Tổng thống Trump lên nắm quyền hứa hẹn những thay đổi lớn trong cách Mỹ xác định vai trò của mình trên thế giới. Ông muốn chính sách đối ngoại của Mỹ mang tính giao dịch. Câu hỏi "Chúng ta được cái gì?" sẽ dẫn dắt cách tiếp cận "nước Mỹ trước tiên".
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump không coi việc thúc đẩy các giá trị dân chủ là cách để tăng cường kinh tế và an ninh quốc gia cho Mỹ. Nhưng tân tổng thống tính không bằng trời tính. Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học và siêu cường quyền lực nhất thế giới phải phản ứng.
Dưới đây là một số ví dụ về thay đổi trong cách tiếp cận của Trump với vấn đề toàn cầu, theo NPR.
Syria
Tổng thống Trump nói rằng ông rất linh hoạt và không đóng khung trong một cách tiếp cận đặc biệt, nhưng đối với Syria, ông đã có sự nhất quán đáng kể.
Trong nhiều năm Trump đã lập luận rằng Syria không phải là cuộc chiến của Mỹ. Ông nhiều lần chỉ trích ông Obama vì đã xem xét việc can thiệp vào Syria. Ông cũng từng có những phát ngôn coi nhẹ việc cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein bị cáo buộc tấn công vũ khí hóa học.
Vậy mà chỉ trong 48 giờ đồng hồ, ông đã thay đổi lập trường 180 độ.
Ngày 5/4, chỉ 6 ngày sau khi Ngoại trưởng Rex Tillerson nói rằng số phận của ông Assad "sẽ được quyết định bởi người Syria", ông Trump nói rằng những hình ảnh khủng khiếp được cho là trẻ em bị giết trong vụ tấn công vũ khí hóa học của Syria có tác động lớn đến ông. "Chúng vượt qua rất nhiều giới hạn đối với tôi khi anh giết những đứa trẻ vô tội, những đứa trẻ sơ sinh bằng một loại khí hóa học gây chết người", ông nói.
"Thái độ của tôi đối với Syria và ông Assad đã thay đổi rất nhiều", ông Trump nói thêm và thừa nhận rằng Syria hiện là "trách nhiệm của ông".
Ngày 6/4, ông ra lệnh không kích vào căn cứ không quân Syria. Đây là lần đầu tiên Mỹ công khai phản đối chính quyền Assad. "Tối nay tôi kêu gọi tất cả quốc gia văn minh tham gia cùng chúng tôi để tìm cách chấm dứt cuộc thảm sát và đổ máu ở Syria cũng như chấm dứt mọi loại hành vi khủng bố", ông nói.
Khoảnh khắc căn cứ Syria trúng tên lửa Mỹ
Trung Quốc
Ông Trump đã liên tục công kích Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử nhưng kể từ khi ông vào Nhà Trắng, ông đã hành động giống những người tiền nhiệm.
Ông từng hứa hẹn sẽ gọi Trung Quốc là bên thao túng tiền tệ vào ngày đầu nhậm chức nhưng điều đó không xảy ra. Ông hứa sẽ đánh thuế 45% với hàng hóa Trung Quốc nhưng việc đó không thành hiện thực. Ông nói ông sẽ chỉ khẳng định lại chính sách "Một Trung Quốc" nếu nhận được lợi ích từ Trung Quốc về thương mại hoặc vấn đề Triều Tiên, nhưng sau đó ông lại tái khẳng định chính sách mà không nhận được bất kỳ nhượng bộ nào từ Trung Quốc.
Sau cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước, ông đã ca ngợi quan hệ hai nước: "Chúng ta đã đạt được những tiến bộ to lớn trong quan hệ với Trung Quốc". Giọng điệu thân thiện này khác xa những tuyên bố trước đây trong chiến dịch tranh cử.
Ông Trump tiếp ông Tập ở Florida
Hành động của ông Trump tại Syria cũng đặt ra những câu hỏi về chính sách của ông với Trung Quốc và vấn đề Triều Tiên. Các quan chức Nhà Trắng gợi ý rằng cuộc không kích ở Syria gửi đi một thông điệp cảnh báo đến Triều Tiên rằng Trump cũng sẵn sàng hành động ở đó. Tuần trước ông Trump cũng thừa nhận rằng ông có trách nhiệm đối với vấn đề hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, một cuộc tấn công đe dọa đơn lẻ ở Syria không giống như hành động chống lại Triều Tiên khó đoán.
Trung Quốc và Mỹ đồng ý rằng chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là vấn đề nghiêm trọng, song chưa nhất trí về cách phản ứng. Ngoại trưởng Mỹ nói ông Trump đã đề nghị ông Tập đưa ra các ý tưởng, nhưng vẫn để ngỏ khả năng hành động đơn phương. "Chúng tôi đã chuẩn bị tự lập lộ trình nếu Trung Quốc không thể hợp tác", Tillerson nói.
Mexico
Trump từng hứa hẹn sẽ thương lượng lại Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ( hiệp định giữa 3 nước Canada, Mỹ và Mexico, theo đó Mỹ và Canada có thể dễ dàng chuyển giao công nghệ sang Mexico và Mexico cũng dễ dàng chuyển giao nguồn nhân lực sang hai nước kia) nhưng ông mới chỉ đề nghị các chỉnh sửa. Ông vẫn chưa tìm ra cách nào để buộc Mexico trả tiền cho bức tường biên giới - một trong những sáng kiến mang tính thương hiệu trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông.
Trump ký lệnh xây tường ở biên giới với Mexico hồi tháng một
Liên minh châu Âu
Tổng thống từng ca ngợi việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) và dự đoán rằng các nước khác sẽ theo chân Anh. Ông từng gọi EU là một "chiếc xe của nước Đức". Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times đăng ngày 2/4, ông dường như đồng ý rằng EU đang "làm tốt hơn".
Hội đồng An ninh Quốc gia
Tuần trước, Steve Bannon, chiến lược gia hàng đầu của tổng thống, đã bị loại ra khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia. Bannon - "kiến trúc sư" chính sách nước Mỹ trước tiên của tổng thống vốn là cố vấn chính trị đầu tiên được giao một ghế trong hội đồng này.
Việc Trump loại Bannon cho thấy cố vấn an ninh quốc gia mới của Trump, H.R.M McMaster - chuyên gia về chính sách đối ngoại và là một trong vài người theo khuynh hướng chính trị truyền thống trong chính quyền mới - đang nắm quyền kiểm soát. Đó là dấu hiệu cho thấy quá trình đối ngoại của Trump đang dần đi theo hướng truyền thống hơn.
"Hành động của Trump ở Syria dường như là một sự xa rời chính sách không can thiệp của Mỹ", cây bút Mara Liasson của NPR nhận xét. "Nhưng nếu không có một chiến lược tổng thể và với nhiều câu hỏi còn chưa được trả lời - bao gồm cả việc điều này có ý nghĩa gì đối với Nga và IS - ông Trump dường như lại lâm vào tình cảnh cũ của ông Obama, với những sự vỡ mộng, hạn chế và các giới hạn bị vượt qua", bà viết.
Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa tấn công căn cứ Syria
Phương Vũ