Theo AFP, thất bại trong nỗ lực giải cứu hai con tin bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt giữ và sát hại khiến năng lực đối phó với các khủng hoảng quốc tế của Nhật Bản bị đặt lên bàn cân. Đa phần người dân cũng như giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi.
Một số nhà phân tích cho rằng vụ việc lần này là hồi chuông cảnh báo đối với Nhật Bản, một quốc gia đi theo đường hướng hòa bình, từ lâu luôn né tránh can dự vào các xung đột ở Trung Đông. Phản ứng của Tokyo trước khủng hoảng cũng bộc lộ những yếu kém về nguồn lực tình báo và ngoại giao của nước này.
"Chính phủ không có đủ thông tin, khiến quá trình xử lý tình huống gặp nhiều khó khăn", AFP dẫn lời Takashi Kawakami, chuyên gia an ninh, giáo sư tại Đại học Takushoku, Nhật Bản, nhận định. "Đây là lời cảnh tỉnh. Rút kinh nghiệm từ những gì trải qua, họ cần tăng cường hơn nữa hoạt động tình báo ở cả trong và ngoài nước", ông nói thêm.
IS hôm 31/1 phát tán đoạn băng tuyên bố chúng đã giết hại nhà báo Kenji Goto, con tin thứ hai của Nhật Bản bị hành quyết chặt đầu, sau Haruna Yukawa, giám đốc một công ty an ninh tư nhân.
Khi khủng hoảng nổ ra, Tokyo càng bộc lộ nhiều thiếu sót, thể hiện ở việc không có các đầu mối liên lạc mấu chốt hay những nguồn thông tin đáng giá biết hướng giải quyết vấn đề.
Tokyo từng thừa nhận cuộc đàm phán với IS bị đình trệ nhiều ngày trước khi chúng công bố đoạn băng hành quyết nhà báo Goto. Các nhà ngoại giao chưa bao giờ kết nối trực tiếp với quân khủng bố, và cũng chưa từng có một cuộc gặp mặt nào để thảo luận về vấn đề tiền chuộc.
Nhật Bản dường như chỉ dựa vào đồng minh duy nhất là Jordan, trong khi quốc gia này cũng đang phải nỗ lực để giải cứu viên phi công bị IS bắt sau khi máy bay của anh rơi trên phần lãnh thổ mà nhóm cực đoan kiểm soát hồi cuối tháng 12 năm ngoái.
Khủng hoảng con tin nổ ra ngay sau khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố hỗ trợ nhân đạo 200 triệu USD cho các quốc gia đang chiến đấu chống IS ở Iraq và Syria, trong chuyến thăm một số nước Trung Đông tháng trước. Nhóm khủng bố yêu cầu đổi mạng hai con tin Nhật lấy khoản tiền chuộc đúng bằng số tiền ông Abe hứa viện trợ. Thủ tướng Nhật Bản lúc đó nắm rõ thực tế là IS đang giam giữ hai công dân nước mình. Giới quan sát vì thế buộc phải đặt câu hỏi về tính sáng suốt của hành động này.
Trong đoạn băng IS tung ra hôm 31/1, kẻ hành quyết Goto cảnh báo hành vi tàn sát của chúng là hệ quả bắt nguồn từ chính sách của Tokyo đồng thời khẳng định đây chỉ là khởi đầu cho "cơn ác mộng đối với Nhật Bản".
"Ông Abe nhấn mạnh khoản viện trợ chỉ nhằm mục đích nhân đạo. Điều đó là đúng. Nhưng khi phát ngôn, ông ấy lại tuyên bố số tiền sẽ góp phần giúp đỡ các nước 'đang chiến đấu chống IS'. Liệu đây có phải một cách nói khôn ngoan?", Tomoaki Iwai, giáo sư chính trị tại Đại học Nihon, đặt câu hỏi. "Khi mọi chuyện lắng xuống, người ta sẽ soi xét đến vấn đề này", ông cho biết thêm.
Tờ Asahi cho rằng Nhật Bản cần gọt dũa khả năng phản ứng trước khủng hoảng và hình ảnh ôn hòa mà nước này duy trì lâu nay không thể giúp họ miễn nhiễm hoàn toàn trước chủ nghĩa khủng bố. Cái chết của hai con tin chính là minh chứng hùng hồn nhất cho nhận định này. "Đây không còn là vấn đề của riêng nước nào, Nhật Bản cần đối mặt với thực tế", tờ báo viết.
Những bất đồng
Năm ngoái, thành viên nội các của ông Abe nhất trí diễn giải lại hiến pháp hòa bình của nước này, theo đó nới lỏng những hạn chế tồn tại trong thời gian dài đối với hoạt động của quân đội Nhật Bản ở nước ngoài. Giới chuyên gia gọi đây là đường hướng "hòa bình chủ động".
Theo Hiến pháp hòa bình, Nhật Bản bị cấm sử dụng lực lượng vũ trang để giải quyết xung đột, ngoại trừ trường hợp tự vệ. Tuy nhiên, với động thái diễn giải lại hiến pháp, Tokyo sẽ được phép "phòng thủ tập thể", hay có nghĩa là sử dụng lực lượng quân đội để can thiệp, bảo vệ các đồng minh trong trường hợp họ bị tấn công hoặc giải cứu các công dân Nhật Bản đang gặp nguy hiểm ở nước ngoài. Những điều luật mới này cần được Quốc hội thông qua trước khi chính thức áp dụng.
Sự việc xảy ra với các con tin càng khiến nhu cầu hiện thực hóa những thay đổi trên bùng lên mạnh mẽ trong một bộ phận lãnh đạo Nhật Bản. "Điểm mấu chốt là chúng ta cần một hệ thống pháp lý để bảo vệ các công dân của mình một cách đúng đắn", Reuters dẫn lời cựu bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Yuriko Koike nói.
"Luật mới nhằm mục đích bảo vệ tính mạng và hạnh phúc của người dân bằng cách thiết lập một cấu trúc an ninh hợp pháp và liền mạch", ông Abe phát biểu trong cuộc tranh luận bàn tròn phát sóng trên kênh NHK. "Với điều luật hiện tại nếu người Nhật ở nước ngoài gặp nguy hiểm, Lực lượng Phòng vệ (SDF) không thể vận dụng tối đa khả năng của mình".
Theo ông Abe, Tokyo không nên áp đặt giới hạn địa lý khi làm điều đúng, nghĩa là SDF có thể được điều động đến bất cứ nơi nào trên thế giới nếu trường hợp đó đáp ứng được các tiêu chuẩn của chính phủ.
Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe cũng nhận được đa số phiếu tán thành đối với điều luật mới ở cả thượng viện và hạ viện.
Tuy nhiên, ngay cả những người ủng hộ chủ trương thay đổi cũng nhận thấy Nhật Bản vẫn cần vượt qua không ít rào cản để có thể tiến hành các nhiệm vụ giải cứu con tin cũng như triển khai lực lượng ở nước ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng việc gửi quân ra quốc tế chỉ khiến nguy hiểm tăng cao.
"Chẳng phải việc Nhật Bản cho phép áp dụng chiến lược phòng thủ tập thể sẽ làm gia tăng những mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố ư?", Masayoshi Nataniya, thành viên phe đối lập của đảng Dân chủ Nhật Bản, chất vấn trong một phiên họp của thượng viện.
Theo một cuộc thăm dò của Kyodo News, hơn 50% số người được hỏi cho rằng Quốc hội nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thông qua hiến pháp được diễn giải lại.
Một cuộc thăm dò khác của tờ Yomiuri cho thấy 51% số người tham gia không tán thành việc diễn giải lại hiến pháp. Khoảng 49% cho biết họ không tin rằng những thay đổi này sẽ tăng cường vị thế quân sự của Nhật Bản.
Theo một biên bản cuộc họp nội bộ của các quan chức hàng đầu Nhật Bản, những vụ việc như khủng hoảng con tin không hội đủ điều kiện cần thiết để nước này gửi lính tới tham gia cùng đồng minh. Biên bản vẫn né tránh câu hỏi liệu những thay đổi được đề xuất có giúp nhiệm vụ giải cứu khả thi hơn không. Nhưng một quan chức quốc phòng giấu tên thì tỏ ra nghi ngại, cho rằng những điều chỉnh hiến pháp không đóng góp gì nhiều cho thành bại của sứ mệnh.
Ông bổ sung rằng nếu thật sự những thay đổi được thông qua, Nhật Bản cũng không có năng lực quân sự và mạng lưới tình báo đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ giải cứu con tin. "Trước khi thảo luận liệu việc sửa đổi hiến pháp có thành hiện thực hay không chúng ta cần bàn về khả năng của quân đội trước", ông nói.
Vũ Hoàng