Cảnh tượng ở biên giới phía nam nước Mỹ chưa bao giờ giống như hiện nay. Từng đoàn người di cư lũ lượt kéo tới cả ngày lẫn đêm, từng đợt hàng trăm đàn ông, phụ nữ và trẻ em lấm lem bụi đường. Họ trèo qua những đoạn rào thấp ở khu vực biên giới hẻo lánh tại bang Texas, rồi tụ tập tại con đường bê tông nóng rẫy ở cửa khẩu chính tại California. Sợ hãi và mỏi mệt, họ chờ đợi người có thể giúp họ ở lại nước Mỹ, dù chỉ trong thời gian ngắn: một sĩ quan biên phòng.
Đã qua rồi cái thời những người thanh niên trẻ khỏe vượt sông biên giới Tijuana, chạy trốn lực lượng biên phòng để tới Mỹ tìm việc trong mùa hè. Giờ đây, hàng nghìn con người chỉ đơn giản là đi thẳng tới biên giới và nộp mình cho nhà chức trách. Họ hầu hết đến từ các nước Trung Mỹ, tìm cách tới Mỹ để thoát đói nghèo, bạo lực ở quê hương.
Đám buôn người nói với họ rằng sau khi bị biên phòng bắt, họ sẽ nhanh chóng được thả nếu mang theo trẻ con và sẽ được phép ở lại Mỹ vài năm, trong thời gian đơn xin tị nạn của họ được phía Mỹ xử lý.
Cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới Mỹ - Mexico bắt đầu hình thành từ năm 2014, khi các gia đình người tị nạn xuất hiện với số lượng tăng dần. Mọi thứ dần vượt tầm kiểm soát, khi cả hệ thống nhập cư của Mỹ bị quá tải, không thể bắt giam, chăm sóc và xem xét đơn xin tị nạn của hàng chục nghìn người trong thời gian ngắn. Vài năm qua, cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tìm cách thay đổi luật nhập cư của Mỹ với nhận thức rằng hệ thống nhập cư này một ngày nào đó sẽ chạm ngưỡng sụp đổ, nhưng đều không thành công.
Thời điểm sụp đổ của hệ thống nhập cư đó dường như đang đến rất gần. Nước Mỹ giờ đây không đủ khả năng cung cấp các biện pháp hỗ trợ nhân đạo cần thiết cho những người xin tị nạn đang lâm vào cảnh tuyệt vọng, cũng như không có những biện pháp kiểm soát cơ bản trước số lượng và bản chất của dòng người tràn qua biên giới.
Các tòa án nhập cư Mỹ giờ đây đang phải xử lý trung bình 700 đơn xin tị nạn mỗi ngày và vẫn có hơn 800.000 trường hợp đang dồn ứ. Luật pháp và phán quyết của Tòa án Tối cao cấm giam giữ trẻ em tị nạn quá 20 ngày nên các gia đình nhập cư mang theo con nhỏ thường nhanh chóng được thả ra. Họ được đưa tới các trạm xe bus ở thị trấn biên giới như Brownville, Texas, nơi những gia đình nhập cư rách rưới, không tiền bạc này bắt đầu hành trình đến nhiều nơi khắp nước Mỹ.
Với tốc độ gần 100.000 người nhập cư vào Mỹ mỗi tháng như hiện nay, các quan chức cho rằng hơn một triệu người sẽ vượt biên vào nước này trong một năm. Số người nhập cư theo diện gia đình cũng đã chạm mức kỷ lục hồi tháng 2, tăng 560% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng trong tháng 4, giới chức Mỹ dự đoán sẽ có tới 27.000 trẻ em vượt biên và bước vào hệ thống nhập cư của Mỹ. Các trại tạm giữ ở biên giới quá tải đến mức lực lượng biên phòng ở El Paso hồi tháng 3 đã phải cho 3.500 người nhập cư trú tạm dưới gầm cầu, quây quanh bằng hàng rào thép gai.
Khi những từ như "tình trạng khẩn cấp", "hệ thống quá tải" hay "cả hệ thống đang bốc cháy" được các quan chức sử dụng ngày càng nhiều để mô tả tình hình ở biên giới, Tổng thống Donald Trump nổi giận. Cơn giận của ông bùng phát một lần nữa hôm 7/4, khi ông bất ngờ sa thải Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen, người bị ông cho là đã thất bại trong nỗ lực chấm dứt làn sóng người tị nạn.
Trump gần đây liên tục phát đi những thông điệp cứng rắn khiến nhiều người lo ngại rằng ông có thể chấm dứt mọi trường hợp nhập cư, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, qua ngả Mexico. "Cả hệ thống đã tới ngưỡng", ông nói khi tới thăm đoạn biên giới ở California hôm 5/4. "Dù là tị nạn hay bất cứ hình thức nào khác, đó đều là nhập cư bất hợp pháp. Chúng tôi không thể nhận thêm nữa".
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng chính những thông điệp chống nhập cư cứng rắn như vậy của Trump đã góp phần thúc đẩy "sóng người" ồ ạt đổ về Mỹ. Các đường dây buôn người phát quảng cáo trên đài phát thanh vùng Trung Mỹ rằng Tổng thống Trump sắp chấm dứt mọi hình thức nhập cư và hối thúc họ lên đường. "Nếu muốn tới Mỹ, hãy đi ngay từ bây giờ".
"Họ nói sẽ đưa chúng cháu đi bằng xe bus. Chúng cháu sẽ được an toàn", Jeremias Pascoal, cậu bé 16 tuổi vượt biên vào Texas hồi đầu tháng sau khi trả 3.200 cho một kẻ dẫn đường để gã này đưa nhóm của cậu tới một con đường và hướng dẫn họ nộp mình cho lực lượng biên phòng Mỹ.
Theo các chuyên gia, Trump không sai khi nói rằng những "lỗ hổng pháp lý" trong hệ thống nhập cư Mỹ chịu một phần trách nhiệm trong việc thúc đẩy người nhập cư mang theo trẻ em vào Mỹ trong hành trình đầy nguy hiểm, thậm chí là thảm kịch. Tuy nhiên, Tổng thống lại không ưu tiên tăng các nguồn lực để giải quyết vấn đề quá tải ở biên giới, mà chỉ đơn giản là muốn một "biện pháp cứng" chặn đứng người nhập cư đặt chân lên đất Mỹ. Chính sách răn đe này không chỉ thất bại trên thực địa mà còn khiến cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn.
Để thực thi chính sách "chặn đứng" của Trump, nhà chức trách Mỹ đã thực thi một loạt biện pháp như truy tố những người vượt biên bất hợp pháp, chia tách trẻ em khỏi bố mẹ, siết chặt tiêu chuẩn xin tị nạn, giảm bớt số người được phép nộp đơn xin tị nạn mỗi ngày, buộc họ phải ở lại trên đất Mexico trong thời gian chờ tòa án xử lý đơn.
Nhưng một số biện pháp đã vấp phải phản ứng dữ dội từ chính dư luận Mỹ và đi ngược lại tinh thần bảo vệ con người trong hiến pháp, buộc các thẩm phán liên bang hoặc quốc hội Mỹ phải can thiệp. Cho tới nay, tất cả những chiến lược ngăn chặn nhập cư mà chính quyền Trump đề ra đều chưa thể giải quyết được vấn đề.
Trong khi đó, các chính sách hạn chế này buộc đoàn người nhập cư phải chuyển hướng từ những cửa khẩu lớn, nhiều nhân lực như San Ysidro, California tới những khu vực hẻo lánh ở Tây Texas và New Mexico, nơi điều kiện giam giữ, chăm sóc người tị nạn kém hơn rất nhiều và hai trẻ em nhập cư đã tử vong khi bị giam tại đây.
Sau khi phải rút lại quy định chia tách trẻ em khỏi bố mẹ nhập cư vì phản ứng dữ dội của dư luận, Trump gần đây ra sáng kiến mới, yêu cầu người nhập cư ở lại trên lãnh thổ Mexico trong khi chờ được xét đơn xin tị nạn. Nhưng với nhiều người, biện pháp này chẳng khác nào bức tường ngăn họ xin tị nạn.
Miguel Aquino, 29 tuổi, gia nhập đoàn người rời khỏi El Salvador hồi tháng 10/2018, sau khi bị băng đảng MS-13 bắn vào tay và chân. Anh đã đợi suốt nhiều tuần lễ ở Tijuana để nộp đơn xin tị nạn tại cửa khẩu San Ysidro, nhưng sau đó bị đẩy trở về Mexico trong thời gian chờ tòa án xử lý đơn.
Hồi tháng 3, khi Aquino tới dự phiên tòa xét đơn tị nạn nhưng không có luật sư đi cùng, thẩm phán cho anh thêm thời gian để tìm luật sư và yêu cầu anh quay lại Mexico để chờ đợi. Aquino đã gọi cho 8 luật sư, nhưng tất cả đều lắc đầu vì anh không có mặt trên đất Mỹ. Đến lúc này, Aquino trở nên tuyệt vọng.
"Lần tới, nếu tôi không tìm được luật sư và họ không đưa ra câu trả lời rõ ràng, tôi sẽ tìm cách khác để vào Mỹ", Aquino tuyên bố.
Với những người lâm vào cảnh tuyệt vọng như Aquino, những bức tường biên giới mà Tổng thống Trump muốn dựng lên khó có thể ngăn cản họ vào nước Mỹ. Các chuyên gia cho rằng thay vì dựng tường để ngăn dòng người nhập cư tràn tới từ Trung Mỹ, chính quyền Trump cần phải giải quyết vấn đề ngay từ gốc rễ, đó là tình trạng loạn lạc, đói nghèo, tội phạm tràn lan ở những quốc gia khu vực này.
Các nhà ngoại giao Mỹ cho rằng cách tốt nhất để đối phó với tình trạng đói nghèo, loạn lạc ở các nước Trung Mỹ như El Salvador, Guatemala, Honduras là tiếp tục viện trợ hàng trăm triệu USD để chính phủ các nước tăng cường pháp trị và cải thiện nền kinh tế.
Trump tuần trước lại bất ngờ cắt khoản viện trợ 500 triệu USD cho ba quốc gia này, quyết định bị nhiều quan chức đảng Cộng hòa và Dân chủ chỉ trích là "thiển cận". Việc Trump liên tục mỉa mai Mexico và muốn xây bức tường dọc biên giới với nước này cũng có thể khiến chính phủ Mexico bất mãn, không tiếp tục thực thi các biện pháp hạn chế dòng người nhập cư đổ tới Mỹ.
Nhưng với Trump, việc đổ lỗi cho các nước khác và coi đoàn người kéo tới biên giới từ ngả Mexico như một mối đe dọa an ninh quốc gia lại là thông điệp quan trọng để giữ chân người ủng hộ trung thành, những cử tri đã đưa ông tới Nhà Trắng năm 2016 và sẽ đóng vai trò lớn trong cuộc tranh cử 2020. "Đó là một cuộc xâm lược", Trump tuyên bố hồi tháng 2, sau khi quốc hội Mỹ từ chối cấp ngân sách xây tường biên giới. "Chúng ta đang bị xâm lược bởi những kẻ buôn ma túy và tội phạm kéo tới nước Mỹ".
Thành Nguyễn (Theo NYTimes)