Kim Han-sol trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2012
Việc Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bị sát hại tại Malaysia với hàng loạt tình tiết còn mơ hồ đang khiến dư luận dành nhiều sự quan tâm tới đời tư người đàn ông này cũng như những thân nhân của ông.
Kim Han-sol, con trai Kim Jong-nam, là một trong số đó. Han-sol từng kể trong một cuộc phỏng vấn về tuổi thơ "bị cô lập" cùng mong muốn trở về quê hương và niềm hy vọng bán đảo Triều Tiên thống nhất trong tương lai, theo South China Morning Post.
Lưu lạc từ nhỏ
Kim Han-sol là một trong hai con của ông Kim Jong-nam với người vợ thứ hai, là cháu nội cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il và gọi nhà lãnh đạo Kim Jong-un là chú ruột.
Hiện chưa rõ Han-sol ở đâu kể từ sau cái chết của cha, ông Jeong Joon-hee, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho biết.
Báo Hàn Quốc Chosun Ilbo đã tới hai địa điểm ở Macau, nơi Kim Han-sol, em gái Kim Sol-hui và mẹ Lee Hye-Kyong được cho là đang sinh sống nhưng theo tờ báo này "không ai ở đây muốn nói điều gì".
Nhà chức trách Macau hôm 15/2 khẳng định sẽ "làm tất cả để đảm bảo an toàn cho người dân và khách viếng thăm Macau".
Dựa vào các bức ảnh đăng tải trên mạng xã hội Facebook dường như thuộc về Han-sol, cháu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có vẻ là một thanh niên trẻ trung, sành điệu, thích mặc màu đen, tóc nhuộm màu cam, tai bấm khuyên.
Cái tên Han-sol gây chú ý lần đầu tiên vào năm 2011. Lúc bấy giờ, Han-sol, 16 tuổi, được nhận vào trường trung học Li Po Chun United World College ở Hong Kong nhưng visa du học của cậu lại bị chính quyền đặc khu từ chối.
Stephen Codrington, cựu hiệu trưởng trường Li Po Chun United World College, người từng phỏng vấn Han-sol, nhận xét cậu là một thiếu niên "đáng yêu, thông minh và thu hút" với "vốn tiếng Anh khá" cùng "lý tưởng tốt đẹp".
Sinh năm 1995, Kim Han-sol dành vài năm đầu đời sống tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Sau khi ông Jong-nam đánh mất tín nhiệm từ cha, Han-sol cùng bố mẹ rời Triều Tiên ra nước ngoài sống lưu vong, chủ yếu tại Macau, Trung Quốc.
Tuy nhiên, Han-sol từng kể trong một cuộc phỏng vấn video hồi năm 2012 rằng mùa hè nào cậu cũng trở về Triều Tiên để thăm họ hàng và "giữ liên lạc với gia đình". Nhưng cậu chưa bao giờ thực sự gặp mặt ông nội Kim Jong-il, người qua đời hồi tháng 12/2011.
"Tôi luôn muốn gặp ông, vì tôi chỉ muốn biết ông là người thế nào", Han-Sol nói. "Tôi thực sự đã chờ đợi ông, cho đến khi ông qua đời, hy vọng rằng ông ấy sẽ đến tìm tôi".
Khoảnh khắc Kim Jong-nam bị sát hại tại sân bay Malaysia:
Han-sol cũng chưa bao giờ gặp người chú Kim Jong-un. Khi được hỏi về lựa chọn rời xa chính trị của cha, Han-sol nói: "Cha tôi không thực sự quan tâm đến chính trị. Đó là chuyện giữa chú và ông nội tôi".
Nói trôi chảy tiếng Anh, Han-sol cho biết cậu phải trải qua quãng thời gian tuổi thơ "sống vô cùng tách biệt nhằm che giấu thân phận". Đây dường như là lý do giúp giải thích vì sao Han-sol không có nhiều bạn bè tại Triều Tiên.
Nhưng bên ngoài Triều Tiên, chẳng hạn như ở Macau, Han-sol cho hay cậu cảm thấy vui vì được hòa nhập trong cộng đồng quốc tế. Nó cho phép cậu gặp gỡ những người bạn mới đến từ cả Mỹ hay Hàn Quốc.
"Chúng tôi cuối cùng trở thành bạn tốt và điều này chỉ càng khuyến khích ý tưởng về việc đưa mối quan hệ lên mức độ tiếp theo", Han-sol nói trong lúc giải thích lý do vì sao đăng ký vào trường United World College ở thành phố Mostar, Bosnia-Herzegovina.
Theo một bài viết từ Telegraph hồi năm 2011, Han-sol tham gia một chương trình yêu cầu học sinh phải học toán, vật lý, hóa học và kinh tế bằng tiếng Anh.
Mong hai miền Triều Tiên thống nhất
Mô phỏng Kim Jong-nam bị hạ độc 'trong 5 giây'
Trong cuộc phỏng vấn video cách đây 5 năm, Han-sol tỏ ra đầy tự tin và đĩnh đạc, theo SCMP. Cậu thể hiện thích thú lúc cuộc đối thoại chuyển sang chủ đề về cuộc sống học tập. Song Han-sol thừa nhận rằng sự chú ý thái quá từ truyền thông khiến cậu "không thoải mái".
Han-sol cho hay quá trình cậu xin thị thực để đến học tại Mostar bị đóng băng khi truyền thông Hàn Quốc phát hiện ra chuyện. Báo chí vẫn tiếp tục đeo bám Han-sol dù cậu đã nhập học.
"Lần đầu tiên trong đời tôi thấy áp lực như vậy, đèn máy ảnh chớp nháy liên tục... Ban đầu tôi cảm thấy khá khó chịu", Han-sol nói.
Han-sol cũng chia sẻ mong muốn bán đảo Triều Tiên được thống nhất.
"Tôi luôn mơ rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở về và biến mọi chuyện tốt đẹp hơn, dễ dàng hơn cho tất cả mọi người", Han-sol bộc bạch. "Tôi muốn hai miền thống nhất bởi thật buồn khi tôi không thể sang phía bên kia (Hàn Quốc) gặp gỡ bạn bè mình ở đó".
Vũ Hoàng