(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Năm 2020 là năm bản lề quan trọng của nhiều vấn đề chính trị - xã hội trên đất nước ta. Nhưng khi trải qua ba tháng đầu năm, chúng ta đã phải trải qua muôn vàn thách thức. Covid-19 xâm nhập vào nước ta, rồi giặc hạn, giặc mặn kéo vào các tỉnh phía Nam.
Một lúc chúng ta phải đương đầu với ba loại giặc, rồi hàng loạt "giặc" khác kéo theo. Chúng ta đang gặp phải nhiều khó khăn. Đầu năm 2020, khi chúng ta đang ăn Tết cổ truyền, giặc Covid-19 với kẻ cầm đầu là virus SARS-CoV-2 kéo vào các tỉnh phía Bắc. Nước ta bước vào 'cuộc kháng chiến chống giặc Covid-19' lần thứ nhất.
Lúc này, Covid-19 đang hoành hành mạnh tại Trung Quốc, chưa bùng phát mạnh tại các nước khác. Ở phía Nam, giặc hạn, giặc mặn liên tục lấn vào, đất đai thì khô cằn, nước mặn xâm nhập sâu hàng chục cây số. Cuộc sống của những người dân nơi đây trở nên vô cùng khó khăn. Nhờ sự nhạy bén của ngành y tế cũng như các cơ quan chức năng khác, trong đó có việc phong toả xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), 16 ca bệnh đầu tiên đã được chữa khỏi hoàn toàn. Cuộc kháng chiến lần thứ nhất đã kết thúc thắng lợi.
Những ngày cuối tháng 2, đất nước chúng ta không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào, tuần cuối tháng 2 và tuần đầu tháng 3 là khoảng thời gian yên bình nhất trên đất nước chúng ta. Nhưng con virus SARS-CoV-2 thì lại tiếp tục kéo quân xâm chiếm thế giới, từ Hàn Quốc, Iran, sang đánh phá châu Âu, nước Mỹ. Đầu tháng 3, virus nCoV kéo quân xâm lược trở lại Đông Nam Á. Việt Nam chúng ta cũng nằm trong số đó.
Giữa một ngày trở gió mùa, bỗng chốc phát hiện một cô gái ở châu Âu về nhiễm virus corona, đánh dấu cuộc kháng chiến lần thứ hai chống Covid-19 bắt đầu. Lần này, giặc kéo vào trên nhiều con đường, từ du lịch, hàng không, hay cửa khẩu... Số ca bệnh tăng rất nhanh.
Ở phía Nam, giặc hạn, giặc mặn tiếp tục tàn phá vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long. Nước mặn xâm nhập sâu, có chỗ lên đến gần 100km; đất đai nhiều nơi nứt nẻ, khô cằn, hàng ngàn hecta lúa mất trắng. Năm tỉnh đã công bố thiên tai do hạn mặn. Cuộc kháng chiến lần thứ hai này diễn ra trong điều kiện khó khăn hơn rất nhiều khi mầm bệnh đã xuất hiện ngoài cộng đồng, nhất là tại ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai - một trong những bệnh viện lớn và có chất lượng chuyên môn tốt nhất nước ta. Virus cũng xâm nhập đến vùng hạn mặn ở Bến Tre khi một ấp ở tỉnh này cũng đã phải cách ly 4 tuần vì một cô gái 17 tuổi nhiễm bệnh (bệnh nhân số 123).
Nhiều nơi phía Nam, nước sạch sinh hoạt và sản xuất bị thiếu, nguồn nước nhiễm mặn lớn. Cùng một lúc mà chúng ta phải đương đầu với ba loại giặc và hàng loạt "giặc" khác kéo theo như giặc dốt, hay khó khăn về kinh tế. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến những ngày đầu nước ta mới giành được độc lập năm 1945, khi nước nhà còn non trẻ cũng đã phải đương đầu với giặc đói, giặc dốt, giặc nghèo, giặc ngoại xâm.
Những khó khăn trên hối thúc chúng ta phải hành động, nhiều mạnh thường quân đã ủng hộ tiền mặt, vật tư cho công tác phòng chống dịch bệnh và hạn mặn. Còn mỗi người dân chúng ta, 15 ngày sắp tới là những ngày quan trọng, quyết định thành bại của cuộc kháng chiến chống giặc Covid này.
Mỗi người dân chúng ta hãy là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, hạn chế ra ngoài trừ trường hợp mua nhu yếu phẩm hoặc buộc phải đi làm vì tính chất ngành nghề, thực hiện "cách ly xã hội", không tụ tập đông người, tự giác khai báo sức khỏe, nhất là những người liên quan đến yếu tố dịch tễ, thường xuyên cập nhật tin tức, kiến thức về dịch bệnh. Không chủ quan, không hoang mang, hãy vững lòng nơi hậu phương, không phát tán thông tin sai sự thật, không kỳ thị mà động viên các chiến sĩ tuyến đầu - bác sĩ, bộ đội, công an cố gắng đánh đuổi quân xâm lược khỏi đất nước.
Các ngành chức năng cũng cần khẩn trương cung cấp nước ngọt, nước sạch cho bà con vùng hạn mặn phía Nam để vừa có nước sạch sử dụng trong mùa khô vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn trong phòng chống dịch bệnh.
Với gia đình tôi, chúng tôi cũng chấp hành nghiêm túc quy định của các cơ quan nhà nước. Tôi cũng sẽ hạn chế ra ngoài, làm việc, khai báo y tế trực tuyến, hướng dẫn các con học từ xa trên các nền tảng truyền hình, Internet,... Những ngày ở nhà tránh dịch, tôi và gia đình cũng có dịp để hiểu nhau hơn, đoàn kết, động viên nhau cố gắng vượt qua đại dịch.
Cũng chính nhờ giặc Covid này mà bản thân tôi cũng nghiệm ra được rằng phải thay đổi lối sống, suy nghĩ để thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau, ngay từ những việc nhỏ nhất. Dù có thể phải ở nhà 15 ngày hay thậm chí là cả tháng 4 tới, nhưng tôi và gia đình cũng sẽ thực hiện để bảo toàn sức khỏe cho bản thân, cho cộng đồng và góp chút công sức nhỏ nhoi trong cuộc 'kháng chiến toàn quốc' chống Covid-19.
Chắc chắn rằng cuộc chiến chống Covid-19, cùng giặc hạn giặc mặn cũng như các hệ quả kéo sẽ còn kéo dài. Các cháu học sinh, sinh viên cần được nghỉ học ít nhất đến hết ngày 3/5 để đảm bảo an toàn. Nhiều ngành sản xuất bị ảnh hưởng, nhưng chúng ta không thể đổi mạng người lấy kinh tế, còn người ắt còn kinh tế.
Hãy ở nhà trong 15 ngày tới, có thể là cả tháng 4 này, để vừa chống dịch, vừa phòng dịch, bảo toàn tính mạng cho mình và bảo đảm an toàn xã hội, động viên tinh thần các chiến sĩ tuyến đầu chống giặc. Tôi tin chắc rằng, sự tự giác của mỗi chúng ta, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng sẽ góp phần vào thành công của công cuộc chống dịch, hạn, mặn. Chúng ta sẽ giành thắng lợi trước Covid-19.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Văn Bình