Anh quê Tân Kỳ, Nghệ An, làm việc tại Bình Phước, chưa lập gia đình, bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về, hôm 29/7. Anh được bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nỗ lực điều trị, song hôn mê sâu, chết não. Lời hứa cuối năm về quê tu sửa nhà cửa và tìm nàng dâu cho bố mẹ của anh dang dở.
Trên chuyến xe cấp cứu từ TP HCM về Nghệ An, cả gia đình đều sốc, không chấp nhận sự thật, luôn tìm lý do nào đó để tự an ủi anh vẫn còn trên đời. Người em gái trao đổi và vận động gia đình hiến mô, tạng của anh cứu sống người khác, để "một phần cơ thể anh trai còn sống mãi".
Ý định này được mọi người trong gia đình đồng ý. Người em gọi điện đến Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. Sau khi liên hệ, việc "hồi hương" lại thêm gian nan, thay vì chạy thẳng về Nghệ An như kế hoạch ban đầu, chiếc xe cứu thương ghé Bệnh viện Đa khoa Bình Định để lấy thêm thuốc hỗ trợ.
Mong muốn của gia đình là đưa anh về Bệnh viện tỉnh Nghệ An, để người thân, họ hàng gặp anh lần cuối. Tuy nhiên hành trình 1.000 km bằng ôtô không thể để đảm bảo tạng an toàn, nên bến đỗ cuối cùng là Bệnh viện Trung ương Huế để thực hiện việc lấy tạng cứu người, hôm 31/7. Các thủ tục hiến tạng được bác sĩ ở viện thực hiện nhanh chóng. Trước khi lấy tạng, y bác sĩ đã cúi đầu tiễn biệt và cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của bệnh nhân và người nhà.
GS.TS.BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết ê kíp đã lấy hai thận, hai giác mạc ghép cho 4 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế, lá gan chuyển ghép cho bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Hiện, sức khỏe của 4 bệnh nhân ở Huế đã hồi phục tốt sau ghép. Bệnh nhân ghép gan ở Hà Nội cũng dần hồi phục.
Đây là lần đầu tiên có một trường hợp gia đình bất ngờ quyết định hiến tạng người thân trên đường đưa về quê lo hậu sự.
30 năm qua, Việt Nam đã thực hiện hơn 6.500 ca ghép tạng thành công, trong đó hơn 6.000 ca ghép thận, 384 ca ghép gan, 59 ca ghép tim. Thách thức lớn nhất của ngành ghép tạng không phải kỹ thuật khó mà là sự khan hiếm nguồn mô tạng hiến. Những năm gần đây, nhiều câu chuyện về hiến mô tạng gây xúc động đã tạo nên hiệu ứng tích cực.
Đến nay, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã nhận khoảng 170.000 đơn đăng ký hiến tạng sau chết, chết não. Nhiều gia đình gồm cha con, vợ chồng, anh chị em cùng đăng ký hiến tạng.
"Giờ gia đình tôi chỉ mong những người nhận tạng của anh tôi luôn khỏe mạnh. Họ có khỏe thì việc làm của gia đình tôi mới có ý nghĩa", người em gái nói.
Lê Nga