Hoàng Kim Hoàn (27 tuổi), sinh viên năm thứ tư ngành Quan hệ Quốc tế, trường Khoa học Chính trị, thuộc Đại học Belgrade, Serbia. Em là du học sinh Việt Nam duy nhất ở nước cộng hòa mà cộng đồng người Việt chỉ là số hiếm.
Hoàn cho biết, đang học năm 3 (hệ Cao đẳng) tại Học viện Ngoại giao, em cùng 2 bạn khác nhận được học bổng của Chính phủ Serbia cho những sinh viên có thành tích tốt. Tuy nhiên, ngày lên đường, Hoàn bất ngờ vì chỉ còn mình em. "Có thể các bạn khác đã thay đổi quyết định khi tìm hiểu về Serbia, nơi cộng đồng người Việt rất ít và không có thông tin về họ", nam sinh kể lại.

Hoàng Kim Hoàn (áo cờ đỏ sao vàng) - du học sinh Việt Nam duy nhất ở Serbia. Ảnh: NVCC.
Bản thân Hoàn từng thất vọng khi hỏi Đại sứ quán Việt Nam ở Serbia, các thầy cô công tác trong ngành ngoại giao, nhưng không có một chút tin tức gì về người Việt ở bên đó. Dù vậy, em vẫn quyết định nắm bắt cơ hội hiện thực hoá ước mơ du học có từ ngày bé, nhưng năng lực học tập của bản thân và điều kiện kinh tế gia đình - bố mẹ đều là nông dân, không giúp em được.
Ngày đầu đến xứ người, chàng trai quê Nghệ An bị sốc ngôn ngữ do một chữ Serbia chưa biết. 3 tháng đầu, em chỉ giao tiếp được bằng những từ đơn giản. Việc học ở trường, với yêu cầu đọc rất nhiều cuốn sách hàng trăm trang lý thuyết, thi vấn đáp bằng tiếng địa phương, càng trở nên khó nhọc.
Kim Hoàn cho biết, chương trình học ở Serbia nặng về lý thuyết. Các bài thi học kỳ thường dùng hình thức trắc nghiệm mà mỗi môn có một bảng hỏi lên đến 100-250 câu, nội dung trải dài từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc môn học. Để duy trì được mức điểm tổng kết trung bình 8.0, Hoàn phải thường xuyên thức thâu đêm. Lần thuyết trình về Việt Nam, em đã ngồi liên tục 24 tiếng để chuẩn bị và đã nhận về điểm 10 cho nội dung hôm đó cũng như tổng kết môn học.
Ở Serbia, việc tìm đồ ăn châu Á rất khó. Suốt nhiều tháng, Hoàn liên tục bị đau dạ dày bởi phải làm quen với thức ăn chủ yếu là bánh mì, bơ, sữa, thịt; rau củ quả là thứ hiếm. Việc chào hỏi theo phong cách phương Tây với những cái ôm, hôn má nồng nhiệt, cũng khiến chàng trai vùng quê Việt Nam ban đầu bối rối. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất của Kim Hoàn khi một mình du học ở Serbia lại là nỗi tủi thân vì thiếu người cùng tiếng nói để chia sẻ, trò chuyện.
Với mong muốn gắn kết những người Việt Nam ít ỏi đang sống rải rác ở đất nước Đông Nam châu Âu này rồi thành lập cộng đồng người Việt tại Serbia, Kim Hoàn ra sức tìm kiếm đồng hương. "Người Việt đầu tiên em tìm được thông tin là sau 6 tháng nhờ đến đại sứ quán Việt Nam ở Romania. Cảm giác khi ấy thật sướng vui, khó tả xiết. Một lần khác em đọc trên báo thông tin về gia đình có chồng là người Serbia, vợ Việt Nam, bị lạc mất con gái trong đợt lũ tháng 5/2014. Em sau đó đã không ngừng dò hỏi và cuối cùng tìm được số điện thoại của cô chú ấy. Hiện em vẫn thường xuyên liên lạc, tới thăm gia đình vào cuối tuần rảnh rỗi", nam sinh kể lại.
Ngoài những khó khăn, việc là du học sinh người Việt duy nhất tại Serbia mang đến cho Hoàng Kim Hoàn nhiều trải nghiệm thú vị. Em trở thành sinh viên khá đặc biệt ở trường, thường được thầy cô, bè bạn hỏi thăm về đất nước nổi tiếng với chiến thắng đế quốc Mỹ. Mỗi khi có đoàn công tác Việt Nam sang, Hoàn trở thành phiên dịch viên, được gặp gỡ, giao lưu với các đại sứ. Báo chí Serbia cũng đôi lần tìm đến để đưa tin về cuộc sống, học tập của chàng sinh viên người Việt duy nhất này.

Hoàng Kim Hoàn đến tham quan Davolja Varos - "thị trấn quỷ dữ" được đề cử là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới. Ảnh: NVCC.
Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, Kim Hoàn đã đi du lịch nhiều nơi ở đất nước thuộc liên bang Nam Tư cũ nổi tiếng với các công trình pháo đài Kalemegdan, thành cổ Petrovaradin Fortress hùng vĩ trong ánh hoàng hôn bên dòng sông Đa-nuýp lớn nhất châu Âu; "thị trấn quỷ dữ" Davolja Varos được đề cử là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới... Dịp Tết của người Chính Thống Giáo (tôn giáo chủ yếu ở Serbia), em được một người bạn mời về nhà chơi và tham gia xông đất, nhận lì xì, như tục lệ của Việt Nam.
5 năm xa quê, chưa được về một lần do chi phí đi lại tốn kém, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Hoàng Kim Hoàn đã rủ các bạn quốc tế nói "Chúc mừng năm mới" gửi về Việt Nam. Em dự tính tốt nghiệp xong sẽ tìm kiếm học bổng cao học ở Serbia hoặc ở một nước phát triển khác. Nếu chưa may mắn, Hoàn hy vọng được làm việc trong ngành Ngoại giao, đúng với chuyên ngành học của mình.
Quỳnh Trang