Tần Thành là nơi nhiều chính trị gia Trung Quốc nổi tiếng từng ngồi tù. Trong số này có bà Giang Thanh, vợ cố chủ tịch Mao Trạch Đông; bà Vương Quang Mỹ, vợ cố chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ; ông Bào Đồng, cựu trợ lý của cố tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương; ông Bạc Nhất Ba, người cha quá cố của Bạc Hy Lai.
Bạc Hy Lai, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, có thể thực hiện bản án tù chung thân tại Tần Thành. Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an Trùng Khánh, từng là trợ lý của Bạc, được cho là đang bị giam ở đây.
Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị, cựu bộ trưởng công an Trung Quốc, cũng sẽ bị giam tại Tần Thành. Tuy nhiên, Chu không thể tiếp xúc nhiều với những bạn tù khác như cựu đồng minh Bạc, do hai người bị giam trong những phòng riêng biệt.
Thông tin về Tần Thành chỉ dành cho những quan chức cấp bộ trưởng trở lên. Khác với các nhà tù còn lại được Bộ Tư pháp giám sát, Tần Thành nằm dưới sự quản lý của Bộ Công an.
"Đây là nhà tù khó tìm hiểu nhất ở Trung Quốc, chịu sự quản lý trực tiếp từ đảng", Wang Zhiliang, giáo sư tại Viện Thượng Hải về Khoa học Chính trị và Pháp luật chuyên nghiên cứu hệ thống tư pháp hình sự, nói.
Tần Thành nằm ở quận Xương Bình, cách trung tâm thủ đô Bắc Kinh khoảng 30 km. Nhà tù được Liên Xô hỗ trợ xây dựng vào năm 1958. Tần Thành được thiết kế để không thu hút nhiều sự chú ý như không có biển hiệu ngoài cổng chính, những bức tường cao không có dây thép gai, nhưng có gắn máy quay giám sát ở sân trước.
"Có thể Tần Thành đang hoạt động hết khả năng do chiến dịch chống tham nhũng", Wang nói. "Dù đúng là như vậy thì Bộ Công an vẫn còn thừa nguồn lực để giải quyết".
Trong chiến dịch chống tham nhũng, các cơ sở cải tạo ở Trung Quốc được sử dụng như lời cảnh báo tới những quan chức cấp cao và người điều hành doanh nghiệp nhà nước. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng đã tổ chức cho các quan chức cấp cao tham quan nhà tù ở Bắc Kinh và Hà Bắc, lắng nghe những câu chuyện từ cựu quan chức ngồi tù.
Theo China Daily, đã có gần 340.000 quan chức đến "Nhà tù Bắc Kinh" kể từ khi các chuyến tham quan giáo dục chống tham nhũng bắt đầu vào năm 2008.
Tần Thành xưa kia
Tiếng ho khá quen thuộc, vang lên từ một phòng giam gần đó mà Yan Mingfu không thể nhìn thấy, đã dày vò ông vài ngày trong khoảng thời gian đen tối nhất thực hiện án tù 7 năm tại nhà tù Tần Thành. Âm thanh bị nghẹt lại, dường như chỉ cách chỗ Yan vài mét, khiến người đàn ông lẽ ra trở thành người đứng đầu Ban Công tác Mặt trận Thống nhất nhớ về cha.
Các tù nhân ở Tần Thành bị giam riêng biệt. Yan tự trấn an bản thân bằng cách cho rằng khả năng cha ông, một người đã nghỉ hưu, nằm trong số những người bị xét xử trong Cách mạng Văn hóa là rất thấp.
Tuy nhiên, mối hoài nghi của Yan, vừa được chia sẻ trong cuốn hồi ký xuất bản gần đây, đã trở thành sự thật. Cha ông qua đời chỉ vài ngày sau khi tiếng ho vang lên. Yan biết điều này khi ông được trả tự do năm 1975.
Yan kể lại rằng các tù nhân chỉ được tắm một lần trong một tháng dưới sự giám sát chặt chẽ của các bảo vệ. Đây cũng là dịp duy nhất họ cắt tóc và móng tay. Mỗi phòng giam có nhà vệ sinh tự hoại, một chậu và lỗ nhìn trên cửa, nơi bảo vệ sẽ nói vọng vào. Thức ăn được chuyển qua khe hẹp phía dưới lỗ nhìn.
Yan từng cầu xin bảo vệ cho thêm thức ăn và đôi khi được đáp ứng để giúp ông không bị chết đói.
Các tù nhân được phép đi quanh khu vực nhỏ ngoài trời để tập thể dục dưới sự giám sát của bảo vệ từ trên cao. Sau mỗi lần như vậy, bảo vệ sẽ quét sân để đảm bảo tù nhân không để lại lời nhắn cho nhau.
Phía ngoài nhà tù Tần Thành
Sidney Rittenberg, người Mỹ đầu tiên trong đảng Cộng sản Trung Quốc, bị giam tại Tần Thành từ năm 1968 đến năm 1977 với cáo buộc là điệp viên. "Tôi là tù nhân số 6832", ông kể lại. "Không sử dụng tên thật là một phần quy định ở Tần Thành. Phần lớn tù nhân ở đây đều từng có quyền lực. Mục đích là để cho những người này biết họ chẳng là ai khi ở đây".
Phòng giam của Rittenberg dài 6 bước chân, rộng 3 bước chân. Trong phòng có một cửa sổ nhỏ có song sắt bảo vệ ở phía cao, hai bóng đèn trên trần nhà, dành cho ban ngày và buổi tối. Giường ngủ được làm bằng gỗ kê trên hai giá đỡ. Các bữa ăn gồm có cháo loãng và súp, thường không có thịt hay dầu ăn, kèm theo bánh mì ngô.
Trong trận động đất Đường Sơn năm 1976, Rittenberg được gọi dậy và sơ tán ra sân. Mỗi tù nhân được nhận một lều nhỏ ở vị trí cách xa nhau. Mỗi lều đều có bảo vệ đứng gác.
"Người bảo vệ nói rằng anh ta ở đây để bảo vệ tôi khỏi trận động đất và chỉ ra một cánh cửa nhỏ ở bức tường phía ngoài", Rittenberg kể lại, "Phía ngoài đó có một xe đang đợi. Anh ta nói nếu động đất xảy ra, tôi sẽ được đưa lên xe tới thẳng Thạch Gia Trang".
Rittenberg được trả tự do vào tháng 11/1977.
Tần Thành ngày nay đã rất khác, với những khu đặc biệt dành cho tù nhân "VIP". He Diankui, cựu giám đốc văn phòng giám sát trại giam từng làm việc tại Tần Thành trong hơn 40 năm, nói. Các tù nhân được đối xử theo địa vị.
China Newsweek từng cho rằng những tù nhân "cấp cao" được hưởng những bữa ăn đủ dinh dưỡng, ngay cả trong thời kỳ khó khăn, và có chăn ấm trong mùa đông.
Như Tâm (theo SCMP)