Ngô Quý Đăng (20 tuổi), Võ Hoàng Hải (19 tuổi) và Phạm Nguyễn Minh Tuấn (19 tuổi) từng giành huy chương vàng Olympic quốc tế, lần lượt ở môn Toán, Vật lý, Hóa học.
Sau khi tốt nghiệp THPT ở trường chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cả ba đều nhận được học bổng toàn phần ở những ngôi trường danh tiếng thế giới, nhập học năm 2024.
Ba nam sinh cho hay thời gian đầu du học gặp không ít trở ngại. Như Ngô Quý Đăng gặp khó về ngôn ngữ khi theo ngành Toán ở trường Sư phạm Paris (École normale supérieure Paris), Pháp.
Đăng nói rất chật vật để theo kịp bài giảng trên lớp. Thời gian học chính khóa ngắn nhưng mật độ kiến thức được truyền tải nhiều, khiến em cảm thấy mệt mỏi và áp lực.
![Ngô Quý Đăng tại Pháp. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/01/31/dang-1738262976-1545-1738264559.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wyqdDBRegW-OyQH6djz4Vg)
Ngô Quý Đăng tại Pháp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hải và Tuấn không gặp vấn đề ngôn ngữ vì du học ở Mỹ và Australia dùng tiếng Anh. Song cả hai bỡ ngỡ khi phải thích nghi với cuộc sống tự lập.
Hải sang Mỹ học Vật lý hồi tháng 8/2024, sau khi giành học bổng 9,3 tỷ đồng của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ - ngôi trường số 1 thế giới, theo bảng xếp hạng đại học QS.
Nam sinh kể lúc đầu thậm chí không biết phải chuẩn bị những đồ dùng cá nhân nào và mua ở đâu. Hải còn khó khăn khi kết nối với bạn bè, nhưng dần dần, nhờ kiên trì, em bắt nhịp được với môi trường ở MIT. Những người bạn mới cho em lời khuyên hay chia sẻ kinh nghiệm về văn hóa, lối sống ở Mỹ.
Còn Tuấn kể trước đây thường được bố mẹ hỗ trợ, nhắc những việc cần làm. Vì thế, khoảng hai tuần đầu ở Đại học Công nghệ Sydney, Australia, em bị ngợp vì thiếu sự chuẩn bị. Nam sinh sau đó phải học thêm nhiều thứ mới như tra Google Map để bắt tàu, xe buýt; mua đồ trong siêu thị, dùng thẻ ngân hàng, thẻ bảo hiểm...
![Võ Hoàng Hải (giữa) trong lần sang MIT nhập học hồi tháng 8/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/01/31/hai-1738263007-2023-1738264559.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DHWdxCYhyywxzbJzWANS5Q)
Võ Hoàng Hải (giữa) sang MIT nhập học, hồi tháng 8/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo ba nam sinh, để duy trì kết quả học tốt, điều quan trọng là chăm chỉ và không ngại trao đổi.
Đăng nói luôn cố gắng tập trung nghe giảng, ghi chép và đọc tài liệu. Gặp vấn đề khó, em hỏi bạn cùng lớp hoặc gửi email nhờ các giáo sư hỗ trợ.
"Em xem lại bài giảng ngay sau giờ học bởi việc đọc có thể theo nhịp độ của mình và từ nào khó có thể tra được", nam sinh kể. "Trước mỗi kỳ thi, em thường ôn kỹ lý thuyết, làm lại các đề năm trước. Nhờ đó, kết quả thi đến nay đều ổn".
Ngoài ra, các em lập kế hoạch, duy trì thời gian biểu và bảng mục tiêu cá nhân. Theo Hải, điều này giúp em không bỏ sót bài tập được giao hay bài kiểm tra cần ôn tập, mà vẫn có thời gian nghỉ ngơi, không bị quá tải.
Với Tuấn, vì theo ngành Khoa học Y khoa, nam sinh hầu như không học trên giảng đường, mà chủ yếu ở phòng thí nghiệm, học nhóm, thuyết trình trong năm đầu. Tuấn cho biết trong các môn, giải phẫu và tiến hóa nặng về lý thuyết. Em không đợi "nước đến chân mới nhảy" mà chia thời gian hợp lý để học. Nhờ đó, Tuấn giảm được áp lực vào tuần ôn thi.
"Điểm tổng kết của em đạt ngưỡng HD (High Distinction - xuất sắc)", nam sinh kể.
![Phạm Nguyễn Minh Tuấn. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/01/31/olympic-1738262991-2762-1738264559.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tQQunKmO_TTYos59OQl1lw)
Phạm Nguyễn Minh Tuấn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau du học, Đăng, Hải và Tuấn đều thấy mình trưởng thành hơn, không chỉ thạo nấu ăn, đi chợ, sắp xếp nhà cửa mà tinh thần, tâm lý cũng vững vàng khi đối diện với những khó khăn bất ngờ.
Hải nói học được nhiều kỹ năng sống như biết chủ động trò chuyện, giao tiếp với mọi người; biết cách cân bằng giữa học và vui chơi. Tuấn mặc dù cũng phải xây lại vòng bạn bè từ con số không, trải nghiệm này là một trong những điều đáng nhớ nhất với em năm qua.
Ngoài giờ học, Hải đăng ký lớp bắn súng thể thao ở MIT, chạy bộ và tập gym để duy trì sức khỏe. Tuấn hỗ trợ các buổi tiệc gây quỹ từ thiện để mua máy đo mật độ xương. Còn Đăng lúc rảnh thường đi ăn cùng bạn bè và gọi điện về cho gia đình. Em cũng đi dã ngoại, trekking, nghe hòa nhạc, tham dự hội thảo và một số kỳ thi giao lưu...
Cả ba cho hay dự định học lên cao và theo đuổi con đường nghiên cứu sau khi tốt nghiệp đại học.
Bình Minh