Sài Gòn mùa này, những trận mưa ào xuống, dòng người vội vã chưa kịp dừng xe mặc áo mưa thì trời đã quang, mây đã tạnh, ánh nắng đã kịp lấp ló sau tán cây. Sài Gòn sầm uất và nhộn nhịp, nơi lưu giữ một phần tuổi trẻ bồng bột, hai năm qua tôi đã sống một cuộc sống khác trước rất nhiều.
Bước xuống lầu, dì Sáu đang vừa nhặt mớ rau vừa a ê hỏi chuyện đứa cháu nhỏ, tôi tươi cười chạy ào đến ôm nhẹ dì từ phía sau, miệng chào hỏi, chân bước lên giường đến trước chỗ em bé nằm. Tôi ôm hôn nó rối rít, nói với nó những câu mà đến chính tôi cũng không biết mình đang nói những gì, cù bẹo nó khiến nó cười thích thú. Tiếng cười của trẻ con nghe sao giòn tan đến nỗi mọi ưu phiền đều có thể bị đập vỡ. Mùi trẻ con rất thơm, tôi thích được chạm vào làn da mát lạnh mịn màng như cục bông đó nữa.
Tôi không biết từ bao giờ tôi lại thích trẻ con đến thế. Không đúng. Tôi không biết từ bao giờ tôi lại có thể cười đùa vui vẻ như thế kể từ mùa hè năm đó.
Sáng sớm, tôi đang say giấc. Có cuộc gọi đến, tôi quờ tay vớ lấy điện thoại trả lời. Phía bên kia là tiếng chị Loan nức nở: “An ơi, cái Mai nó tự tử rồi”. Tôi đã không thể nói được lời nào, cái cảm giác lúc đó, tôi vẫn không thể quên được, giống như tôi vừa hụt chân trượt xuống một cái vực sâu thẳm, không có một cành cây, tán lá nào đỡ lại, bàn chân trần cứ tuồn tuột trượt dài.
Tôi choàng dậy, nước mắt đã ứa ra đầy, cứ thế mặc luôn bộ đồ ngủ chạy ra sân, lấy chiếc xe đạp đi đến nhà Mai. Vừa đạp, tôi vừa khóc. Mai trượt đại học, nó buồn, tôi biết. Nó thương mẹ vất vả và thấy có lỗi với mẹ rất nhiều, tôi cũng biết. Thời gian qua, nó đau khổ, bi quan, tôi biết, tôi biết hết. Nhưng, tôi, con bạn thân nhất của nó, lại quá vui với chuyện đỗ đại học của mình. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, trượt thì ai chẳng buồn, buồn một ngày, hai ngày hay một tuần là hết. Năm nay không được thì sang năm thi lại. Tôi đã vô tâm bỏ qua từng lời tâm sự đau đớn của nó: “Dừng lại thôi”, “Nếu tiếp tục sẽ chỉ đau khổ hơn”, “Xin lỗi”, “Đồ vô dụng”, “Liệu trên đời này có nơi gọi là thiên đường?”, “Có ai đó nắm tay tôi lại đi…”. Nếu như tôi lắng lại một chút để hiểu cho Mai hơn, nếu như tôi tiến đến một bước để nắm lấy tay Mai: “Không sao đâu. Sẽ ổn thôi. Có tớ ở đây”, có lẽ Mai đã không chết.
Đám tang của Mai đầy một màu hoa trắng, màu trắng thanh khiết của tuổi trẻ và trong trắng như Mai giờ trở nên quá sức lạnh lẽo. Trong khói hương nghi ngút, tôi đã không dám đến gần Mai dù chỉ một lần. Trong đầu tôi đã luôn mang một lời trách móc, tại tôi mà Mai chết. Tại sao tôi lại không trượt đại học để có thể đồng cảm với nó? Tại sao tôi lại quên bẵng đi tin nhắn của Mai gửi đến mà không đáp lại?
Hòa trong dòng người đội khăn trắng, mẹ Mai lầm lũi đi theo xe tang, nước mắt cô đã không còn để mà chảy nữa. Vài người đứng bên đỡ lấy cô, tay xoa xoa tấm lưng gầy gò để an ủi rồi lại đưa tay lên vuốt nhanh giọt nước mắt đã chảy đầy khuôn mặt.
Tôi đã không dám nhìn Mai bao nhiêu, thì tôi còn xấu hổ không dám nhìn mẹ Mai bấy nhiêu. Cổ tôi nghẹn đắng, không cất lên lời. Biết bao nhiêu lần tôi đã muốn bước đến ôm lấy cô, mong cô hay coi tôi như con, nói với cô là: “Con sẽ sống thay phần của Mai, sẽ chăm sóc cho cô, cô đừng khóc nữa”. Nhưng tôi đã không làm gì, không nói gì, tôi đã dại khờ mà chạy trốn Mai, chạy trốn cô trong suốt bốn năm sau đó.
Đó là bốn năm đại học. Với tôi, bốn năm đó là những tháng ngày sống trong day dứt và trả nợ. Để đến khi vừa tốt nghiệp ra trường, tôi đã lập tức tìm cách rời xa nơi được cho là quê hương xứ sở, nơi đã gắn bó với tôi hơn 20 năm qua. Tôi sẽ vào Sài Gòn làm việc.
Ba hôm trước ngày bay, tôi quyết định về thăm ông. Tôi vẫn tránh con đường ngõ đi qua nhà Mai mà đi đường vòng để đến nhà ông. Tôi sợ gặp mẹ Mai, tôi sợ nhìn lại ánh mắt ướt đẫm, buồn thật buồn mà trước giờ tôi vẫn nói hai mẹ con Mai có đôi mắt giống nhau y hệt. Suốt bốn năm kể từ khi Mai ra đi, tôi chưa một lần vào thăm cô, cũng chưa một lần ra mộ.
Vừa dừng xe trước cửa nhà ông, thấy cửa khóa trong, đang tính gọi ông ra mở thì có tiếng hỏi nghe quen quen: “An phải không cháu?”. Tôi quay người sang, ngỡ ngàng khi đó là mẹ Mai. Vẫn nụ cười hiền, đôi mắt ướt, cô cười trìu mến với tôi. Đặt gánh rau chắc vừa hái dưới đồng xuống, cô đến gần tôi hỏi chuyện: “Lâu quá không gặp cháu. Dạo này cháu khác quá. Lớn với trông ra dáng hơn trước nhiều”. Tôi chẳng biết phải nói gì hay làm gì nữa, đầu cứ suy nghĩ là phải xin lỗi cô hay là hỏi cô có khỏe không, dạo này bệnh đau đầu gối của cô đã đỡ chưa, mấy ruộng rau vẫn thế hay rộng hơn rồi? Những suy nghĩ sau bao ngày chồng chéo cứ xuất hiện hỗn loạn trong tôi. Cho đến khi hai bàn tay cô cầm lấy tay tôi. Tay cô gầy quá, nước da nhám sạm, nhăn nheo vì nước và nắng. Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra. Tôi không biết điều gì đã khiến tôi ôm cô lúc đó, hành động mà tôi chưa từng làm ngay cả với mẹ của mình.
Tôi cứ thế khóc, cứ thế nức nở mà không nói được lời nào. Cô nhẹ nhàng xoa mái tóc tôi, nhẹ nhàng như ngày xưa cô ngồi tết tóc cho cả tôi và Mai. Hai đứa ngồi xếp hàng ngoài hiên, vừa chơi búp bê vừa chí chóe nói chuyện rồi cãi nhau trong khi cô vẫn nhẹ nhàng ngồi thắt từng bím tóc nhỏ xinh. Mãi rồi tôi mới nói được một câu: “Cháu xin lỗi”. Cô lại cười hiền bảo: “Có gì mà phải xin lỗi. Cô đã rất nhớ cháu. Bây giờ, thấy cháu lớn và xinh thế này, cô rất vui”.
Cô đã không nhắc đến Mai, dù chỉ một từ. Tôi biết, cô không bao giờ quên Mai, có lẽ cô lo rằng tôi sẽ đau khi nhớ đến. Chưa khi nào tôi cảm thấy xấu hổ vì sự hèn nhát của mình đến như thế. Và cũng chưa bao giờ tôi thấy một cái nắm tay lại có thể khiến con người ta thức tỉnh đến như vậy. Tôi đã u mê trong sợ hãi quá lâu, để rồi khiến cả chính mình và những người xung quanh phải đau khổ.
Tôi đã đến thăm Mai, lần đầu tiên sau cái ngày định mệnh. Tôi đã nhận ra, chỉ một sự quan tâm bình thường đúng lúc, cũng có thể cứu một mạng người hay kéo một ai đó ra khỏi ngõ tối. Bước ra khỏi vỏ kén trầm lặng, vứt bỏ những vướng bận của quá khứ tôi đã bắt đầu một cuộc sống khác thực sự. Một cuộc sống mà luôn chủ động bằng những cái ôm, những nụ cười và sự quan tâm bình thường với cả những người lần đầu bắt gặp.
Nguyễn Thị Nhàn