Đánh giá này được các chuyên gia lĩnh vực ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, phục hồi chức năng đưa ra tại Hội nghị khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi toàn quốc 2022, ngày 18-19/11.
Trong số ca ghép tạng thành công từ năm 1992 đến nay, có 6.094 ca ghép thận, 384 ca ghép gan, 59 ca ghép tim. Đến nay Việt Nam có 16 cơ sở y tế ghép thận, 5 cơ sở ghép gan, 3 cơ sở ghép tim và đội ngũ y bác sĩ được đào tạo chuyên sâu để thực hiện các kỹ thuật khó.
Mới nhất, hôm 17/11, Bệnh viện Chợ Rẫy công bố 6 người hồi sinh từ mô tạng của một bệnh nhân 38 tuổi chết não hiến trái tim, hai quả thận, hai giác mạc. Ngoài ra, phần da được các bác sĩ ghép thành công, là ca ghép da từ người hiến chết não đầu tiên ở Việt Nam.
Việt Nam đã thực hiện được nhiều kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực ghép tạng, ngang với các nước trong khu vực và thế giới. Năm 2017, các bác sĩ thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên và ghép tim cho bệnh nhân nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam. Cuối năm 2018, lần đầu tiên các thầy thuốc thực hiện thành công ca ghép hai phổi từ người cho đa tạng chết não, được Bộ Y tế vinh danh là một trong 9 sự kiện y tế nổi bật của năm.
Năm 2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lập kỷ lục trong 13 ngày đã ghép thành công 23 tạng, trong đó có 8 thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não. Cùng năm đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ca ghép tay từ người cho sống đầu tiên trên thế giới.
"Thành công trong lĩnh vực ghép tạng khẳng định năng lực của thầy thuốc Việt Nam, có ý nghĩa rất lớn khích lệ đội ngũ y tế tự tin hơn, dám nghĩ dám làm, góp phần đặt dấu ấn Việt Nam trên bản đồ ghép tạng thế giới", GS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nói.
Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của ngành ghép tạng không phải là kỹ thuật khó, mà là sự khan hiếm nguồn mô tạng hiến. Hiện 95% ca ghép tạng ở Việt Nam được tiến hành từ người cho sống, chỉ 5% ca ghép từ người cho chết não, điều này ngược hoàn toàn với xu hướng chung của toàn thế giới khi nhiều nước đa phần ca ghép tạng là từ người cho chết não.
Cả nước có 1.500 bệnh viện, trong đó khoảng 300 bệnh viện điều trị bệnh nhân chấn thương sọ não. Mỗi bệnh viện chỉ cần một bệnh nhân chết não hiến tặng mô bộ phận cơ thể người thì trong một năm sẽ có khoảng 300 người hiến. Do đó, các chuyên gia kỳ vọng càng nhiều người đăng ký hiến tạng sau khi chết, mở ra cơ hội sống khỏe mạnh cho nhiều người khác.
Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã nhận đơn của khoảng 50.000 người đăng ký hiến tạng sau chết/chết não, so với năm 2014 chỉ có 200 người đăng ký. Thời gian qua có nhiều câu chuyện về hiến mô tạng gây xúc động đã tạo nên hiệu ứng tích cực. Nhiều gia đình gồm cha con, vợ chồng, anh chị em... cùng đăng ký hiến tạng.
Theo GS. Giang các kỹ thuật hiện đại như phẫu thuật nội soi, can thiệp ít xâm lấn trong hầu hết chuyên khoa đã đưa ngành ngoại khoa Việt Nam tiếp cận với những tiến bộ của y học thế giới. Đặc biệt là phẫu thuật nội soi lấy gan và thận từ người hiến khỏe mạnh để ghép cho người bệnh.
Đây là một trong những kỹ thuật mổ phức tạp, đòi hỏi trình độ kinh nghiệm cao, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ. Phương pháp này có nhiều lợi ích cho người hiến, ít xâm lấn giúp giảm đau sau mổ tốt hơn mổ mở, thời gian phục hồi nhanh, tính thẩm mỹ cao trong khi kết quả tương đương với mổ mở.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cũng đánh giá ngành ngoại khoa của Việt Nam ngang tầm các bệnh viện, trung tâm y học khu vực và thế giới, áp dụng ở hầu hết chuyên ngành như tiêu hóa, tiết niệu, lồng ngực, chấn thương, sọ não, nội tiết...
Lê Nga