3h sáng, Đặng Văn Bình mở mắt trong căn chòi nhỏ ven sông ở xã An Phú Trung (Ba Tri, Bến Tre). Dưới bầu trời tĩnh mịch chỉ có tiếng ếch nhái gọi nhau rã rượi. Hai đứa con gái anh, đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ mới hai tuổi rưỡi vẫn còn đang say ngủ.
Sợ con thức giấc, Bình chỉ đứng bên đầu giường nhìn chúng một lúc, rồi thở dài, bỏ ra phía trước chòi. Thạch Thị Bo Pha, vợ Bình đã thu xếp sẵn cho chồng ba bộ đồ lao động cũ mèm bỏ trong ba lô, mớ cá khô, chục hột vịt, một bao gạo chục ký cùng 600.000 đồng.
Đó là tất cả hành trang của người đàn ông 34 tuổi, cho cuộc tha phương cầu thực cách đó 300 km, giữa mùa hạn mặn khốc liệt, một sáng sớm tháng hai.
Bình có ba anh em đều học hành dang dở, riêng anh bỏ học năm lớp sáu. Rồi cả ba cùng rủ nhau đến TP HCM xin việc. 13 năm trước, khi đang làm công nhân ở TP HCM, Bình quen chị Bo Pha, người Khmer, quê Bạc Liêu.
Bo Pha, lớn hơn Bình ba tuổi, cha mẹ mất sớm, sống chung với ông bà nội từ nhỏ. Năm 18 tuổi, chị ruột Pha bỏ xứ, theo người quen sang Thái Lan xin việc để gia đình bớt khổ, từ đó hai chị em mất liên lạc nhau. Pha buồn tủi, bỏ quê đi xa rồi gặp Bình.
Họ kết đôi trong lễ Pi Pea truyền thống, rồi dắt díu nhau đến doi đất ven sông, vay mượn họ hàng cất tạm căn nhà nhỏ bằng cây và những tấm tôn cũ, "mần thuê, mần mướn" sống qua ngày.
Năm năm trước, vợ chồng trẻ được cha mẹ ruột Bình cho một công đất trồng lúa. Năm đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm, vụ lúa của vợ chồng Bình thất bại, không có lãi.
Sang đến năm thứ hai (năm 2016), cây lúa vừa kịp làm đòng, hứa hẹn vụ mùa bội thu thì miền Tây phải đối mặt với cơn hạn mặn lịch sử.
Vợ chồng Bình trắng tay, tiền phân thuốc từ hai năm dồn lại, cộng tiền mượn cất nhà, tổng nợ đến gần 20 triệu đồng. Bình và vợ chữ nghĩa ít, trong khi các xí nghiệp quanh vùng đều đã quá tải, vì người địa phương xin vào đông do mùa vụ thất thu.
Bình và Pha sau đó được một người quen giới thiệu, đến làm tại một xưởng hạt điều ở xã Thống Nhất (Bù Đăng, Bình Phước). Vợ chồng trẻ gửi con gái lúc đó 8 tuổi cho ông bà nội, rồi khăn gói rời quê.
Suốt ba tháng ròng, hai vợ chồng dân miền Tây, chân không quen leo đường dốc miền Đông, mỗi ngày vẫn cố lội "mòn" hết các vườn điều quanh vùng để nhặt hạt thuê cho chủ. Ăn uống tiện tặn, sau ba tháng, họ tích cóp được 10 triệu đồng, rồi trở về quê trả bớt nợ, đợi mưa xuống gầy lại vụ lúa. Bo Pha khi ấy bảo đời chị đi nhiều, chân đã mỏi, nên muốn ở một nơi yên ổn để làm ăn. Còn Bình, cũng nghĩ chuyến tha hương của họ cũng là chuyến cuối cùng.
Những năm sau, do đám ruộng bị nhiễm mặn từ trước, cây lúa tiếp tục èo uột, năng suất thấp. Bình bàn với vợ bỏ lúa, lên liếp trồng mướp. Hai vụ đầu, do liếp đào quá thấp, đến mùa mưa, vườn mướp chìm ngập trong nước, họ lại vừa có thêm đứa con gái thứ hai, khiến cuộc sống gia đình khó khăn hơn.
Ba tháng trước, Bình tiếp tục cải tạo lại vườn mướp, đắp liếp cao hơn để chống ngập. Vườn đang xanh tốt thì nước mặn lại xâm nhập, đợt trái đầu tiên èo uột, lưa thưa bị thương lái "chê ỏng, chê ẹo". Bo Pha đang buồn rầu vì bảy triệu đồng vốn bỏ ra thua lỗ, một ngày nọ, chị đang làm vườn thì ngã ra bất tỉnh với căn bệnh sỏi thận, vừa phẫu thuật vừa điều trị tốn hơn 10 triệu đồng.
Sau bốn năm bị "cơn bão hạn mặn" càn quét, vợ chồng Bình lại quay về vạch xuất phát.
Quanh ấp An Thuận, hàng trăm gia đình khác cũng lâm vào cảnh khánh kiệt, bàn nhau tạm bỏ quê, tha hương xin việc sống qua mùa giáp hạt.
Buổi chiều trước chuyến đi, Bình vay người quen được 1,7 triệu đồng. Anh đưa cho vợ 700.000 đồng. Còn một triệu đồng, anh mua thuốc uống trị chứng đau đầu, giảm thị lực từ một vụ tai nạn xe máy nhiều năm trước hết 400.000 đồng.
Bình sau đó đi cùng một nhóm gần 10 người ra bến xe cách nhà 7 km. Ngồi sau xe do bạn chở, Bình dụi mắt, cố ngoái lại nhìn vợ con cho đến khi căn nhà nhỏ khuất xa dần.
Thuở xưa, Bến Tre là vùng đất được phù sa bồi đắp, nằm ở cuối nguồn sông Mekong, gồm ba cù lao: cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa hợp thành. Từ thế kỷ 18, những lưu dân miền Bắc, miền Trung hành trình bằng ghe, men theo bờ biển xuôi về phương Nam.
Khi đến những chỗ đất giồng ở Ba Tri, họ neo ghe, đốn rừng, trồng rẫy, lập nên những xóm ấp đầu tiên ở Bến Tre. Theo sự mô tả của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, thì Bến Tre thuộc xứ Đàng trong, khi ấy là vùng đất phủ màu xanh của rừng rậm trải dài hàng ngàn dặm, nhưng bên trong rừng là các "lõm dân cư" sinh sống.
300 năm sau, màu xanh của những cánh rừng rậm xưa giờ được thay thế bởi màu xám của những vạt đồng khô cháy, nứt nẻ. Con cháu của tiền nhân mở cõi năm xưa giờ lại ly hương từ miền Tây lên miền Đông.
Từ Ba Tri, để tiết kiệm, Bình cùng nhóm bạn bắt xe khách nhỏ, loại 16 chỗ đi Bình Phước. Do là xe "dù", nhóm người liên tục bị sang xe đến ba lần. Xe chật như nêm, Bình vã mồ hôi, nhưng cố chịu. Mỗi khi xe dừng, anh chỉ tranh thủ xuống hít thở, mua bịch trà đá uống cầm hơi. Mất 11 tiếng sau mới đến nơi, Bình trả tiền xe hết 330 nghìn đồng, nghĩa là anh phải cố bám trụ khoảng một tháng nữa đến khi có lương, với số tiền 270 nghìn đồng.
Nhóm người tìm được một xưởng hạt điều nhỏ, cách không xa nơi hai vợ chồng Bình ở bốn năm trước. Chủ xưởng thấy nhóm người quá khổ, nên cho họ vào ở các phòng trọ xây sẵn cho công nhân, chỉ lấy tiền điện nước hàng tháng.
Mỗi ngày, Bình thức dậy lúc 5h, sau đó vào xưởng phân loại, khuân vác hạt điều. Hai đứa em Bình gần đây cũng rời quê, chuyển đến ở dãy trọ cùng anh. Mỗi ngày, Bình cùng hai đứa em ăn mì tôm buổi sáng và buổi trưa, chỉ buổi chiều mới ăn cơm.
Nếu hỏi những công nhân nghèo ở xóm trọ này, ai khổ nhất, chắc họ sẽ "bỏ phiếu" cho anh em của Bình. Ba anh em Bình được chủ xưởng xếp ở gần nhau. Bình ở một mình. Đứa em trai 20 tuổi của Bình vừa cưới vợ ở một phòng, cạnh bên là phòng của người em gái 30 tuổi cùng chồng và đứa con trai 2 tuổi.
Em rể Bình, người đàn ông đã luống tuổi, vài năm trước bị tai nạn xe máy, liệt một chân, vẫn cố phụ vợ làm các việc nhẹ trong xưởng hạt điều. "Bạn bè hay chọc em là số con rệp, đã nghèo còn gặp mạt", em gái em Bình nửa đùa nửa thật.
Căn phòng trọ nhỏ nơi Bình ở chỉ vỏn vẹn 10 m2, trống huơ, những ngày nắng nóng như lò lửa. Những khi tan ca rảnh rỗi, Bình ngồi lặng lẽ dùng dao gọt nhẵn những khúc gỗ cà phê nhặt trên rẫy. Anh bảo gỗ cà phê cứng lắm, anh đi xa không có gì làm quà, nên đợi lúc về mang cho vợ và mẹ làm đồ đập nước đá.
Anh ăn uống kham khổ, bữa cơm duy nhất trong ngày chỉ có độc món khô cá, hoặc trứng vịt dầm nước tương. Khi nào mệt quá mới có thêm món canh thịt bằm, còn bình thường thì cơm nguội chan nước lạnh theo đúng kiểu dân miền Tây.
Gần đây, căn bệnh anh tái phát, nên phải nhờ đứa em gái nấu cơm hộ. Một ngày làm bình quân mười tiếng, anh bảo nếu làm xuyên suốt đủ 27 ngày một tháng, một công nhân như anh sẽ dư được 6 triệu đồng, trừ tiền cơm, tiền tiêu vặt một triệu đồng, số còn dư để dành đem về cho vợ.
12h trưa, xưởng hạt điều nơi Bình làm việc được bao bọc bởi những tấm tôn, trời nóng toát mồ hôi. Những chiếc nồi hơi phả sức nóng, hòa với mùi dầu hạt điều khiến không khí thêm ngột ngạt. Bình cùng nhóm công nhân kiên nhẫn bóc tách vỏ hạt điều, khi đầy một khay hàng, họ lại còng lưng bê đổ vào các bao tải.
Giữa tiếng máy chát chúa trong xưởng, đứa cháu của Bình vẫn nằm trên chiếc võng ngủ ngon lành. Bình bảo, con nhà nghèo nên dễ nuôi, hồi mới đẻ ba má nó khổ quá, muốn đời nó khá hơn nên mới đặt tên Sang.
Bình cũng không có điện thoại "xịn xò", mà chỉ xài duy nhất "cục gạch" cả chục năm nay. Ngày nào sau giờ làm, Bình cũng tranh thủ mượn điện thoại bạn để gọi video đứa con gái nhỏ cho đỡ nhớ.
Bạn bè hay chọc Bình, bảo giờ xưởng hạt điều chính là số phận của anh. Bình muốn cãi lại, nhưng lại thôi, vì rõ ràng anh đang mắc kẹt giữa cái "số phận" nghiệt ngã ấy. Cũng có những hôm mệt, chán nản, phần vì nhớ con, anh muốn bỏ cuộc, nhưng lại nghĩ giờ bỏ về, thì cả nhà ba miệng ăn ai lo?
"Giờ còn sức em ráng làm dành dụm, đợi mưa xuống mới về quê gầy lại mảnh vườn, hạn mặn liên tiếp hai đợt rồi, nợ nần chồng chất chưa trả hết, thêm một đợt nữa chắc em bỏ xứ đi luôn", Bình nói.
Nhà Bình và Minh ở cùng ấp An Thuận, nhưng cách hai con sông. Bình – Minh, hàng xóm hay đùa, bảo hai anh em nếu đi chung thì đời sẽ sáng sủa hơn.
Nguyễn Văn Minh có ba đứa con, do nhà là hộ "nghèo rớt mồng tơi" hơn chục năm nay của xã, không có "cục đất chọi chim", nên đứa con gái lớn nhất học đến lớp 11 thì nghỉ cho hai em tiếp tục học lớp 4 và lớp 5.
Buổi sáng, ông già Sáu Trưởng ấp chạy xe qua mấy bờ ruộng khô nứt nẻ, rồi dừng lại phía trước sân nhà Minh.
- Tao qua đổi sổ hộ nghèo màu đỏ cho mày làm ăn coi có hên hơn không.
Ông Sáu vừa cười vừa trao chứng nhận sổ hộ nghèo mẫu mới cho Minh. 43 tuổi, nhưng nhìn Minh như ông cụ, với mái tóc rối bời lấm tấm bạc, khuôn mặt đen sì, mốc meo do tắm nước mặn cùng hàm râu không buồn cạo.
Minh cưới vợ năm 21 tuổi, hai vợ chồng cất căn nhà lá ven sông. Một trận giông từ cơn bão số 9 hơn chục năm trước khiến căn nhà anh đổ sập. Minh vay tiền cất tiếp căn nhà thứ hai, cột cây, mái, vách tôn. Qua 14 năm, vợ chồng Minh tếu táo rằng, căn nhà mình giờ như người say rượu, lúc nào cũng liêu xiêu, chỉ cần vài đợt mưa gió là đổ sập.
Không có đất ruộng, hai vợ chồng ai thuê gì làm đó. Vụ Đông Xuân bốn năm trước, họ thuê hơn một ha đất với giá một công (1.000 m2) 25 giạ lúa một năm. Năm đó, nước mặn tràn đồng, Minh nợ hơn 20 triệu đồng. Các vụ sau, Minh làm ăn có chút thuận lợi hơn, lúa đạt năng suất 22 giạ một công, một mẫu đất thuê trừ chi phí anh còn lãi hơn chục triệu đồng, vừa có rơm cho bò ăn.
Năm nay, Minh tiếp tục thuê 14 công đất, tiền thuê tính sơ cũng khoảng 2 tấn lúa, tương đương 15 triệu đồng. Lúa được hai tháng thì nước dưới kênh mặn chát, ruộng chết khô, phải cắt cho bò ăn. Nợ cũ dồn nợ mới gần 50 triệu đồng, Minh xin chủ ruộng khất nợ sang năm sau, rồi hai vợ chồng gửi đứa con gái lớn đi Bình Dương phụ bán quán ăn. Gần đây, do dịch bệnh, quán đóng cửa, đứa con gái phải trở về. Cả nhà 5 miệng ăn đành trông cậy vào nghề khiêng đất mướn của hai vợ chồng.
"Năm ngoái vụ này tụi em còn đi bó lúa thuê cho người ta, năm nay lúa chết hết rồi, còn khiêng đất thì không phải ngày nào cũng làm", Thu, vợ Minh bảo.
Mấy hôm nay, Thu ra chợ mua loại gạo ghe (loại gạo rẻ tiền nhất, hạt ngắn, tròn, nở nhiều) giá 7.000 đồng mỗi ký về ăn cho đỡ tốn. Buổi sáng, Minh lội xuống con kênh gần nhà thả tay lưới bắt cá. Mùa này, nước quá mặn nên cá đa phần đã chết hết, chỉ còn sót lại vài con cá phi ốm đói.
Hơn 10 năm làm trưởng ấp, qua 5 nhiệm kỳ, già Sáu bảo rằng ông gần như thuộc hết mặt từng thành viên mỗi nhà, đến mức vô nhà nào chó cũng chạy ra mừng. Ấy vậy mà mấy ngày này, già Sáu phải liên tục lật sổ bộ ra xem xét, trước sự biến động, di cư cục bộ của người dân. Toàn ấp An Thuận có 350 hộ dân đa số trồng lúa. Vào mùa gặt những năm trước, những cánh đồng vàng rực đông nghịt người, trên bờ xe thồ chạy nối đuôi nhau, dưới sông ghe tàu chở lúa cũng tấp nập. Còn mùa này, dọc con lộ nhỏ đang bơm cát, những căn nhà đóng cửa im ỉm, nhà còn mở cửa cũng chỉ thấy người già và trẻ con.
"Vụ mùa thất bát, nên nhà nào cũng đóng cửa, gửi con đi làm ở xí nghiệp hết", ông Sáu nói.
Dưới kênh, những khúc sông trước đây lục bình mọc kín, ghe xuồng đi lại khó khăn, giờ trống trải. Giống bèo dại thường ngày không cách nào diệt xuể, nay cũng không sống nổi với nước sông mặn chát như pha muối.
Ba Tri là huyện có diện tích lúa lớn nhất Bến Tre, vụ này, gần 5.000 ha lúa gieo sạ ngoài lịch bị mặn xâm nhập, thiệt hại gần như toàn bộ. "Cơn bão hạn mặn" cũng càn quét sang các địa bàn lân cận, đe dọa hơn 4.000 ha hoa kiểng, cây ăn trái tại "thủ phủ" hoa Chợ Lách cùng 1.000 ha ao tôm càng xanh tại xứ biển Thạnh Phú.
Xứ dừa mùa này nước dưới kênh, hồ trữ ngọt lẫn nước máy đều bị nhiễm mặn, hàng nghìn hộ dân phải mua nước ngọt sử dụng, với giá có khi lên đến 300.000 đồng mỗi khối. Dọc bờ kênh, cây cối khô cằn, héo úa vì thiếu nước. Dưới cái nắng cháy, những đàn bò hàng chục con bụng đều căng tròn, nước quá mặn, nên chúng càng uống càng khát, cho đến khi dạ dày không thể chứa thêm được nữa.
Nhà chức trách địa phương đã hỗ trợ các hộ dân phần nào vượt qua mùa khắt nghiệt, như lập các điểm cung cấp nước ngọt miễn phí, kêu gọi các nhà tài trợ chia sẻ với các hộ gia đình khó khăn. Một số người dân sau nhiều năm tha hương lập nghiệp vì đợt hạn mặn bốn năm trước, cũng đã trở về quê, sửa sang lại nhà cửa, kinh tế gia đình dần phục hồi. Tuy nhiên, ông Sáu bảo, tình hình chung vẫn khá gay go.
Già Sáu ngồi uống trà, tay bóp trán, băn khoăn cho cái xóm nhỏ của mình những ngày sắp tới. Ông nói, giờ nhiều nhà vẫn còn gạo ăn, độ chừng tháng nữa, khi đã đến vụ giáp hạt, không có lúa trữ trong nhà, một cuộc ly hương với quy mô lớn hơn sẽ là điều khó tránh khỏi.
Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ suất xuất cư (ly hương) cao nhất nước.
Cụ thể, giai đoạn 5 năm, từ tháng 4/2014 đến ngày điều tra dân số 1/4/2019, tỷ suất xuất cư của Đồng bằng sông Cửu Long là 45/1.000. Nghĩa là, cứ 1.000 người dân miền Tây thì có 45 người di cư đến vùng khác. Tổng cộng toàn vùng có 728.800 người xuất cư trong giai đoạn 2014 - 2019. Đến năm 2019, dân số Đồng bằng sông Cửu Long là hơn 17,2 triệu người.
So sánh với cả nước, tỷ suất xuất cư trung bình của 6 vùng kinh tế trong nước là 22/1.000. Điều này đồng nghĩa, người dân miền Tây có xu hướng ly hương cao hơn gấp đôi trung bình của cả nước. Trong khi đó, tỷ suất nhập cư của khu vực Tây Nam Bộ thuộc nhóm thấp nhất nước.
Ngược lại với xu hướng ly hương của miền Tây, Đông Nam Bộ tiếp tục là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư; với 1,3 triệu người nhập cư trong giai đoạn 2014-2019. Phần lớn người nhập cư đến Đông Nam Bộ là từ Đồng bằng sông Cửu Long (710.000 người, chiếm 53,2%). Nghĩa là trung bình hai người nhập cư vào Đông Nam Bộ thì có một người miền Tây.
Báo cáo trên nhận định, hầu hết người xuất cư từ hai vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đều chuyển đến Đông Nam Bộ, khu vực kinh tế phát triển nhất nước với một mạng lưới dày đặc các khu công nghiệp tập trung ở tứ giác kinh tế trọng điểm gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Những người di cư bỏ lại sau quê hương miền Tây với những "kỷ lục" buồn. Đó là tỷ lệ dân số tốt nghiệp THPT (11,3%) và tỷ lệ dân số có trình độ chuyên môn kỹ thuật (9,7%) thấp nhất nước. Tỷ lệ tăng dân số của vùng châu thổ sông Cửu Long cũng thấp nhất nước trong khi chỉ số già hóa dân số lại cao nhất. Trẻ em, tương lai của miền Tây cũng không được thụ hưởng giáo dục tốt bằng các vùng khác, với tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường cao nhất trong 6 vùng kinh tế (13,3 %, trung bình cả nước 8,3%).
Bức tranh ảm đạm của Đồng bằng sông Cửu Long, tương phản với sự phồn thịnh của miền Đông Nam Bộ, khiến những cuộc ly hương như của Bình và những người ở xã An Phú Trung (Ba Tri, Bến Tre) trở thành tất yếu.
Nhưng khó có thể biết trước được may mắn hay bất trắc đang chờ đợi họ trong những cuộc ly hương ấy. Như con gái của Minh, lên Bình Dương phụ bán quán ăn để giúp cha mẹ, nhưng phải về quê vì đại dịch Covid-19, giữa những ngày đồng khô, cỏ cháy.
Vợ Minh, như nhiều người dân khác trong vùng, bảo giờ chỉ cầu cho mưa xuống, để có nước ngọt nấu ăn, tắm rửa "cho đã đời". "Đàn ông không sao, chứ đàn bà, con gái con lứa mà tắm nước mặn hoài tội lắm", chị Thu nói.
Minh đang ngồi trên chiếc ghế đẩu hút thuốc, lặng im khi nghe vợ nói. Anh đảo mắt nhìn xung quanh căn nhà tuềnh toàng, rồi nhìn lên phía trên mái. Nắng trưa xuyên ánh sáng, soi xuống nền đất của "căn nhà say rượu" qua những lỗ thủng nhỏ bằng ngón tay. "Mai mốt mình lỡ đi làm xa, mưa xuống rồi tụi nhỏ biết ngủ ở đâu", Minh nói, mắt đỏ hoen.
Bài: Hoàng Nam – Phạm Linh
Ảnh: Hoàng Nam, Hữu Khoa