Từ lúc nhà thiết kế rời hãng Calvin Klein năm ngoái, nhiều người ở làng mốt hiếm khi trông thấy anh. Lần gần nhất, anh xuất hiện chớp nhoáng ở show Raf Simons Xuân Hè 2020 dành cho nam tại Paris (Pháp) hồi tháng 6. Simons đang tận hưởng niềm vui ở ẩn tại một thị trấn cầu cảng khi bắt tay với Kvadrat - công ty vải của Đan Mạch, cho ra những sản phẩm được làng mốt đánh giá tuyệt vời. Với anh, việc hợp tác này đem đến cho anh công việc sáng tạo nhất trong sự nghiệp.
Đầu năm nay, nhà thiết kế người Bỉ trải qua một đợt cúm nặng khiến anh nằm liệt giường suốt một tuần. Simons kể trên The Guardian điện thoại của anh liên tục nhấp nháy vì hàng loạt cuộc gọi và tin nhắn bị nhỡ: "Chỉ cần vài ngày không đến xưởng là gần như không thể bắt kịp mọi thứ nữa. Mọi người đều cố gắng liên lạc với tôi". Anh ngập đầu trong công việc. Ngoài sáng tạo những chất liệu mới, anh vẫn điều hành thương hiệu thời trang nam mang tên mình. Thương hiệu ra đời từ năm 1995 là sự kết hợp thành công giữa thời trang đường phố và may đo, đến nay vẫn được vận hành chỉ bởi tám nhân sự ở một studio tại thành phố Antwerp (Bỉ).
Hơn ba năm trước, Raf Simons nhận lời mời đến New York (Mỹ) với hy vọng hồi sinh Calvin Klein - một nhà mốt nổi tiếng lâu đời đang lâm vào khủng hoảng tài chính. Mặc dù chịu trách nhiệm sáng tạo mọi thứ từ đồ jeans, đồ lót cho đến đầm dạ tiệc, thậm chí đến cả việc xây dựng thương hiệu, Simons vẫn bị sa thải một cách nhanh gọn, một tuần trước Giáng sinh 2018. Sự kiện ấy gây sốc trong giới thời trang bởi những sáng tạo của Simons dành cho Calvin Klein luôn được ca tụng. Thương hiệu này hiện dừng kinh doanh thời trang ứng dụng để tập trung vào mảng denim và đồ lót.
Việc rời Calvin Klein cũng đột ngột như khi anh từ chức giám đốc sáng tạo của Dior vào tháng 10/2015. Đến nay, một số thiết kế của Raf Simons dành cho Dior vẫn được nhắc lại. Áo khoác đỏ kèm thắt lưng mạ vàng, đầm dạ tiệc bằng vải tulle xòe màu hồng phấn, đang được trưng bày tại Bảo tàng Victoria và Albert (Anh). Oriole Cullen - người phụ trách gian phòng Dior - nhận xét: "Anh ấy đã diễn giải rất tốt phong cách của Dior - đáy thắt lưng ong - và khiến cho người ta luôn muốn mặc chúng". Định hướng thời trang của Simons khác hẳn sự cổ quái điên rồ của người tiền nhiệm John Galliano, hay tính nữ đặc trưng của người kế nhiệm Maria Grazia Chiuri. Nhưng nhà thiết kế người Bỉ rời Dior chỉ sau ba năm vì cho rằng bản chất nữ tính của nhà mốt không phù hợp với mình.
Vogue hay New York Times đều nhận định di sản của Raf Simons đối với ngành thời trang không nhỏ, nhưng giờ ông vua thiết kế thời trang của năm 2017 đang đứng ngoài cuộc chơi này. Công việc đầu tiên của anh sau khi nghỉ việc là vào vai một nhà sưu tầm nghệ thuật. Simons bắt đầu tìm kiếm một không gian tại địa phương để làm viện bảo tàng. Nhưng không lâu sau đó, bộ sưu tập khiến anh không thỏa mãn về mặt nghệ thuật. Trong lúc cơn buồn chán ập đến, anh gặp Anders Byriel - CEO của công ty dệt may Kvadrat - người cũng có niềm đam mê nghệ thuật đương đại giống anh. Simons biết Byriel từ thời còn ở nhà mốt Jill Sander khi anh đi tìm một chất liệu vải đủ cứng để dựng phom trang phục.
Anders Byriel là con trai của Poul Byriel - người đồng sáng lập công ty dệt may Kvadrat vào năm 1968 cùng Erling Rasmussen. Các loại vải của hãng chủ yếu dùng trong đồ nội thất. Sản phẩm xuất hiện trong các rạp phim, bảo tàng, ngân hàng và bệnh viện trên toàn thế giới. Byriel kỳ vọng việc cộng tác với Raf Simons là cơ hội tuyệt vời để hãng kết nối với thời trang.
Simons bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng về quy trình dệt và tạo màu để phát triển chất liệu mới, đồng thời ứng dụng nó vào vải bọc nội thất. Kết quả, anh cho ra đời argo - một loại vải nỉ angora sợi dài tạo cảm giác mượt như da cừu - và noise - loại vải dệt từ lông cừu và chỉ boucle cao cấp, sử dụng những gam màu tương phản đan xen theo hoa văn sọc chéo. Byriel hết lời khen ngợi: "Anh ấy mang đến cho khách hàng cái nhìn hoàn toàn mới về thị trường đồ nội thất. Gần đây, tôi đến nhà của một số nhà sưu tầm nghệ thuật và thế nào cũng phải có một món đồ dính dáng đến chất liệu của Raf Simons ở đó".
Hồi tháng 4, ở Milan (Italy), những sản phẩm mới của nhà thiết kế người Bỉ được trình diễn tại Garara 21 - showroom rộng lớn một thời là xưởng cơ khí. Buổi trình diễn nằm trong ba ngôi nhà có thể tháo lắp được, do kiến trúc sư Jean Prouvé đảm nhận. Ở đó, Simons dựng một vườn hoa và biến nhà thành nơi vừa để sống, vừa để làm việc.
The Guardian mô tả show diễn của Raf Simons là một thế giới tuyệt vời - nơi mà nhạc và hoa, thời trang và kiến trúc với những gam màu chói lọi cùng nhau hiện diện. Khán giả lần lượt chiêm ngưỡng ba mẫu vải mới rất khác biệt. Một loại vải nhung kẻ (corduroy) gọi là Phlox, với những đường gân vải dày bằng ngón tay. Simons giới thiệu nó là "phiên bản đột phá của thập niên 1970". Những mảnh vải mới này có gam màu đa dạng từ xám bạc, xanh cobalt, hồng phấn cho đến vàng tươi. Novus lại là một sáng tạo khác dựa trên vải đũi kẻ ô vuông, lấy cảm hứng từ bộ sưu tập nội thất Jean Royère mà anh yêu thích. Chất liệu cuối cùng, Atom, đan xen ngẫu nhiên những sợi chỉ màu trên nền vải gần giống vải bố, mà Simons gọi là "nhìn như một vườn hoa".
Raf Simons miêu tả mối lương duyên với Kvadrat bằng từ "bình thản". Anh tìm thấy sự yên bình khi ngày ngày lặng lẽ theo đuổi, tìm tòi vật liệu mới cho ngành thời trang ở thị trấn cảng cũ Ebeltoft, cách xa sự xô bồ của đô thị. Nhà thiết kế 51 tuổi với 23 năm kinh nghiệm coi công việc này như một "liều thuốc giải" quan trọng cho ngành công nghiệp thời trang đang ngày càng vội vã. Anh nói: "Mọi thứ bắt đầu thay đổi từ thập niên 1990. Trước đó, một nhà thiết kế làm bộ sưu tập và trình diễn trước một nhóm nhỏ khán giả chuyên nghiệp, rồi một bức ảnh xuất hiện trên tạp chí, hàng tháng sau quần áo mới ra đến cửa hàng. Còn bây giờ, Chúa ơi, mọi người đều được thấy chúng trên sàn diễn và quần áo được rao bán ngay lúc đó. Người ta nhanh chóng mua món này rồi sang một món khác. Kiểu giao tiếp vội vàng này thú vị đấy nhưng cũng thật nguy hiểm, bởi nó đang tàn phá ngành thời trang này".