Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng hai năm ngoái, thành phố công nghiệp từng phát triển mạnh mẽ với 30.000 dân ở vùng Donbass này đã trở thành một đô thị ma.
Những người chưa sơ tán giờ đây sống dưới tầng hầm các khu chung cư không còn điện nước, nín thở chờ đợi giữa tiếng pháo kích rền vang từ cả hai đầu chiến tuyến.
Nhóm phóng viên AFP tới Avdiivka hôm 8/2 để tìm hiểu về cuộc sống nghẹt thở giữa làn đạn ở thành phố tiền tuyến này.
Từ sáng sớm, đám cháy do cuộc tấn công tên lửa đêm hôm trước vào khu chung cư trên phố Komunalna vẫn chưa tắt hẳn. Khói đen dày đặc bốc lên qua khu cầu thang bộ.
Không có đội cứu hỏa, ngọn lửa sẽ tự tắt, người dân địa phương cho hay. Những mảnh vụn cháy thành than và kính vỡ lả tả rơi xuống lớp tuyết dày bên dưới.
Từ rạng sáng, người dân đã xếp hàng suốt hai giờ để hứng đầy những chai nước dự trữ tại một vòi nước công cộng. Dường như mối đe dọa từ đạn pháo và tên lửa là chưa đủ, một phụ nữ lớn tuổi gần đây đã chết vì ngộ độc khí CO2 do dùng bếp củi để sưởi ấm trong phòng kín.
Hơn 9h sáng, Andriy, 51 tuổi, vội vàng rời đi khỏi điểm lấy nước. "Cầm lấy cái này", ông nói, đưa cho phóng viên AFP một sợi dây chuyền hình cây thánh giá. "Nó sẽ giúp bạn sống sót", ông nói.
Trong khi đó, Oleksandr Lugovskykh, 35 tuổi, ngồi thẫn thờ trên mép giường trong căn hộ ở tầng một mà anh ở cùng con mèo cưng tên Tusik. Trong ánh sáng lờ mờ, Lugovskykh, dáng người tiều tụy, hít hơi thuốc lá thật sâu, dường như không để ý đến khói từ bếp củi bay vào.
Anh làm nghề sửa cưa để kiếm sống, nhưng công việc này không thể thực hiện khi trời tối. "Khoảng sau 14h là một ngày kết thúc", Lugovskykh chia sẻ. "Không có việc gì để làm. Đến 16h là trời bắt đầu tối".
Bên ngoài, những cơn gió lạnh giá đẩy nhiệt độ xuống chỉ còn -18 độ C. Lugovskykh cho hay anh không hiểu mục đích của cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine là gì. "Đó chỉ là cuộc đối đầu giữa các chính trị gia để xem ai là người mạnh nhất", anh nói.
Bên ngoài, Svitlana, 49 tuổi, có mặt tại cửa hàng duy nhất ở Avdiivka từ sáng sớm. Bà ngồi nghe đài giữa một đống đèn pin, ủng, bộ sạc năng lượng mặt trời và những vật dụng khác để đáp ứng nhu cầu của cư dân.
"Trung bình có khoảng ba khách tới mua hàng mỗi ngày... Tôi thấy đủ với số tiền kiếm được, dù ít ỏi. Tôi không muốn dựa vào viện trợ", Svitlana bày tỏ.
Gần khu chợ bị đánh bom tan hoang của thành phố, người dân tập trung bên cầu thang của một khu chung cư, sử dụng máy phát điện để sạc điện thoại.
Bên ngoài, một số người cố giơ điện thoại lên trời để "hứng sóng". Đôi khi, họ vẫn bắt được tín hiệu.
Cách đó không xa, Lyubov Stepanova, 71 tuổi, đang lúi húi nhặt những khúc củi. Bà kéo theo chiếc xe đẩy cũ nát từ tầng hầm đã được cải tạo thành nơi ở mà bà hiện sống chung với 20 người hàng xóm.
"Nhóm chúng tôi từng có đến 50 thành viên, nhưng nhiều người đã rời đi rồi", Stepanova cho biết. Dưới tầng hầm ngột ngạt, bà Tetyana, 68 tuổi, ngồi cặm cụi xoa bóp bàn tay và ngón tay bị viêm khớp của người hàng xóm Galyna, 83 tuổi, trên chiếc giường tạm bợ.
Buổi trưa, Vitaliy Sytnyk, 55 tuổi, tranh thủ nghỉ ngơi tại Bệnh viện Trung tâm Avdiivka, sau nhiều ngày mất ngủ. Ông cho hay hầu hết nhân viên bệnh viện đã rời đi vào năm ngoái vì bị pháo kích dữ dội. Ông là bác sĩ duy nhất còn lại tại đây từ tháng 10.
Theo Sytnyk, dù bị pháo kích và nằm cách vị trí lực lượng Nga một km, bệnh viện vẫn có đầy đủ vật tư y tế.
Tiếng đạn pháo làm kính cửa sổ kêu lạch cạch. Ông đan hai tay vào nhau, nhưng chân phải không khỏi run rẩy.
"Mọi người đều căng thẳng", Sytnyk nói. "Họ thường xuyên đến xin thuốc chống trầm cảm và thuốc ngủ. Với tư cách là bác sĩ, tôi đưa cho họ. Nhưng tôi khuyên họ rằng 'để ngủ ngon hơn, bạn phải rời đi'".
Bước ra bên ngoài bệnh viện, ông châm một điếu thuốc và chỉ lên tầng hai, nơi đã bị một quả tên lửa phá hủy. Tiếng nổ đạn pháo kích bất ngờ vang lên gần bệnh viện. "Bạn nên rời khỏi đây", Sytnyk vừa nói vừa vội vã quay vào bên trong.
Vũ Hoàng (Theo AFP)