18h tối 13/10, trong ánh sáng chập chờn của ngọn nến đặt trên chiếc bàn nhỏ, gia đình ông Trần Văn Khánh (58 tuổi, tổ 13 phường Vỹ Dạ, TP Huế) ngồi ăn cơm. Trên bàn ăn ngoài chiếc nồi nhôm cơm trắng chỉ thêm vỏn vẹn một gói mì tôm được pha thay cho canh và một bát muối tiêu.
Hôm nay là bữa cơm đầu tiên sau năm ngày, vợ chồng ông cùng hai người con được ngồi ăn trên bàn vì nước đã rút. "Những ngày nước tràn vào nhà, chồng tôi nấu cơm trên bếp gas được kê cao ngang ngực, đưa lên cho ba mẹ con ngồi trên giàn giáo, còn ông ấy đứng ăn dưới nhà, nước ngập quá bụng", bà Nga (48 tuổi) kể.
Cồn Hến là "đảo nhỏ" giữa sông Hương, nổi tiếng với nghề cào hến và món cơm hến, bún hến nổi tiếng xứ Huế. Lũ về, cồn nổi này bị nước vây tứ phía. Ông Khánh nhớ, chiều thứ sáu tuần trước trời mưa lớn, nước sông Hương cách nhà ông chưa đầy 50 mét bắt đầu đục ngầu do nước từ thượng nguồn đổ về.
Ông Khánh sau khi ra ven sông xem mực nước về thì nghe tiếng hàng xóm gọi, vội chạy sang kê giúp tủ lạnh, tivi lên chỗ cao hơn. Cùng lúc, nước đã mấp mé tràn vào nhà, chiếc tủ lạnh nhà ông bị hỏng. Đến tối, cả xóm bị cúp điện. Ông Khánh lội nước ngược ra chợ trên đường Nguyễn Sinh Cung, mua vội mớ rau cải và vài quả trứng gà về dự trữ.
Nước lũ sau đó rút ra, nhưng đến tối thứ sáu thì đợt lũ thứ hai ập đến. Đứng trong nhà trông ra trước ngõ, thấy nhiều người đi lại đã ngập nước ngang ngực, ông Khánh vội sang nhà hàng xóm thuê một bộ giàn giáo, mỗi ngày trả 10.000 đồng. Chiếc giàn giáo được dựng vội trong căn nhà cấp bốn xây từ 60 năm trước.
Trên chiếc giàn giáo ở độ cao một mét so với nền nhà, gia đình ông để thức ăn. Còn ở độ cao 1,5m ông kê bốn tấm ván, trải tạm chiếc chiếu làm chỗ trú chân cho cả nhà. Mưa lớn, thuỷ điện xả lũ, khiến những dòng nước cuồn cuộn chảy từ sông Hương vào ngõ, rồi tràn vào nhà qua cách cửa khép tạm.
"Lũ lên nhanh lắm. Chỉ từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối đã cao gần một mét trong nhà. Tôi không dám đóng cửa, đề phòng nếu lũ lên cao còn có lối thoát thân", ông kể. Tối hôm ấy, gia đình ông Khánh dùng xoong, chậu inox khua tạo âm thanh lớn, át đi tiếng mưa để cảnh báo cho hàng xóm biết lũ đang lên.
Công an phường Vỹ Dạ đưa cano xuống túc trực, phòng khi lũ lên nhanh sẽ chuyển dân đi sơ tán. "Chúng tôi đã quen với lũ, nên nhà nào ở yên nhà ấy. Điều mà mọi người lo lắng là cơ quan chức năng cảnh báo nước lũ có thể vượt cơn lũ lịch sử năm 1999. Mà năm đó, nước tràn vào nhà tôi cao 2 mét", ông Khánh chỉ tay lên vách tường phía trên ô cửa sổ đã được đánh dấu để minh hoạ.
Ám ảnh về trận lũ lịch sử 21 năm trước, đêm hôm đó bốn người không dám chợp mắt, chong nến ngồi coi nước. Giàn giáo chừng 2 mét vuông cũng không đủ chỗ cho bốn người cùng nằm. Sợ nhất là nước lên ban đêm. Người đàn ông dáng người cao, gầy thủ sẵn một chiếc búa để "nếu lũ lên cao, bít hết cửa thì phá mái tôn mà trèo ra ngoài kêu cứu, hoặc bơi về phía cầu cách nhà 20 mét".
Hến bây giờ không còn nhiều. Người dân Cồn Hến chia nhau ra mưu sinh. Đàn ông thường đi phụ hồ hoặc ai thuê gì làm nấy. Phụ nữ thì lang thang khắp các ngõ, hẻm bán bánh nậm, bánh lọc. Nghe đài báo bão, nhiều nhà chưa dám dọn đồ đạc xuống. "Trước mắt tôi phải gom góp tiền mua chiếc ghe nhỏ, phòng khi lũ lên cao quá còn có phương tiện chở vợ con đến nơi an toàn", ông Khánh dự tính.
Cách nhà ông Khánh 3 km về phía trung tâm thành phố, cô Hoàng Lê Thuý Nga - Giảng viên trường ĐH Khoa học Huế (phường Xuân Phú), chứng kiến cảnh nước lũ ngập sâu sau 20 năm sống ở cố đô. Lúc xây nhà, vợ chồng đã tính toán làm móng cao nhưng sau năm ngày mưa lớn, nước đã tràn vào 60 cm, lênh láng từ phòng khách đến phòng ngủ. Còn những nhà dân xung quanh, nước ngập hơn một mét.
Không kịp trữ đồ ăn, ngày đầu tiên bị cô lập (9/10), cả nhà phải ăn mì tôm rồi phụ nhau kê đồ đạc lên tránh nước làm hư hại. Sáng hôm sau, gia đình phân công chồng lội nước lũ ngang ngực đi chợ mua đồ ăn hàng ngày vì điện đã cắt, không trữ được đồ ăn trong tủ lạnh, sạc nhờ pin điện thoại để giữ liên lạc. Còn vợ lo chuyện nấu nướng để hai con có bữa ăn đảm bảo hơn.
"Cả đêm không ngủ là chuyện bình thường ngày lũ", cô Nga nói. Tối 12/10, Huế ngớt mưa. Nước cũng bắt đầu rút. Cả nhà lại cùng nhau đẩy lớp bùn non dày gần một gang tay ra ngoài để dọn dẹp. Đến đêm, anh Thông (chồng cô Nga) ngồi đốt thuốc canh nước cho ba mẹ con có được một giấc ngủ ngon hơn.
6h sáng 13/10, nước lũ rút khỏi nhà các hộ dân ở làng Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền). Chị Võ Phương Nhi (32 tuổi), kể chiều chủ nhật, cả nhà đón đợt lũ thứ 2, nước tràn vào nhà khoảng 50 cm. Đường xá chỉ còn là một màu đục ngầu. Nhà có thóc lúa thì kê lên cao. Nhà nuôi trâu dắt lên gò đất trú tạm. Còn lợn, gà thì kê tạm ván hoặc cho đứng lên ghế.
Để có điện thoại liên lạc khi cần, vợ chồng chị Nhi nghĩ ra cách lấy nguồn từ chiếc bình của xe đạp điện để phục vụ cho gia đình và những người hàng xóm khi cần. Cũng nhờ sạc điện thoại thường xuyên, ngày 10/10, chị Nhi biết tin người em họ chuyển dạ phải đi sinh ở bệnh viện nhưng nước ngập bít hết đường.
"Xin số lực lượng cứu hộ từ người quen, tôi gọi ngay và may mắn chính quyền xã lập tức cho xuồng máy đến chở đứa em đến viện sinh kịp thời", chị Nhi kể, cho biết lũ năm nay tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều kênh cung cấp thông tin chính thống trên mạng xã hội, nhờ đó người dân được thông tin kịp thời để phòng tránh.
"Tôi nghĩ mọi người nên lưu sẵn các số đường dây nóng cứu hộ để đề phòng trong mọi tình huống, vì không ai biết trước trong thiên tai thì chuyện gì có thể xảy ra", chị Nhi nói thêm.
Mưa lũ tại Thừa Thiên - Huế những ngày qua đã làm một người chết, 6 người bị thương, gần 25.000 căn nhà của người dân bị ngập, hư hại. Nhiều khu vực vẫn còn cô lập. Khu vực thuỷ điện Rào Trăng 3 xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) xảy ra sự cố sạt lở khiến hàng chục người mất tích.