Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Noru (đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam rạng sáng 28/9), Nghệ An mưa rất to, tâm mưa là huyện Quỳnh Lưu với hơn 600 mm trong ba ngày, làm hơn 6.500 ngôi nhà bị ngập. Trong đó xã Quỳnh Hồng, nơi bà Loan, 47 tuổi, cư trú là tâm lụt của huyện với hơn 1.000 hộ ngập sâu 0,2-2 m.
Bà Loan kể, khuya 28/9, địa bàn mưa xối xả, dội xuống căn nhà cấp bốn. Đến 4h ngày 29/9, nước ào ào theo các đợt mưa từ ngoài đường liên thôn, xã chảy vào sân nhà rồi dâng cao.
Sau khi cõng bố mẹ già 90 tuổi sang nhà người thân lánh nạn, ông Nguyễn Văn Viện (52 tuổi, chồng bà Loan) trở về dùng thuyền chở con dâu đang mang bầu 8 tháng cùng cháu trai 10 tuổi sang nhà hàng xóm chạy lụt.
Hơn 7h, nước trong sân dâng đến ngực, bà Loan vội kê tủ lạnh và hệ thống lò ấp 5.000 quả trứng ở trong nhà lên kệ cao hơn, song bất lực. "Bỏ của chạy lấy người thôi", ông Viện nói lớn. Hai vợ chồng ôm vài bộ đồ, cầm hai điện thoại rồi sang tá túc tại ngôi nhà có nền cao trong xóm.

Bà Mai Thị Loan bên đầm nuôi cá và vịt bị nước lũ ngập. Ảnh: Nguyễn Hải
Chờ lúc tạnh mưa, ông Viện đi bộ khoảng 500 m ra trang trại nuôi 2.000 con ngan, vịt và ao nuôi cá rộng một ha, nằm cuối thôn. Hàng rào khuôn viên trang trại bị nước xô đổ, gần một nửa đàn gia cầm bị cuốn trôi, những con còn lại bám mái chòi lá, số ít đậu trên bờ rào. Cá trong ao đã giăng lưới bảo vệ, song nước vượt quá lưới khiến cả đàn trôi theo lũ.
"Tôi khóc khi gọi điện về kể với vợ. Đầu dây bên kia thút thít, im lặng vài giây rồi tắt máy", ông Viện nhớ lại. Đi tránh lũ song tâm trạng vợ chồng ông nặng trĩu, đầu óc luôn hướng về đàn ngan vịt ngoài đồng cùng những thiết bị đắt tiền như tủ lạnh, máy ấp trứng bị ngập tại nhà riêng.
Lo đàn gia cầm còn lại bị lũ cuốn hoặc mất trộm, hàng ngày hai người chia nhau ra đồng, đứng đội mưa, thức xuyên đêm để canh. Ông Viện chân trước đó bị thương nặng ở gót, biết đối mặt với nhiễm trùng nhưng không còn cách nào khác, đôi lúc đói thì ăn tạm mì tôm sống, lương khô. Hiện tay chân ông nổi mẩn ngứa, có dấu hiệu lở loét, phải bôi thuốc.
Bà Loan nói đến bữa hàng xóm mới dùng cơm thì miễn cưỡng ngồi vào mâm, ăn không có cảm giác ngon. Những lúc ra đồng thay phiên cho chồng, bà lội xuống dòng nước lũ ngập ngang vai, quan sát những con vịt, ngan đang co ro vì đói. Sau đợt này, đàn gia cầm sẽ đối mặt với bệnh tật, để phục hồi cho chúng sinh sản trở lại phải mất hàng tháng, tốn nhiều chi phí.

Người dân hỗ trợ đưa hàng nghìn quả trứng vịt của gia đình bà Loan ra khỏi lò ấp, song đều bị hỏng. Ảnh: Việt Hùng
Thuê đất làm trang trại nuôi gia cầm hơn chục năm nay, thu nhập của vợ chồng bà Loan đủ lo cho cả gia đình 8 người. Năm ngoái bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, thiệt hại 200 triệu đồng, gia đình phải chi tiêu dè sẻn. Chưa đong đếm được hết thiệt hại trong đợt lũ này, song bà Loan lo không biết lấy đâu ra 15 triệu đồng trả lãi, nuôi hai con đang học đại học và tiểu học. Hệ thống trang trại, máy móc cũng cần thêm hàng trăm triệu đồng nữa để sửa chữa sau lũ.
Người phụ nữ 47 tuổi chia sẻ bốn ngày qua thực sự là cơn ác mộng đối với gia đình. Đôi lúc vừa chợp mắt, nghĩ tới đàn gia cầm chới với trong nước bà lại tỉnh. Có hôm trằn trọc, bà gọi điện nói với chồng đang ở ngoài trại "cứ mưa lụt thế này có tiếp tục được không". Ông Viện đáp: "Giờ bỏ nghề lấy gì sinh sống, tiền đâu trả lãi, nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ".
"Trời không thương thì đành chịu chứ biết thế nào. Đâm lao phải theo lao, sắp tới vợ chồng sẽ làm hồ sơ vay ngân hàng thêm vốn để làm lại. Mong nhà nước có những chính sách để hỗ trợ nông dân gượng dậy sau lũ", bà Loan nói.
Nhà dân ở huyện Quỳnh Lưu bị ngập sâu, chia cắt, người dân phải dùng đồ tiếp tế. Video: Việt Hùng
Những ngày qua, nước lũ cũng nhấn chìm 1.000 trong tổng số 1.800 ngôi nhà ở xã vùng trũng Mỹ Thành, huyện Yên Thành, cách xã Quỳnh Hồng hơn 40 km.
Khi căn nhà cấp bốn ngập hơn nửa mét vào tối 29/9, bà Nguyễn Thị Hương, hơn 50 tuổi, cùng mẹ già 90 tuổi được lực lượng chức năng điều thuyền đến hỗ trợ, chở đến nhà hàng xóm cùng thôn lánh nạn. Đến nửa đêm, nước đã dâng sát mái nhà. Nghĩ đến nồi cơm điện, quạt, bếp gas, tủ lạnh nhỏ - những tài sản giá trị nhất trong nhà, đang kê trên bàn gỗ cao 70 cm hiện chìm nghỉm, bà Hương nói với đội cứu hộ "hỏng hết rồi, không biết sau lũ tiền đâu mà mua".
Gia đình bà Hương là hộ khó khăn của thôn. Bà làm nông nghiệp mưu sinh, nuôi thêm mẹ già, kinh tế eo hẹp. Lũ về nhanh, hàng xóm chưa kịp chuẩn bị gạo tích trữ nên phải dè sẻn, bữa ăn những ngày qua chủ yếu là mì tôm, lương khô từ các đoàn cứu hộ. Bà Hương nói bình thường mỗi sáng dậy nấu cơm để hai mẹ con dùng bữa, ngày lũ cũng dậy sớm, nhưng không thể nấu. Nhìn mẹ già cố ăn bát mì, nuốt miếng lương khô, bà thấy quặn lòng.
"Quá mệt mỏi và bất lực", bà Hương nói. Hôm qua, ngoài đường nước còn ngập ngang đầu gối, người phụ nữ đánh liều bì bõm lội về quan sát căn nhà. Tường nhà ngấm nước bong tróc từng mảng, hai cánh cửa nhà chính có dấu hiệu mục nát do ngâm trong lũ dài ngày.

Bà Hương kiểm tra vật dụng trước căn nhà đang bị ngập nước. Ảnh: Phạm Xuân
Bốn ngày qua, người dân vùng lũ Quỳnh Lưu, Yên Thành phải chôn chân trong nhà, nhìn ra ngoài trời là màu trắng xóa bởi mưa tầm tã, màu bạc của dòng nước lũ. Để hỗ trợ láng giềng nhu yếu phẩm, một số quán tạp hóa vẫn mở cửa.
Cơ quan khí tượng ghi nhận, ngày 27-29/9, huyện Quỳnh Lưu mưa hơn 600 mm; Thanh Chương 510 mm; Nam Đàn, Đô Lương, thị xã Thái Hòa hơn 400 mm; thị xã Cửa Lò, TP Vinh, huyện Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Anh Sơn và Con Cuông 300-390 mm... 13/21 huyện, thị với hơn 17.000 nhà dân bị ngập; 8 người chết.
Đến trưa 3/10, Nghệ An ngớt mưa, nước rút dần, diện ngập lụt giảm còn 6.700 nhà, tập trung ở các huyện Hưng Nguyên 1.600 nhà; Quỳnh Lưu, Yên Thành mỗi huyện hơn 1.300 nhà; Tân Kỳ và Diễn Châu mỗi nơi hơn 500 nhà..
Tại huyện Kỳ Sơn, lũ ống đã cuốn trôi 14 nhà, ngập 85 nhà, sạt lở 19 nhà, cô lập 236 hộ và 966 nhân khẩu ở xã Tạ Cà và thị trấn Mường Xén. 2 ôtô bị cuốn trôi (hiện đã vớt được chiếc), 10 ôtô bị vùi lấp. Quốc lộ 7 kết nối từ huyện Diễn Châu lên cửa khẩu Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, bị sạt lở taluy dương tại các xã Tà Cạ, Nậm Cắn, giao thông ngưng trệ.