Nguy hiểm chưa bao giờ là điều xa lạ đối với Adul Sam-on, 14 tuổi, thành viên đội bóng Lợn Hoang mắc kẹt trong hang Tham Luang mới được giải cứu, theo New York Times.
Năm 6 tuổi, Adul cùng cha mẹ trốn khỏi một vùng đất ở Myanmar được biết đến với những cuộc chiến tranh liên miên, trồng thuốc phiện và buôn bán methamphetamine (loại chất gây nghiện có trong ma túy đá). Bố mẹ đưa Adul đến Thái Lan với hy vọng con mình sẽ được học hành đầy đủ và có cuộc sống tốt đẹp hơn gia đình mù chữ và nghèo khó của họ.
Thế nhưng cuộc trốn thoát lớn nhất của Adul đến vào ngày 10/7, khi cậu và 11 thành viên đội bóng cùng huấn luyện viên trẻ được đưa khỏi hang Tham Luang ở miền bắc Thái Lan sau một thử thách kéo dài hơn hai tuần.
Trong 10 ngày, Adul và những đồng đội đã sống sót trong một hang động phức tạp khi thức ăn, đèn pin và nước uống dần cạn kiệt. Vào thời điểm được các thợ lặn Anh phát hiện đêm 2/7, đội bóng nhí và huấn luyện viên dường như chỉ còn da bọc xương.
Đội bóng đá nhí Thái Lan được đưa khỏi hang thế nào? Video: Channel News Asia
Adul là hậu duệ không quốc tịch của một nhánh bộ tộc Wa ở Myanmar. Khi các thợ lặn Anh phát hiện đội bóng còn sống và đang trú ẩn sâu trong hang, chính Adul là người đã trò chuyện với họ. Thành thạo tiếng Anh, Thái, Myanmar, và Trung Quốc, Adul lịch sự giao tiếp với các thợ lặn Anh về nhu cầu lớn nhất của nhóm là thực phẩm và hỏi xem nhóm đã lưu lại trong hang bao lâu. Trong những hình ảnh do đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan cung cấp, Adul nở nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt gầy gò.
Ngày 10/7, thị trấn biên giới Mae Sai, nơi Adul từng sống trong một nhà thờ, cuối cùng cũng có lý do để ăn mừng khi thử thách 18 ngày của đội bóng Lợn Hoang kết thúc. Trong nhiệm vụ giải cứu ba ngày, Adul và 12 người khác được hàng chục thợ lặn, bác sĩ và đội ngũ hỗ trợ đưa khỏi hang một cách an toàn.
Ba trong số những thiếu niên mắc kẹt và huấn luyện viên Ekkapol Chantawong là những người dân tộc thiểu số không quốc tịch. Họ quen với việc hôm nay vượt qua biên giới Myanmar rồi ngày mai quay lại Thái Lan để tham gia một trận bóng.
Adul là học sinh giỏi tại trường Ban Wiang Phan ở Mae Sai. Với thành tích học tập luôn đứng đầu lớp và năng lực thể thao, cậu được nhà trường miễn học phí và ăn trưa.
Sau khi vượt biên vào Thái Lan cách đây 8 năm, cha mẹ Adul để cậu lại một nhà thờ Công giáo ở Mae Sai và nhờ vợ chồng mục sư chăm sóc bởi lo lắng nền giáo dục yếu kém ở quê nhà sẽ khiến cậu bé có nguy cơ bị lôi kéo vào lực lượng du kích địa phương.
Ở trường Ban Wiang Phan, nơi 20% học sinh không có quốc tịch và một nửa là dân tộc thiểu số, hiệu trưởng Punnawit Thepsurin nói rằng chính việc không có quốc tịch đã giúp cậu bé trau dồi sức mạnh. "Trẻ em không có quốc tịch rất có tinh thần chiến đấu vì chúng thực sự muốn vượt trội. Adul là người giỏi nhất trong những người giỏi nhất", ông nói.
Theo Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc, ít nhất 440.000 người không quốc tịch đang sống ở Thái Lan, nhiều người trong số đó là nạn nhân của cuộc xung đột sắc tộc lâu năm ở Myanmar. Các nhóm nhân quyền cho biết con số thực có thể lên đến 3 triệu người ở quốc gia gần 70 triệu dân này, dù chính phủ Thái Lan từ chối phê chuẩn công ước của Liên Hợp Quốc về đảm bảo quyền lợi cho người tị nạn.
Với sự bảo vệ pháp lý ít ỏi, những công nhân không quốc tịch ở Thái Lan có thể là "món hời" cho những kẻ buôn người hoặc bóc lột sức lao động. Nhưng Lợn Hoang là mái ấm cho những đứa trẻ không quốc tịch và những đứa trẻ Thái Lan có hoàn cảnh giống nhau. Cứ vào cuối tuần, đội bóng sẽ đi dã ngoại trong những khu rừng gần đó. Cảnh báo bên ngoài hang Tham Luang rằng mùa mưa có thể biến lối đi trong hang thành những con sông chỉ trong vài giờ cũng không ngăn được các cậu bé đi vào.
"Lũ trẻ đang ở độ tuổi muốn khám phá và học hỏi những điều mới mẻ nên cũng là điều dễ hiểu khi chúng vào hang", Nopparat Khanthawong, huấn luyện viên trưởng của đội Lợn Hoang, người không tham gia chuyến đi, cho biết.
Ban đầu, có một số suy đoán rằng Ekkapol có thể bị truy tố hình sự vì đã bỏ qua cảnh báo để đưa các em vào hang song quan chức địa phương nhanh chóng bác bỏ điều này.
"Huấn luyện viên Ek, cảm ơn vì đã chăm sóc các con của chúng tôi và giúp chúng được an toàn trong hang tối", bố mẹ của Adul viết trong thư gửi cả nhóm và được đặc nhiệm SEAL chuyển vào hang hôm 7/7.
Ekkapol cũng là thành viên không quốc tịch thuộc dân tộc thiểu số Shan và là người có kinh nghiệm chăm sóc trẻ em. Sau khi bố mẹ qua đời ở Myanmar vì dịch bệnh, Ekkapol vào một ngôi chùa Thái Lan và tu ở đó gần 10 năm, lựa chọn phổ biến của những trẻ em mồ côi không được hỗ trợ tài chính.
Trong chùa, Ekkapol được giao nhiệm vụ chăm sóc những đứa trẻ nhỏ hơn, ông Patcharadanai Kittisophano, một nhà sư tại chùa Phrathat Doi Wao cho biết. Phrathat Doi Wao là nơi huấn luyện viên trẻ đang làm việc. "Trong hang, cậu ấy dạy các bé cách thiền định để vượt qua thời gian mà không bị căng thẳng. Chính điều đó đã cứu sống họ", ông Patcharadanai nói.
Ở trong hang, Ekkapol gửi một bức thư ra ngoài, chuyển lời xin lỗi tới cha mẹ các cậu bé vì đã đưa cả nhóm vào hang.
"Ek hẳn đã đổ lỗi cho chính mình. Vì bọn trẻ, cậu ấy phải chế ngự những lo lắng của mình để trở nên mạnh mẽ hơn", Prayuth Jetiyanukarn, trụ trì chùa Prathat Doi Wao nói.
Ông Nopparat, huấn luyện viên trưởng đội bóng, nói rằng Ekkapol thậm chí đã nhường phần ăn và nước uống của mình cho các thiếu niên. "Cậu ấy thà chết còn hơn để mất một con Lợn Hoang nào. Cậu ấy là kiểu người như vậy đấy", Nopparat nói.
Đối với cha mẹ của Adul, dù đứa con trai duy nhất được ăn học trong số 5 người con của họ đang gặp nguy hiểm, họ vẫn khuyên con phải cư xử tốt.
"Sau khi ra khỏi hang, con phải nói lời cảm ơn đến từng nhân viên đã tham gia giải cứu", họ viết trong bức thư gửi vào hang cho con.
Thợ lặn tham gia giải cứu khâm phục tinh thần của đội bóng nhí Thái Lan. Video: BBC.
Huyền Lê