Tết Mậu Thân 1968, chiến sự trên các mặt trận ngày càng ác liệt. Mỹ huy động lượng lớn máy bay đánh phá các con đường trọng điểm trên chiến trường. Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho miền Nam trở nên cấp bách. Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) được giao nhiệm vụ phải tăng khối lượng chi viện gấp hai lần thời gian trước đó.
Lái xe nam không đủ, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong, lập đội lái xe vận tải tuyến hậu phương để hỗ trợ các khu vực cửa khẩu. Các cô gái tuổi đôi mươi có sức khỏe tốt, tháo vát, biết chút ít về kỹ thuật được tuyển chọn và gửi đi đào tạo cấp tốc.
Trải qua khóa huấn luyện 45 ngày tại Nghệ An, Thanh Hóa, 40 nữ chiến sĩ lái xe và thợ sửa chữa máy được tuyển chọn. Ngày 18/12/1968, tại vùng rừng núi thuộc xã Hưng Phổ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh ra đời.
Trung tá Nguyễn Thị Hòa, nguyên chính trị viên đội lái xe chia sẻ: "Khi hết 3 năm nghĩa vụ thanh niên xung phong, đứng trước lựa chọn về địa phương, chuyển ngành hay đi văn công, chị em đã chọn cách viết đơn, xin đi học lái xe để tiếp tục chia lửa với đồng đội trên tiền tuyến và đường Trường Sơn".
Đội nữ lái xe có nhiệm vụ chở lương thực, thuốc men, súng ống, đạn dược từ Vinh (Nghệ An) theo các tuyến đường 12, 15, 18, 20, 22 vào đến bờ bắc sông Gianh (Quảng Bình). Giao hàng xong, họ lại chở thương binh, cán bộ từ miền Nam ra Bắc an dưỡng, học tập. Có lúc nhận nhiệm vụ đặc biệt, đội lái xe phải đi sâu vào chiến trường, sang đất bạn Lào.
Chuyến vận tải của các cô gái bắt đầu lúc 17h chiều và kết thúc vào 5h sáng hôm sau. Người giỏi đi một mình, tay lái yếu hơn thì đi hai người. Họ phải chặt lá ngụy trang, đi ban đêm bằng ánh sáng hắt lên từ bóng đèn "quả táo" đặt dưới gầm xe để tránh máy bay phát hiện. Đến nơi tập kết hàng hóa, các cô kiêm luôn việc bốc vác; dọc đường về thì chăm sóc, động viên thương binh, làm thay cả nhiệm vụ của y tá.
Trường Sơn khi ấy trở thành nơi thử nghiệm các loại bom, mìn, chất độc hóa học rải xuống suốt ngày đêm. Thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài 6 tháng biến con đường đất trở thành những thảm bùn lầy, công binh rải bao nhiêu đá nhưng nhiều xe vẫn bị "nuốt" khi đi qua. Mùa khô nắng cháy, gió Lào thổi đến héo hon cả người, chưa kể vắt, muỗi rừng, rắn rết.
Trên các tuyến đường vận tải, những địa danh như bãi Dinh, Cổng Trời, bãi Đá Đẽo, phà Xuân Sơn, cầu Trạ Ang, ngầm Tà Lê, đèo Phulanhich... được gọi là trọng điểm của trọng điểm, những túi bom của chiến trường. Đoàn xe vận tải chủ yếu men theo sườn núi bên Tây Trường Sơn để đi, một bên là núi, một bên là vực sâu thăm thẳm. Có đoạn đường chỉ vừa cho chiếc xe lăn bánh, người lái căn đường không chuẩn là cả người, cả xe rơi xuống vực.
Chiến công lớn nhất của trung đội là lần vượt Cổng Trời (Quảng Bình). Cuối năm 1969, trong lúc mùa mưa ở Lào bắt đầu thì cũng là lúc Mỹ điên cuồng bắn phá đường 12. Con đường dài hơn 50 km ngoằn ngoèo bị máy bay Mỹ nhè những đoạn gấp khúc mà thả bom, trọng điểm là khu vực Cổng Trời dốc cao dựng đứng nối với cửa khẩu Cha Lo thông sang Lào. Đây là nơi tập kết hàng hóa và thương binh, nối hai tuyến đường Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây.
Đêm 2/4/1969, đoàn xe nhận nhiệm vụ phải cấp tốc chở súng ống, đạn dược vượt Cổng Trời chi viện ngay cho các đơn vị phía trong. Binh trạm 12 lấy tinh thần xung phong chở hàng ngay trong đêm. Cô gái Phạm Thị Phàn khi ấy người bé nhỏ, chỉ hơn 40 kg đã xung phong dẫn đầu.
"Đoàn xe đi trong ánh sáng soi bằng hỏa pháo của đối phương, tiếng động cơ máy bay gầm rú trên đầu như xay lúa. Khi xe của chúng tôi vượt lên dốc cao, đèn dưới gầm xe hắt lên khiến địch phát hiện. Biết đối phương sắp đánh tọa độ, tôi nhấn mạnh ga lao nhanh về phía trước, cả đoàn lao theo sau. Khi chúng tôi vừa vượt qua con dốc thì nơi đó trở thành chiến địa rực lửa", bà Phàn hiện sống ở Thái Bình kể lại. Sau chuyến đi này, bà Phàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng chiếc đồng hồ Poljiot mà đến giờ bà vẫn giữ làm kỷ vật.
Trong ký ức của nhiều lái xe nam trên đường Trường Sơn, thi thoảng họ gặp những chiếc xe tải cản đường vì bị hỏng, các nữ tài xế không dám một mình xuống sửa vì sợ đêm tối, sợ ma. Bảo lùi lại thì chị em bảo: "Xe em không có số lùi, các anh sửa chữa hộ em đề rồi cùng tiến". Hay có lần trung đội lái xe bị địch ném bom dính đội hình đang vận chuyển. Quân y chiến trường đến cấp cứu vẫn nghe tiếng các cô thều thào "Anh ơi, xe của em có bị làm sao không?".
Đầu năm 1972, trung đội nữ lái xe Trường Sơn được điều về Trường đào tạo lái xe D255, thuộc Cục quản lý xe máy. 40 cô gái lái xe trở thành giáo viên đào tạo cho 2 khóa học viên gồm 300 lái xe nữ. Đội quân này tiếp tục phục vụ tại các kho xe, kho hàng, bệnh viện quân đội thay cho các lái xe nam ra trận. Tại đây, Đại đội nữ lái xe C13 được thành lập với nòng cốt là trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh và 300 học viên lái xe nữ. Sau này, đội nữ lái xe được điều về trường đào tạo lái xe đi tập luyện tham gia lễ duyệt binh năm 1973, 1975, điều khiển những chiếc xe chỉ huy, xe thông tin, xe kéo pháo 157.
Khi đất nước thống nhất, trung đội nữ lái xe người phục viên, người tiếp tục làm bạn với tay lái. Có người được hưởng cuộc sống yên ấm bên gia đình, nhưng cũng có người được làm mẹ không làm vợ, người làm vợ không được làm mẹ, có người ở vậy không lấy chồng. Bom đạn Trường Sơn không động được đến tuổi thanh xuân của 40 cô gái, nhưng 19 người trong số họ là thương binh, 5 người mất vì ung thư bởi chất độc hóa học, cơ thể nhiễm chì bởi bao lần dùng miệng để hút xăng giữa rừng già.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Binh đoàn Trường Sơn gọi họ là "những cô gái cưỡi voi ra trận và chiến thắng trở về". Từng có nhiều kỷ niệm gắn bó với đội nữ lái xe từ hồi còn làm nhiệm vụ ở đại đội công binh đảm bảo thông suốt trên tuyến đường 20 Quyết Thắng, theo thiếu tướng Tòng, cuộc chiến khi ấy rất khốc liệt, con gái vào chiến trường đã gian khổ, xông pha trên đường Trường Sơn cùng những chiếc xe quân sự thì chỉ có 40 cô gái ấy. Mỗi khi xe qua ngầm, đến cửa khẩu đều nghe tiếng các cô cười, chào hỏi anh em công binh.
"Đội lái xe nhỏ nhưng sức động viên thì lớn. Cánh lái xe nam thấy các cô là hết văng tục chửi bậy. Cậu nào tức quá muốn bật ra cũng ghìm ngay trong miệng. Chị em lái xe vượt Cổng Trời, vượt Khe Tang, Khe Ve không những khích lệ lái xe nam, còn động viên luôn cả anh em công binh chúng tôi. Có anh ngày sốt rét run cầm cập, tối đỡ rồi liền ra làm nhiệm vụ đảm bảo thông suốt cho tuyến đường", ông Tòng kể.
Khi gặp các chiến sĩ gái lái xe Trường Sơn, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cảm nhận: "Gặp chiến sĩ gái lái xe Trường Sơn, tôi liên tưởng đến các nữ vệ quốc của Liên Xô, các nữ phi công Liên Xô chống phát xít Đức. Tôi thấy tự hào về phụ nữ Việt Nam".
Hàng năm đến ngày truyền thống, đội nữ lái xe Trường Sơn năm xưa vẫn gặp mặt nhau ôn lại chuyện cũ và luôn ghi nhớ lời đội trưởng Phùng Thị Viên: "Đời có thể quên chúng mình, nhưng chị em chúng mình đừng bao giờ quên nhau".
Trung đội nữ lái xe Trường Sơn là đội nữ duy nhất trong hai cuộc kháng chiến; đại đội nữ lái xe là đơn vị huấn luyện, đào tạo lái xe nữ duy nhất của quân đội. Năm 1970, trung đội nữ lái xe được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng huân chương chiến công hạng ba, 28 người được tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng ba, nhiều người là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền. Năm 2014, đại đội nữ lái xe C13 đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đại đội trưởng Phùng Thị Viên được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. |
Hoàng Phương