Văn phòng Tổng chưởng lý New Hampshire đang điều tra cuộc gọi mạo danh Tổng thống Joe Biden nhắm vào cử tri đảng Dân chủ tại bang này. Cuộc gọi xuất hiện ngày 21/1, hai ngày trước cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire, trong đó giọng nói giống ông Biden kêu gọi cử tri đảng Dân chủ không đi bỏ phiếu ở bang này.
Sự việc bị nghi ngờ là âm mưu tung tin giả "gây tổn hại cho ông Biden, thủ tiêu phiếu bầu cho đảng Dân chủ và phá hoại nền dân chủ Mỹ", theo phát ngôn viên đảng Dân chủ bang New Hampshire Aaron Jacobs. Giới chức địa phương vẫn chưa xác định được ai đã thực hiện cuộc gọi mạo danh, cũng như cách thức thủ phạm giả giọng Tổng thống Mỹ.
Theo đoạn ghi âm do đài CBS thu được một ngày sau, cuộc gọi mạo danh được thực hiện bằng phương thức gọi tự động tới các thuê bao tại New Hampshire. Để tăng mức tin cậy, nghi phạm còn chèn thêm vào cuộc gọi số điện thoại của Kathy Syllivan, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ tại New Hampshire và đang là thủ quỹ một ủy ban vận động chính trị ủng hộ ông Biden.
Giới quan sát cho rằng cá nhân hoặc tổ chức đứng sau cuộc gọi này có thể đã sử dụng công nghệ giả giọng nói bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Sự việc khiến giới chức bầu cử Mỹ càng thêm lo ngại về nguy cơ những người lợi dụng AI và các công cụ deepfake gây rối loạn mùa bầu cử tổng thống năm nay.
Deepfake là sự kết hợp giữa deep learning (học sâu) và fake (giả). Công nghệ này dùng AI phân tích cử chỉ, nét mặt và giọng nói của một người, từ đó tái tạo và chỉnh sửa để tạo ảnh hoặc video trông như thật. Sự phát triển của công nghệ khiến công cụ AI và tính năng deepfake ngày càng phổ biến hơn, được tích hợp vào các ứng dụng mạng xã hội, chỉnh sửa hình ảnh hay công nghiệp điện ảnh.
Những công cụ này có thể gây ra rối loại xã hội và đe dọa an ninh quốc gia một khi nằm trong tay những kẻ có ý đồ xấu, khi chúng có khả năng dễ dàng tạo ra thông điệp và hình ảnh mạo danh, cũng như lan tỏa rộng và nhanh trên mạng xã hội.
"Giờ đây ai cũng có thể tạo ra nội dung deepfake chỉ bằng máy tính, kết nối Internet và ý đồ thao túng bầu cử", John Villasenor, giáo sư về AI và an ninh mạng tại Đại học California - Los Angeles (UCLA), nhận định. "Đây là công cụ mới và rất lợi hại đối với những cá nhân và tổ chức có ý đồ chi phối bầu cử bằng thông tin sai lệch".
Trước cuộc gọi giả giọng Tổng thống Biden, công cụ deepfake từng được phát hiện trong bầu cử tại Slovakia và đảo Đài Loan. Facebook vào tháng 6/2019 từng phát hiện video ngụy tạo về nghị sĩ Nancy Pelosi, khi đó giữ chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ, dàn dựng hình ảnh bà không thể phát biểu trôi chảy.
Paul Barrett, giáo sư luật tại Đại học New York, nhận định công cụ deepfake có thể tác động tới bầu cử Mỹ theo hai hướng: Bôi nhọ ứng viên và giảm uy tín của cuộc bầu cử. Nội dung ngụy tạo ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của chính trị gia, khiến cử tri Mỹ nhìn nhận sai lệch về ứng viên và ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu.
"Khi những nội dung deepfake xuất hiện tràn lan trong mùa bầu cử, cử tri sẽ rơi vào trạng thái ngờ vực không ngừng, khó phân biệt thật giả. Tâm lý ngờ vực sẽ kéo theo thái độ bàng quan chính trị, hoài nghi hệ thống chính trị và làm giảm số người đi bầu", Barrett cảnh báo.
Theo thượng nghị sĩ Mike Rounds của đảng Cộng hòa, xây dựng quy định quản lý công nghệ AI là một trong những ưu tiên hàng đầu của quốc hội Mỹ, đặc biệt là cách ứng dụng công nghệ này vào quảng bá và truyền thông chính trị.
Video có nội dung khiêu dâm ngụy tạo liên quan đến ca sĩ Taylor Swifts và cuộc gọi giả giọng Tổng thống Biden cùng xuất hiện vào tháng này càng khiến giới lập pháp Mỹ lo lắng về ảnh hưởng của deepfake đến xã hội Mỹ.
Texas và Minnesota có luật riêng để xử phạt nội dung mạng sai sự thật ảnh hưởng đến bầu cử, trong khi California và Washington chỉ cấm nội dung ngụy tạo nhắm tới ứng viên tranh cử vào cơ quan công quyền. Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) của Mỹ cũng đang cân nhắc xây dựng quy định về AI và deepfake trong các sản phẩm truyền thông vận động tranh cử.
Tuy nhiên, Mỹ chưa có điều luật nào ở cấp liên bang ngăn cấm chia sẻ hay sáng tạo nội dung bằng công nghệ deepfake. Giới lập pháp Mỹ vẫn chia rẽ về định nghĩa nội dung deepfake sẽ bao trùm những khía cạnh nào. Mekela Panditharatne, luật sư của Trung tâm Brennan thuộc Trường Luật Đại học New York, lập luận sự việc Tổng thống Biden bị giả giọng cho thấy luật về deepfake cần xem xét cả sản phẩm âm thanh, không dừng lại ở video và hình ảnh.
"Những nội dung ngụy tạo chính là thách thức nghiêm trọng đầu tiên mà chúng ta cần giải quyết trong kỷ nguyên AI. Những nội dung này đủ sức triệt tiêu toàn bộ niềm tin xã hội", Vijay Balasubramaniyan, CEO Pindrop, công ty tư vấn chống lừa đảo qua điện thoại tại Mỹ, cảnh báo.
Matthew Wright, lãnh đạo bộ phận an ninh mạng tại Viện Công nghệ Rochester, lo lắng cuộc bầu cử năm nay sẽ đối mặt nhiều mối đe dọa nghiêm trọng hơn nữa từ deepfake. Ông cho rằng cuộc gọi giả giọng Tổng thống Biden ở bang New Hampshire có thể mới là thuốc thử liều nhẹ cho xã hội Mỹ và các cấp quản lý, do chỉ áp dụng công nghệ phổ thông để ngụy tạo đoạn ghi âm.
"Thị trường hiện có nhiều công cụ khác tinh vi hơn và có thể gây tác động nguy hiểm hơn nữa", ông cảnh báo.
Peter Singer, chuyên gia về chiến lược an ninh mạng tại Washington, còn lo ngại deepfake tiềm ẩn hiểm họa gây bất ổn địa chính trị nếu một số nước sử dụng công nghệ này làm vũ khí thông tin. Nội dung giả mạo không chỉ có khả năng thao túng bầu cử, mà còn có thể đe dọa uy tín của các nguyên thủ hay chính trị gia, hoặc "đổ thêm dầu vào lửa" trong các căng thẳng quốc tế và châm ngòi xung đột.
"Suốt 15 năm qua, các chính phủ và đảng phái đã hiểu rõ mối nguy hiểm từ chiến tranh mạng, với cách hiểu khái quát là tấn công vào hệ thống mạng máy tính. Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến anh em song sinh của nó là 'chiến tranh nhấn nút thích' (likewar), thao túng dư luận trên mạng xã hội và lan truyền tư tưởng gây bất ổn thông qua những lượt thích, lượt chia sẻ và những lời bịp bợm", Singer nhận định.
Thanh Danh (Theo Politico, CNBC)