Xuyên suốt cuộc tranh luận cuối cùng kéo dài một tiếng rưỡi tại thành phố Nashville, bang Tennessee, Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden liên tục cáo buộc đối phương có quan hệ bất chính với Moskva và Bắc Kinh, hai đối thủ chiến lược của Washington.
Biden, người đảm nhiệm vị trí "phó tướng" trong chính quyền cựu tổng thống Barack Obama, cho biết ông có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, dẫn chứng bằng việc ông hồi tháng 5/2016 từng phớt lờ yêu cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, đòi trinh sát cơ Mỹ chấm dứt hoạt động trên Biển Đông.
Trong khi đó, Trump không ngừng nhắc tới những điều ông từng đề cập để thể hiện quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, như các đòn thuế với hàng hóa Trung Quốc mà ông ca ngợi giúp đem lại lợi nhuận cho nông dân Mỹ.
Tuy nhiên, Teng Biao, một luật sư về nhân quyền tại New York, Mỹ, cho rằng không ứng viên nào thể hiện quan điểm đủ quyết liệt với Bắc Kinh trong cuộc tranh luận. "Thật đáng thất vọng khi không có ai đề cập đến vấn đề Tân Cương hay Hong Kong. Đây chính là điều Trung Quốc mong muốn", Teng nói.
Trong khi đó, Ja Ian Chong, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định những phát ngôn của Trump cho thấy Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục hành động chống Trung Quốc theo hướng đơn phương nếu tái đắc cử.
Còn việc Biden nói rằng ông sẽ đưa Mỹ tái gia nhập hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời buộc Trung Quốc tuân thủ các quy tắc, cho thấy khả năng ông sẽ có cách tiếp cận đa phương hơn khi đối đầu với Trung Quốc, Chong cho hay.
"Đương nhiên dụng ý ở đây là cách tiếp cận của Trump có thể trực diện và mang tính đối đầu hơn, trong khi Biden khả năng cao sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận sang nhiều lĩnh vực hơn, liên quan đến nhiều quốc gia hơn", phó giáo sư nêu ý kiến.
Chong cho biết sự khác biệt giữa hai ứng viên cũng liên quan đến việc giải quyết vấn đề Triều Tiên và chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Theo chuyên gia, những phát ngôn của Tổng thống Trump cho thấy ông sẽ tiếp tục nỗ lực đàm phán trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trong khi đó, Biden đã tỏ ý rõ ràng rằng ông sẽ "hồi sinh" cách tiếp cận của Obama, đó là thúc đẩy "các bên khác, bao gồm Trung Quốc, gây sức ép lên Triều Tiên, ngay cả khi Mỹ vốn đang gia tăng trừng phạt với quốc gia này", Chong nói.
Tuy nhiên, phó giáo sư đánh giá không có cách tiếp cận nào đặc biệt hiệu quả trong việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của họ. Do đó, cả hai phương án đều cần được điều chỉnh, nhằm mang lại kết quả khác biệt.
Ấn Độ cũng là một trong các quốc gia châu Á được đề cập trong buổi tranh luận tổng thống Mỹ cuối cùng. Tuy nhiên, đó lại là khi Trump chỉ trích không khí "bẩn" của nước này, trong lúc hai ứng viên nhắc đến vấn đề môi trường.
Rajan Kumar, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cho biết các lãnh đạo Ấn Độ "vốn đã quen với việc không coi trọng mọi điều Trump nói". Theo Kumar, mối quan tâm chính của Ấn Độ là lập trường của hai ứng viên đối với Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh ngày càng căng thẳng sau vụ đụng độ đẫm máu gần đây ở khu vực biên giới tranh chấp.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đánh giá cao sự ủng hộ của Trump với họ trước thách thức từ Trung Quốc. Vì vậy, đối với New Delhi, câu hỏi lớn nhất từ cuộc tranh luận tổng thống là liệu Biden có duy trì sự ủng hộ đó hay không, Kumar cho hay, nói thêm rằng những chỉ trích Biden nhắm vào Bắc Kinh có thể trấn an New Delhi.
Một trong những phát ngôn đáng chú ý nhất của Biden trong cuộc tranh luận hôm 22/10 là cáo buộc Trump "bám lấy" lãnh đạo của Triều Tiên, Trung Quốc hay Nga. "Ông ấy chọc tay vào mắt tất cả bạn bè và đồng minh của chúng ta", cựu phó tổng thống Mỹ nói.
Biden còn nhấn mạnh ông sẽ buộc Trung Quốc "tuân thủ luật lệ quốc tế" về thương mại, thay đổi cách ứng xử với các công ty nước ngoài, cũng như các hành vi của nước này trên Biển Đông.
Cheng Xiaohe, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, đánh giá các phát ngôn của Biden mở ra viễn cảnh đầy rắc rối đối với giới lãnh đạo Trung Quốc trong tương lai.
"Với vị thế siêu cường, Mỹ từ trước tới nay luôn hành động đơn phương, nên vấn đề chỉ nằm ở cấp độ trong cách phản ứng của Mỹ. Tuy nhiên, chủ nghĩa tương đối đa phương của Biden rõ ràng bài bản, phức tạp và rất khó đối phó", Cheng nhận xét.
Chuyên gia này còn lưu ý rằng trong lúc Tổng thống Trump và đối thủ Biden tranh luận, ông Tập đã đưa ra một bài phát biểu nhân kỷ niệm 70 năm chiến tranh Triều Tiên, cuộc xung đột quân sự duy nhất có sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc chỉ trích "chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa vị kỷ cực đoan hiện nay", dù không nêu đích danh Washington.
"Bất kể quốc gia, quân đội nào, bất kể họ mạnh đến đâu, nếu đứng đối lập với xu thế của thế giới, bắt nạt những kẻ yếu, cố gắng lật ngược lịch sử, tham gia vào những hành động xâm lược và bành trướng, điều đó chắc chắn sẽ dẫn tới đổ máu", ông Tập nói.
"Từ bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình, bạn có thể thấy rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã chuẩn bị tâm thế, bất kể có sự thay đổi nào trong Nhà Trắng hay không, và chúng có ảnh hưởng đến chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc hay không", Cheng cho hay. "Thông điệp là chúng tôi đang đối đầu với Mỹ và sẵn sàng chiến đấu".
Ánh Ngọc (Theo SCMP)