Vere St. Leger Goold sinh năm 1853, là con trai một thẩm phán được kính trọng ở County Waterford. Vì gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu của Ireland, Goold không nôn nóng phải học hành hay kiếm việc. Thay vào đó, anh tận hưởng cuộc sống từ tiền của gia đình và tham gia tất cả câu lạc bộ phù hợp để mở rộng vòng kết nối bạn bè.
Tại Dublin, Goold được cha sắp xếp làm việc bán thời gian trong cơ quan chính quyền và luôn nhiều thời gian tận hưởng hai thứ đam mê: chơi quần vợt và rượu.
Goold được trời phú cho tài năng sân cỏ tự nhiên. Năm 1878, anh ta trở thành nhà vô địch quần vợt quốc gia đầu tiên của Ireland.
Năm sau, Goold chiến đấu vượt qua bốn đối thủ liên tiếp để giành vị trí trong trận chung kết đơn nam tại Wimbledon. Thay vì tận hưởng một "ngày nghỉ ngơi" để dành sức cho ngày quan trọng nhất đời mình, Goold đi uống rượu và đánh bạc để giết thời gian.
Anh ta đến trận chung kết với vẻ mặt rối bời và cảm thấy mệt mỏi, không đủ sức để thi đấu, bị đánh bại ba set liên tiếp. Đó là một sự vùi dập về tâm lý và thể chất mà Goold sẽ không bao giờ hồi phục. Năm sau, anh để rơi chức vô địch quốc gia khi thua đau ở ngay trận đầu với tỷ số 6-1, 6-4, 6-3.
Trong một vài năm, Goold tiếp tục chơi đánh đôi và làm việc cho Ủy ban Câu lạc bộ quần vợt Dublin, nhưng biết sự nghiệp của mình đã kết thúc. Goold biến mất khỏi làng quần vợt từ năm 1883, trở thành một kẻ nghiện rượu vô vọng và nghiện loại ma túy của giới thượng lưu thời bấy giờ: Thuốc phiện.
Năm 1891, Goold cưới một thợ may người Pháp, Marie Violet Giraudin. Rắc rối đời ông ta từ đây nhân lên gấp bội.
Marie đã hai lần kết hôn và ly hôn, "tiêu tiền như rác" và nghiện cờ bạc. Khi tiêu hết cả sản nghiệp nhà chồng, họ mở cửa hàng quần áo ở London nhưng cũng nhanh chóng bị phá sản. Vợ chồng son lại mở tiệm giặt là và lại sập tiệm vì Marie vay tiền của khách giặt đồ không trả. Họ buộc phải chạy trốn đến Canada, và sau đó đến châu Âu, vào các sòng bạc để lừa tiền của khách chơi bài.
Đến năm 1907, sau hơn một thập kỷ sống bằng những mưu ma chước quỷ của mình, Marie thuyết phục chồng đến Monte Carlo, nơi quy tụ những tay cờ bạc giàu nhất và những tay chơi cừ khôi nhất. Họ vung tiền mua áo quần sang trọng, tự gắn mác quý ông quý bà dòng dõi hoàng tộc hòng gạt tiền thiên hạ nhưng bất thành.
Cặp vợ chồng bần cùng chạy đến Marseilles nhưng bất ngờ bị cảnh sát chặn ngay tại ga xe lửa. Nhân viên khuân vác của nhà ga đã nhận thấy "mùi hôi thối khủng khiếp" bốc ra từ hai valy hành lý của họ, máu rỉ ra từ đáy.
Lúc đầu, Goold nói với cảnh sát rằng valy chứa xác gia cầm, không có gì đáng lo ngại, không muốn mở. Nhưng khi nắp valy bật mở, vợ chồng ông ta lập tức bị còng tay đưa về đồn trong sự kinh hãi của các hành khách.
Hai valy chứa các phần thi thể được cảnh sát xác định là bà Emma Levin, một góa phụ giàu có người Đan Mạch. Vụ án trở thành gây chấn động khắp châu Âu. Không ai tin được một người dòng dõi như Goold có thể sa cơ và phạm tội ác kinh khủng đến vậy.
Goold rất yêu vợ nên thú nhận chỉ mình ông ta gây án. Marie gật đầu lia lịa. Goold khai bà Emma hỏi vay 100 bảng, bị từ chối đã chửi bới xúc phạm. Ông ta trong cơn tức giận dùng dao đâm bà.
Cảnh sát Pháp nhận thấy phiên bản câu chuyện của Goold không thuyết phục. Rõ ràng bà Emma Levin giàu có hơn vợ chồng nhà Goold rất nhiều. Bạn thân của nạn nhân cũng nêu ra một phiên bản khác hẳn: Vợ chồng Marie và Goold thua bạc, vay của nạn nhân 100 bảng nhưng không trả dù nhiều lần bị đòi.
Biết tin họ sắp đi Marseilles, bà Emma đến khách sạn tìm nhưng hôm sau vẫn chưa thấy về. Người bạn nghi ngờ, báo cảnh sát để cùng tới khách sạn nhưng vợ chồng Goold đã cao chạy ra bay. Chiếc ô màu xám của bà bị giấu trong một góc phòng.
Trong quá trình xét xử, bên công tố cáo buộc, tội ác không thể do một người thực hiện. Vụ giết người do Marie xúi chồng thực hiện để có tiền nuôi cơn nghiện cờ bạc. Goold rất sợ vợ, luôn bị vợ chỉ đạo, nên không ngoại trừ khả năng bà Marie là chủ mưu.
Tron bản án tuyên ngày 4/12/1907, bà Marie bị kết án tử hình nhưng sau đó được giảm xuống tù chung thân không ân xá. Goold bị kết án tù chung thân, thụ án trên Đảo Quỷ, khét tiếng dịch bệnh chết người, ở Guiana thuộc Pháp. Đậu mùa, thương hàn, sốt rét, sốt vàng da và các bệnh nhiệt đới khác cộng với chế độ lao động khắc nghiệt, đói khát đã giết chết hầu hết người tù ở đây.
Là một hòn đảo giữa biển, lối đào tẩu duy nhất là băng qua vùng nước đầy cá sấu, Trong nhiều thế kỷ, chỉ có hai tù nhân trốn thoát được, trong đó có nhà văn nổi tiếng Henri Charriere, trốn thoát sau 9 lần cố gắng vào năm 1944 và sau đó viết cuốn tự truyện Papillon người tù khổ sai, cuốn sách bán chạy trên toàn thế giới.
Goold không may mắn như vậy. Ông chết giữa bầy chuột trên Đảo Quỷ do ảnh hưởng của bệnh thương hàn vào ngày 8/9/1909, khi chỉ 55 tuổi. Marie đã thụ án trong nhà tù ở Paris, qua đời vì sức khỏe, năm 1914.
Sau này, khi hậu thế nhắc về Goold, họ nhắc về trận chung kết giải vô địch quốc gia định mệnh năm 1879 khi Goold thua đau trận mở màn vì rượu chè đêm trước. Người đánh bại ông ta là John Hartley, mục sư duy nhất trên thế giới từng vô địch Wimbledon.
Nhiều người đặt câu hỏi, nếu Goold giành chiến thắng trận đó và sự nghiệp không tụt dốc, cuộc đời ông liệu có kết cục bi thảm đến vậy?
Hải Thư (Theo NYT, Sunday Times, IeHerald)