"Đã tính trước là đường đông, ngập và cố gắng đi sớm hơn, nhưng dọc đường Phạm Hùng qua bến xe Mỹ Đình đến đoạn chân cầu vượt ở ngã tư Kaengnam mình vẫn bị dồn giữa dòng người và dòng nước", chị Minh kể.
Chị Minh định rẽ vào mấy con ngõ nhỏ để tránh ùn nhưng nhìn chỗ nào cũng thấy trắng nước. "Đội mưa trong cảnh tắc đường vừa sốt ruột vì đã muộn giờ làm, vừa không khỏi tủm tỉm khi xung quanh mình liên tục có người rút điện thoại ra gọi thông báo đang tắc ở đoạn này, ngập ở đoạn kia, hoặc xin đến muộn. Ai nấy đều diện dép lê, tông. Quần soóc nhiều hơn quần dài", chị Minh kể.
Đưa con đi học và đi làm, chị Hằng (Vũ Trọng Phụng, Hà Nội) mừng rỡ thấy đường sá có vẻ bớt ngập hơn. Thế nhưng tới đoạn rẽ vào gần cơ quan thì tất cả các con đường đều ngập ngang mình xe máy. Chị Hằng đành xuống xe, cởi xăng đan cất vào cốp, loay hoay một hồi mới vượt qua được "đoạn sông" để vào đến công ty.
"Ngồi trước màn hình máy tính rồi mới thở phào nhẹ nhõm, cũng tự phục mình sao có lúc dũng cảm đến thế. Nhiều đồng nghiệp không dám phóng xe qua lối ngập nước, đành gửi xe ở xa, đi bộ vào, có người thì xe chết máy chôn chân giữa đường", chị Hằng kể.
Chị Hằng cho biết, chiều qua đón con về đến đầu ngõ mà hai mẹ con không thể vào được nhà vì nước ngập tới gần yên xe. Hai mẹ con đành dắt xe vào bưu điện gần đó tá túc, đợi chồng về "cứu viện". "Chồng về bế con vào nhà rồi ra trông xe cho vợ về nấu cơm. Xong anh lấy túi nilon buộc che pô xe cho nước khỏi vào rồi dắt về, gửi một nhà hàng xóm đầu ngõ đỡ bị ngập hơn. Tối qua, nước ngập vào tận phòng ngủ, tới 10h đêm hai vợ chồng vẫn lõm bõm tát nước từ nhà ra ngoài", chị Hằng kể.
Có con trai học trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, anh Tuân ở làng Nhân Mỹ, Hà Nội, biết tin trường cho nghỉ học để tránh mưa bão hôm nay nên vội đưa con sang nhà ông bà ngoại ở khu Trung Yên gần đó. "Trước tiên mình đưa được đứa út đi học vì trường bé không nghỉ, đến cậu này thì hai bố con vòng vèo mãi mà chưa sang tới nhà ông bà dù hai nhà cách nhau chưa đầy 2 cây số, chỉ vì ngập quá". Đến hơn 9h sáng, chiếc xe hơi của hai bố con anh vẫn đứng "chôn chân" trên đường vì không thể đi tiếp.
Chị Ly, khu đô thị Mỹ Đình 1, Hà Nội, cho con theo học ở một trường tiểu học công tại quận Cầu Giấy, sáng nay vội vàng chở con đi sớm vì sợ tắc đường. Nhưng sau hơn nửa tiếng đồng hồ chở con vòng vèo tránh các chỗ ngập sâu, mẹ con chị cũng không thể vượt qua được những đoạn ngập lớn vì sợ xe chết máy. Cuối cùng, chị đành chở con về nhà và bắt xe ôm lộn lại cơ quan, chấp nhận muộn giờ gần một tiếng. Trong khu nhà chị cũng có 2 phụ huynh phải chở con về như vậy.
Cũng vì cảnh mưa ngập, tắc đường đầu buổi sáng mà nhiều công sở hôm nay đến giờ làm vẫn vắng hoe.
Có mặt tại văn phòng ở Cầu Giấy (Hà Nội) lúc 8h30 phút, chị Thủy (Khâm Thiên, Hà Nội) cho biết, chị là người đến sớm nhất cơ quan, sau khi vượt qua nhiều đoạn đường nước ngập gần hết bánh xe. "Nhiều khi thót tim, chỉ lo trượt bánh hay vướng vào cái ổ gà nào thì không biết phải làm sao". Vốn là "tín đồ" của váy ngắn và giày cao gót, sáng nay, chị diện áo thun, quần ngố, dép xỏ ngón vì sợ không xoay sở được với thời trang điệu đà.
Cùng cơ quan với chị, có người đi ôtô không dám vượt qua đoạn đường ngập nước sâu nơi đầu ngõ rẽ vào công ty, đành đậu ngay tại đó vì sợ xe chết máy. Người khác gọi điện tới xin nghỉ vì giữa đường xe bị trượt, ngã, ướt lướt thướt. "May hôm nay là thứ 6 rồi, chứ cảnh này tiếp diễn vài hôm nữa chắc dân công sở cũng nháo nhác xin nghỉ hết, chả ai dám ra đường, đi làm", chị Minh lắc đầu ngao ngán.
Vương Linh