18/11 là ngày cuối cùng trong năm 2020, người dân ở Utqiagvik, bang Alaska nhìn thấy mặt trời và ánh sáng chỉ kéo dài 34 phút rồi biến mất. Mặt trời lặn vào lúc 13h30. Sau đó, thị trấn bắt đầu chìm trong bóng tối 66 ngày liên tiếp.
Mùa đông "đen tối" theo cách gọi vui của nhiều người này (vì không có mặt trời xuất hiện) dự kiến kết thúc vào 23/1/2021. Vào thời điểm mặt trời mọc trở lại đó, Joe Biden sẽ là tổng thống thứ 46, theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Từ giờ cho tới lúc đó, hơn 4.000 cư dân của thành phố phải trải qua khoảng thời gian ngày cũng như đêm, khi mặt trời không "chịu" mọc và nhiệt độ hầu như ở mức đóng băng. Nguyên nhân của việc Utqiagvik sống trong bóng tối vào các tháng mùa đông là thành phố này nằm trong Vòng Bắc Cực. Trước khi bóng tối bao trùm, ngày mùa đông ở thành phố cũng ngắn dần. Vào ngày 1/11, người dân chỉ được nhìn thấy ánh sáng ban ngày 5 giờ 42 phút. Và cũng vì không phân biệt được ngày đêm nên đồn cảnh sát thường xuyên nhận được các cuộc gọi từ người dân với cùng câu hỏi: "Bây giờ là mấy giờ?".
Người dân chuẩn bị cho việc sống thiếu mặt trời này hàng năm bằng cách uống bổ sung Vitamin D hoặc dựa vào "ánh sáng hạnh phúc". Họ có thể dựa vào ánh sáng của mặt trăng và Bắc Cực quang. Vào mùa đông ở đây, nếu ra ngoài mà không đeo găng tay, các ngón tay của bạn có thể bị tê cóng trong vòng vài phút. Người lớn không bao giờ để trẻ em ra ngoài một mình mà không có sự giám sát.
Cách duy nhất để đến nơi này là bằng đường hàng không, vì không có con đường bộ nào, theo Insider. Utqiagvik có 4 cửa hàng tạp hóa nhưng thực phẩm và đồ dùng thường ngày được bán với giá cao hơn những nơi khác. Một chai nước ép việt quất nhỏ có giá 10 USD. Trung bình, mỗi tuần một hộ gia đình có thể mất đến 500 USD tiền thực phẩm. Phần lớn người dân ở đây là nhân viên chính phủ, các nhà khoa học... Thu nhập bình quân mỗi năm của họ khoảng 83.000 USD. Vì vậy, mọi người đều có thể sống thoải mái với chi phí đắt đỏ ở Utqiagvik.
Người dân ở đây thường xuyên ăn cơm ba bữa: sáng - trưa - tối. Các món ăn của họ thường là bánh ngọt, cơm và cá. Ngoài ra, thị trấn cũng có một số nhà hàng phục vụ những người không thích nấu nướng. Dù vậy, giá đồ ăn ở nhà hàng cũng được đánh giá là cao, giá xăng cũng tương tự.
Có một nhà thờ lớn tại đây. Vào những ngày nhiệt độ âm 35 độ C, rất ít người tới nghe giảng. Nhưng khi thời tiết âm 25 độ C, lượng người dân đến rất đông. Cũng vì nhiệt độ khắc nghiệt, cuộc sống ở thị trấn khá buồn tẻ. Một cảnh sát nói rằng nhiều người không quen có thể bị trầm cảm. "Nơi này có thể vô cùng khó sống với những người không sinh ra, lớn lên ở đây", một cảnh sát Utqiagvik cho biết. Anh đến từ bang Oregon và nói rằng mình rất nhớ cây cối, núi đồi.
Dù vậy, thị trấn có một cộng đồng đoàn kết. Phần lớn mọi người đều quen biết nhau. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, người dân địa phương tin rằng đây là nơi tốt để họ nuôi dạy con cái. Một giáo viên địa phương cho biết cô rất vui vì lũ trẻ tốt nghiệp từ trường học ở đây và chúng được lớn lên trong cộng đồng này.
Vị trí xa xôi nhưng du lịch lại là một ngành phổ biến tại thị trấn. Nơi đây thường xuyên đón tiếp du khách. Mọi người tới đây để nghiên cứu về người Iñupiat bản địa, lịch sử săn cá voi của thị trấn và cuộc sống ở vùng Bắc Cực. Khi tới thị trấn, một trong các hoạt động mà du khách thường tham gia là mua tour tham quan lãnh nguyên. Sau đó, bạn có thể tới Trung tâm Di sản Iñupiat, đến bãi biển Barow và nhảy xuống tắm trong làn nước lạnh giá. Đây là một trải nghiệm mà nhiều người đã tự hào kể lại cho bạn bè mình. Nếu đến vào tháng 6, bạn có thể tham gia vào lễ hội Nalukataq. Đây là hoạt động kỷ niệm kết thúc mùa săn cá voi hàng năm. Mùa thu hoạch càng thành công, lễ hội càng kéo dài.
Point Barrow là điểm du lịch nổi tiếng tại thị trấn. Nó là một mũi đất nằm trên bờ biển Bắc Cực và là điểm gần cực bắc nhất của nước Mỹ. Đường đến nơi này được Insider cảnh báo là không an toàn, du khách cần cẩn trọng. Dù vậy, nhiều du khách vẫn đổ xô đến thăm điểm cuối của con đường gần cực bắc nhất này.
Thị trấn được chia làm ba phần: phần phía nam gọ là Barrow, phần trung tâm có dân cư sống nhiều nhất và được gọi là Browerville.
Phần thứ ba nằm ở phía bắc, nhỏ hơn và cô lập hơn, được gọi là NARL. Nơi đây từng đặt các phòng thí nghiệm, nghiên cứu của Hải quân. Cách duy nhất tiếp cận thị trấn là bằng đường hàng không. Có hai hãng hàng không cung cấp đường bay từ các thành phố khác trong nước Mỹ đến Utqiagvik.
Địa hình thị trấn bằng phẳng, thuận tiện cho việc tham quan bằng đường bộ. Bạn có thể đi bộ, thuê xe taxi hoặc tự lái.
Anh Minh (Theo News)