Ngâm chân lâu trong nước bẩn bạn sẽ dễ bị nấm kẽ chân, ảnh chụp tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Nam Phương. |
Sau đây là cách nhận biết một số bệnh thường gặp sau ngập lụt:
- Tiêu chảy:
Bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi song người già, trẻ em là đối tượng dễ mắc và diễn biến bệnh trầm trọng hơn cả. Tiêu chảy là tình trạng rối loạn đường ruột với biểu hiện đi tiêu lỏng và liên tục ít nhất 3 lần trong vòng 24 giờ.
Để đề phòng bệnh, bạn nên dùng nước sạch, ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi vệ sinh.
- Sốt xuất huyết:
Đây cũng bệnh rất dễ gặp do ngập lụt kéo dài. Có hai triệu chứng cơ bản là: sốt và xuất huyết. Sốt đặc điểm là sốt đột ngột, sốt cao và liên tục, không phải sốt từng cơn, không có ngắt quãng. Nếu dùng thuốc hạ nhiệt thì chứng sốt cũng chỉ giảm xuống một lát, rồi sốt lại ngay.
Ngoài ra xuất huyết có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể, dưới dạng các đốm đỏ hoặc tím, to bằng đầu đinh ghim, được gọi là "đốm xuất huyết".
Để phòng bệnh hiệu quả, mọi người cần vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng đãng, khơi thông cống rãnh, phun hóa chất diệt muỗi và nằm ngủ màn.
- Đau mắt đỏ:
Trong điều kiện lũ lụt, không có nước sạch thì đau mắt đỏ là bệnh thường gặp, dễ lây lan và phát thành dịch. Bệnh nhân đau mắt đỏ thấy ngứa, cộm, chói, đau nhức, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều dử mắt. Sau đó mắt đỏ, mi mắt có thể sưng nề, kết mạc phù nề, hột. Trường hợp nặng có thể gây tổn thương giác mạc làm giác mạc bị mờ đục, thị lực giảm. Bệnh nhân có thể sốt nhẹ, có sưng hạch góc hàm hoặc hạch sau tai, họng đỏ, amidan sưng to.
Tuy bệnh không nguy hiểm (nếu điều trị đúng cách và sớm thì sẽ khỏi trong thời gian 4 - 6 ngày), nhưng đây là căn bệnh lây lan nhanh. Đáng chú ý là nếu không điều trị sớm, đúng cách có thể dẫn tới viêm giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực.
Để phòng bệnh, mọi người cần thực hiện rửa mặt bằng nước sạch, dùng khăn lau mặt riêng. Nếu có tiếp xúc với người bệnh và đồ dùng của họ phải rửa tay sạch. Vệ sinh nhà ở, diệt ruồi nhặng, vì đây là vật trung gian truyền bệnh từ người bệnh sang người lành. Bạn nên giữ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng.
- Nấm kẽ chân:
Kẽ chân bị nứt và ngứa ngáy, bạn hãy nghĩ ngay đến bệnh nấm kẽ chân. Biểu hiện chính là những nốt đỏ hình tròn hoặc những mụn nước làm người bệnh rất ngứa. Sau đó da bạn sẽ bị tróc, để lại vết trợt màu đỏ, đôi khi rịn máu. Thỉnh thoảng có những vết nứt da ở bề mặt vùng bị tổn thương.
Để tránh chân bị ngâm trong nước bẩn lâu, bạn nên đi ủng mỗi khi phải băng qua vùng nước ngập. Sau đó bạn nên lau thật khô chân với khăn khô hoặc khăn giấy hoặc bôi thuốc chống nấm.
- Thương hàn:
Người bệnh có triệu chứng chán ăn, ăn không ngon, đau đầu, đau nhức toàn thân, sốt, nôn, đau bụng, tiêu chảy (ở trẻ em tiêu chảy có thể không xảy ra). Thân nhiệt có thể lên cao tới 40oC và không thuyên giảm mặc dù đã chữa trị như những lần sốt khác, đi phân lỏng, sức khỏe suy sụp nhanh.
Để phòng bệnh, bạn có thể chích ngừa thương hàn. Điều quan trọng bạn nên ăn đủ đủ chất, để tạo sức đề kháng cho cơ thể.
Trong trường hợp có dấu hiệu sốt, tiêu chảy, đau mắt nặng bạn cần đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
N.P.