàng Thanh cũng tìm được bạn đời trong thời gian lái xe ở Trường Sơn. Là con gái Hải Phòng, 16 tuổi trốn nhà đi thanh niên xung phong vì bị bố bắt lấy chồng, bà Thanh nổi tiếng lì lợm, ăn to nói lớn, nhưng sống với chị em rất tình cảm.
Bà nên duyên vợ chồng với lái xe Lã Văn Hiệp sau ba lần cãi nhau vì chuyện xe trước, xe sau xin vượt. Năm 1969, hai người gặp nhau lần đầu ở Trường Sơn khi cho xe đi qua một đoạn đường hẹp. Xe bà Thanh đi chậm, ông Hiệp ở phía sau xin vượt nhưng bà Thanh không cho. Ông quát hỏi sao không cho xe lùi lại để người khác vượt thì nhận được câu trả lời "Xe em không có số lùi". Biết con gái lái xe, ông Hiệp đành dịu giọng "Em không lùi thì anh lùi vậy".
Lần thứ hai họ gặp nhau ở Thường Tín (Hà Nội) khi bà Thanh đang chở thương binh đi an dưỡng, do không chú ý có ôtô xin vượt nên bà vẫn giữ tốc độ bình thường. Người kia bóp còi inh ỏi suốt quãng đường gần 20 km rồi ép xe bà Thanh vào vệ đường. Tức giận, bà Thanh nhảy xuống quát "Ông làm gì? Xe đổ, thương binh chết thì sao?". Người kia quát: "Sao bóp còi mà không cho vượt?".
Hai người cáu gắt ầm ĩ. Bà bảo "Ông mà đụng vào tôi bắn gẫy giò" rồi gỡ chiếc khăn bịt mặt ra. Người lái xe nam thấy con gái, không cự cãi nữa mà nhảy lên buồng lái rồi nói thêm "Con gái mà đanh đá, ế chồng là cái chắc". Câu nói khiến bà Thanh ấm ức, ghi nhớ kỹ hình ảnh người lái xe ấy.
Gặp nhau lần thứ ba ở bãi chiếu phim di động Thường Tín, bà Thanh mới nhận ra người lái xe năm nào. Lúc đang đùa nhau với cô bạn thân trong đội lái, bà buột miệng bảo "Ước gì chúng mình còn trẻ" thì thấy ánh đèn pin chiếu vào mặt rồi tiếng một người con trai "Xem thử già hay trẻ mà ước nào".
Sau lần đó, hai người mới nói chuyện với nhau. Năm 1971, họ nên duyên vợ chồng và sống rất hạnh phúc. Mỗi lần nhắc lại chuyện xưa, ông Hiệp cười nói: "Đúng là duyên số. Bảo bà ấy ế chồng, cuối cùng mình lại làm chồng bà ấy".
Thời con gái, bà Vũ Thị Kim Dung (hiện ở Long Biên, Hà Nội) có nhiều người muốn tiến tới cùng xây dựng gia đình, nhưng bà đều từ chối, dự định trở về quê sống với mẹ già. "Tôi không mặc cảm vì mình là nữ lái xe, từng đi qua những cung đường nguy hiểm nhất, rải đầy chất độc của Trường Sơn. Thời tuổi trẻ tôi đã không thiết tha yêu đương và cũng không có ý xây dựng gia đình", bà chia sẻ.
Năm 1990, duyên số run rủi, bà gặp chồng là ông Chu Văn Tuấn, cũng là bộ đội rồi kết hôn khi đã 40 tuổi. Không được làm mẹ, bà dồn hết tình cảm cho ba người con riêng của chồng. Hiện tại, bà sống hạnh phúc, được chồng thương yêu, con cháu rất tôn trọng.
Bà Dung tâm sự, cuộc sống có sự vất vả riêng nhưng cũng mãn nguyện rồi, chỉ thương những chị em từng lái xe với mình còn khổ hơn. Như bà Tống Vân đứt gánh giữa đường, bị chồng phụ bạc, đành ở vậy phụng dưỡng mẹ chồng và nuôi dạy các con trong cảnh nghèo túng. Bà Thanh, bà Loan không lấy chồng, một mình sống với những hồi ức đẹp của tuổi thanh xuân. Bao nhiêu năm rồi, bà Loan vẫn ở trong mái nhà xiêu vẹo, đắp chiếc chăn dù mang từ chiến trường về khiến chị em về thăm không cầm được nước mắt.
Trong trung đội con gái lái xe, có người xây dựng gia đình nhưng không được hưởng hạnh phúc dài lâu vì bệnh tật, di chứng của bao lần vận tải qua cung đường rải đầy chất độc da cam. Như lái xe Nguyễn Thị Minh xây dựng gia đình với một thương binh, cả hai sau này đều mất vì ung thư khi con cái còn chưa kịp trưởng thành. Bà Nguyễn Thị Vân suốt thời quân ngũ ít ốm đau, nhưng khi trở về đời thường thì bị ung thư thận, ra đi trong đau đớn.
Mỗi lần nhắc đến trung đội trưởng Phùng Thị Viên, những nữ lái xe đều không cầm được nước mắt. Nghỉ dạy ở trường lái xe D255, bà Viên về công tác ở phòng xăng xe thuộc Tổng cục Kỹ thuật. Năm 1986, bà kết hôn với ông Đoàn Đình Thanh khi gần 40 tuổi. Lúc con gái ra đời, bà Viên xin về nghỉ hưu sớm với quân hàm thiếu tá. Sau thời gian sinh con, bà phải chống chọi với căn bệnh ung thư rồi mất năm 1998.
Hôm đồng đội đến thăm lần cuối ở bệnh viện, bà Viên cố gắng chịu đau, ra hiệu cho các chị em ngồi gần sát lại rồi dặn dò "Đời có thể quên chúng mình, nhưng chúng mình đừng bao giờ quên nhau". Câu nói ấy khiến cả trung đội gái lái xe năm nào òa khóc.
"Khi yêu nhau cũng như trong cuộc sống vợ chồng, cô ấy ít kể về đội lái xe cũng như những chiến công họ lập được trong chiến trường bởi nghĩ rằng việc họ làm rất bình thường. Sau này mỗi lần họp ban liên lạc đội nữ lái xe, nghe các cô ấy kể lại thì tôi mới biết", chồng bà Viên cho hay.
Mẹ mất khi mới 10 tuổi, ký ức của cô bé Phương Nga về mẹ Viên là hình ảnh bà nấu nướng, làm việc nhà, chăm sóc gia đình. Hồi còn nhỏ chưa biết nhiều, Nga chỉ thấy bố mẹ các bạn còn rất trẻ trung, còn mẹ mình nhiều tuổi, lại luôn trầm tư. Sau này lớn lên, nghe các cô kể chuyện, Nga mới biết thời con gái của mẹ. Hàng năm, hai bố con đều tham gia ngày gặp mặt truyền thống của đội nữ lái xe như ngày mẹ Viên còn sống.
"Mình thấy tự hào, khâm phục mẹ và các cô lắm. Ở tuổi đôi mươi, họ đã làm được rất nhiều cho đất nước", Phương Nga chia sẻ.
Hoàng Phương