Julia Perez kiếm sống bằng nghề bán pupusa, một loại bánh truyền thống của El Salvador, tại khu dân cư Altavista. Cô thường thức dậy khi mặt trời chưa mọc để chuẩn bị mọi thứ rồi bắt xe buýt tới nơi bán hàng ở thủ đô, cách nhà khoảng 20 km.
Một trong những khách hàng quen của Perez là Oscar Alberto Martinez Ramirez, người đàn ông thường đèo theo con gái, Valeria, tới mua hàng rất nhanh chóng.
Nhưng đó là chuyện của trước kia. Tuần qua, Ramirez và con gái đã chết đuối khi cố vượt biên từ Mexico vào Mỹ bằng cách bơi qua con sông Rio Grande. Bức ảnh chụp hai cha con nằm úp mặt xuống nước bên bờ sông, bé gái được quấn bên trong áo cha, tay phải vòng quanh cổ cha, đã khiến không ít người phải rơi nước mắt vì quá đau lòng.
"Tôi bị sốc. Tôi bật khóc nức nở khi hay tin", Perez nói. "Tôi nhìn thấy bức ảnh nhưng không biết đó là họ. Về sau, tôi mới biết đấy chính là Oscar và Valeria. Thật thương tâm!".
Khu dân cư mà gia đình Martinez từng sống nằm bên rìa thủ đô San Salvador. Nơi đây bị một băng đảng mang tên 18th Street cai quản, song người dân cho biết tình trạng bạo lực và tống tiền đã giảm bớt.
Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt với tình trạng đói nghèo và thiếu việc làm. Một linh mục ở địa phương ước tính 1/3 giáo dân của ông đã rời bỏ đất nước từ năm 2015, mạo hiểm rong ruổi về phía bắc, tìm tới nước Mỹ với hy vọng đổi đời.
"Làn sóng di cư này không phải điều gì quá xa lạ với người dân ở Altavista", linh mục Manuel Lozano chia sẻ. "Rất nhiều người đã ra đi... Chúng tôi không muốn họ tự đặt mình vào nguy hiểm, nhưng mọi người vẫn tiếp tục đến và nói với tôi rằng họ phải ra đi, nhất định phải đi".
Altavista có khoảng 130.000 dân, hầu hết sống trong những ngôi nhà thấp tầng, hai phòng ngủ, phòng khách và bếp kết hợp, có giá 10.000-15.000 USD.
Thoạt nhìn, Altavista trông khá yên bình với những bóng người hối hả bước nhanh trên đường phố để không muộn giờ làm. Vài người dắt tay những đứa trẻ, đưa chúng tới trường.
"Ở Altavista cũng như bất kỳ nơi nào khác ở El Salvador, dân cư đều là những người làm việc chăm chỉ, những người có ước mơ, những người chủ yếu là công nhân... Những người như bao người Salvador khác, có một chút hoang tưởng, lo âu, bất an", Lozano nói.
El Salvador là một trong những quốc gia có tỷ lệ giết người cao nhất thế giới. Dù số các vụ giết người đã giảm một nửa xuống còn 50 vụ trên 100.000 dân vào năm ngoái, đây vẫn là mức đáng báo động. Con số trên đồng nghĩa một ngày ở đất nước 6 triệu dân này có tới 9 người bị sát hại.
Nhưng ở Altavista, mọi thứ tương đối yên bình. Nhiều người xác nhận rằng các thành viên băng đảng vẫn lởn vởn quanh khu dân cư, nhưng đa phần người dân đều không cảm thấy tính mạng bị đe dọa hay công việc làm ăn gặp vấn đề.
José Ovidio Lara, 23 tuổi, mỗi ngày đều đỗ chiếc xe đạp của mình bên một góc đường để bán bánh mỳ. Anh cho biết chưa bao giờ bị các băng đảng đòi "phí bảo kê" như những chủ cơ sở kinh doanh khác. "Không, họ chưa bao giờ đòi tôi", Ovidio nói. "Và tôi cũng chẳng có tiền mà trả họ".
"Nơi này trước đây vô cùng tồi tệ nhưng nay đã yên bình hơn", Perez nói. "Tôi không nói dối đâu nhưng thực sự các băng đảng không kiếm chuyện với tôi. Họ không đòi tôi bất kỳ khoản tiền nào".
Dù cuộc sống yên ả, Martinez, 25 tuổi, và vợ Tania Vanessa Avalos, 21 tuổi, dường như cảm thấy với mức thu nhập nhờ công việc làm thuê tại cửa hàng pizza và thu ngân nhà hàng, họ sẽ không bao giờ có khả năng mua được một căn nhà cho riêng mình.
Ước mơ của họ là kiếm đủ tiền để mua nhà và đây chính là động lực thôi thúc họ lên đường tới Mỹ vào ngày 3/4, theo lời bà Rosa Ramirez, mẹ Martinez. Gia đình trẻ tới thành phố biên giới Matamoros của Mexico vào cuối tuần trước và hăm hở hướng tới cây cầu dẫn vào thành phố Brownsville, bang Texas, Mỹ.
Tại đây, Xiomara Mejia, một người di cư đến từ Honduras, giải thích với họ rằng những người mới đến sẽ khó có cơ hội điền tên vào một danh sách dài dằng dặc gồm các gia đình đang muốn xin tị nạn tại Mỹ.
"Tôi thấy họ vô cùng hoang mang, sợ hãi. Sự hoảng loạn hiện rõ trên khuôn mặt họ", Mejia nói về ấn tượng của cô khi gặp gia đình Martinez. Mejia cùng chồng và ba con đã tới Matamoros từ hôm 8/5 và đến nay vẫn chờ để nộp đơn xin tị nạn lên chính phủ Mỹ.
"Họ hỏi tôi 'cô đã thử bơi qua sông chưa?'", Mejia nhớ lại. "Chúng tôi trả lời rằng chúng tôi không muốn làm vậy bởi tính mạng lũ trẻ là điều quan trọng hơn cả. Bọn trẻ biết bơi còn tôi thì không nhưng dù sao chúng tôi cũng không muốn mạo hiểm".
Sau khi nói chuyện, Martinez và Avalos nói họ sẽ quay lại vào ngày 24/6. "Tôi không nghĩ họ lại chọn cách bơi qua sông", Mejia cho hay.
Nhưng ngay khi rời khỏi nơi đăng ký tị nạn, Martinez quyết định cả gia đình sẽ vượt sông để đặt chân sang đất Mỹ. Con sông không quá rộng, chỉ khoảng 18 đến 27 mét, nhưng dòng nước chảy xiết.
Martinez ôm con bơi qua sông trước rồi để con trên bờ, sau đó quay lại bên kia đón vợ. Nhưng bé gái vì thấy cha bỏ đi nên sợ hãi đuổi theo, chới với và ngã xuống sông. Trong lúc Martinez cố cứu con gái, cả hai bị dòng nước cuốn trôi. Thi thể họ được tìm thấy vào rạng sáng hôm sau.
Nhiều chuyên gia lo ngại các chính sách hạn chế nhập cư của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy người di cư vào con đường phải lựa chọn những biện pháp cực đoan, rủi ro để có thể thực hiện "giấc mơ Mỹ".
Mexico gần đây cũng tăng cường các biện pháp hạn chế nhập cư dưới sức ép từ Mỹ. Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador hôm 27/6 thông báo Mexico có thời hạn ba tháng để kiểm soát dòng người di cư và quá trình này đang tiến triển tốt.
"Chúng tôi tin chúng tôi có thể kiểm soát hiện tượng di cư. Chúng ta phải làm được", ông nói. "Chúng ta có một thời hạn là ba tháng, kết thúc vào ngày 10/9, nhưng chúng ta đang làm rất tốt".
Ảnh hai cha con lúc gặp nạn. Độc giả cân nhắc trước khi xem
Vũ Hoàng (Theo AP)