Năm 2008, thời điểm các lãnh đạo G20 nhóm họp ở Washington một tháng sau khi tập đoàn đầu tư tài chính lớn thứ 4 nước Mỹ Lehman Brothers tuyên bố phá sản, họ chỉ tập trung trả lời câu hỏi lớn: Làm thế nào để khôi phục nền kinh tế toàn cầu và tránh một cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.
10 năm sau, các lãnh đạo G20 lại đối mặt với một thách thức lớn nữa, đó là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vốn đã làm náo loạn các doanh nghiệp trên toàn thế giới và phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Không chỉ gây hệ lụy về kinh tế, cuộc chiến thương mại này còn gieo hoài nghi, chia rẽ giữa các đồng minh, tác động sâu sắc đến bức tranh chính trị toàn cầu.
Đây là lý do cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 29/6 rất được quan tâm. Nhiều người kỳ vọng đây sẽ là sự kiện mang tính bước ngoặt, tháo gỡ các nút thắt trong mớ hỗn độn về thương mại, chính trị quốc tế hiện nay.
Lần gần nhất hai lãnh đạo gặp mặt là tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina, 7 tháng trước. Bên bàn tiệc tối, hai ông thống nhất "ngừng bắn" 90 ngày để mở đường cho đàm phán thương mại. Từ tháng 7/2018, Trump đã tung ra ba vòng áp thuế vào 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nhắm tới một loạt mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng. Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế với 110 tỷ USD hàng Mỹ gồm hóa chất, than, thiết bị y tế và các loại nông sản như đậu nành.
Nguyên nhân Trump tung đòn với Trung Quốc là tình trạng mất cân bằng thương mại hơn 378 tỷ USD giữa hai nước. Washington cũng cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp tài sản trí tuệ, có những chính sách thiếu công bằng như hậu thuẫn doanh nghiệp nội địa và ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ nếu muốn tiếp cận thị trường nước này.
"Lệnh ngừng bắn" năm ngoái không phát huy hiệu quả, khi đàm phán thương mại song phương đổ vỡ hồi tháng 5, với việc hai bên liên tục đổ lỗi cho nhau. Giới quan sát kỳ vọng rằng cuộc gặp Trump - Tập bên lề hội nghị G20 lần này sẽ mang lại kết quả tích cực, ít nhất là một quyết định "đình chiến" tương tự.
Sau cuộc gặp kéo dài 60 phút giữa hai lãnh đạo, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua cho hay hai bên thống nhất Mỹ sẽ không áp đặt hàng rào thuế quan mới lên hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc và hai quốc gia cũng nhất trí khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại.
Như vậy, giống với kịch bản tại Buenos Aires, hai bên giờ đây tiếp tục đạt được một lệnh "đình chiến" mới nhưng nó không đồng nghĩa với việc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã kết thúc, các chuyên gia nhận định. Bằng chứng là sau lệnh "ngừng bắn" hồi năm ngoái, xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn bùng phát trở lại, thâm chí còn trở nên căng thẳng hơn.
Vài tháng trước hội nghị, xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang nhanh chóng. Mỹ tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đặt ra những giới hạn với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei cùng 4 công ty công nghệ khác khi đưa họ vào một "danh sách đen". Trung Quốc đáp trả bằng cách tiếp tục tăng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ đã bị áp thuế.
Tổng thống Trump trước khi gặp ông Tập đã đe dọa rằng nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, Mỹ sẽ tăng thuế với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, đồng nghĩa với việc toàn bộ hàng hóa Trung Quốc bán tại Mỹ đều bị đánh thuế.
Dù nhiều doanh nghiệp Mỹ đồng tình với quan điểm cứng rắn trước Trung Quốc của chính quyền Trump, tăng thuế là điều cuối cùng họ mong muốn. Hàng loạt công ty đã thúc giục Trump chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại, cảnh báo về viễn cảnh giá cả tăng cao và rủi ro ngày một lớn hơn đối với họ.
Nhiều lãnh đạo thế giới, trong đó có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hay Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng kêu gọi hai nước đạt được một thỏa thuận thương mại hợp lý, nếu không kinh tế toàn cầu sẽ bị đe dọa.
Việc hai bên đạt được một thỏa thuận "đình chiến" về thương mại dường như là kết quả khả quan nhất có được từ cuộc gặp, bởi nó giúp xoa dịu phần nào nỗi lo âu của thị trường toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia G20 cũng như đáp ứng kỳ vọng của tất cả các bên.
Tổng thống Trump sau cuộc gặp cho biết các cuộc đối thoại gữa Mỹ và Trung Quốc đã "trở về quỹ đạo". Ông mô tả phiên làm việc diễn ra rất "tuyệt vời" và "thậm chí còn tốt hơn mong đợi".
Những tín hiệu tích cực mà Tổng thống Trump truyền đi dường như cho thấy ông cũng hoàn toàn mong muốn giải quyết nhanh chóng những khúc mắc về thương mại với Trung Quốc, song việc Mỹ chịu nhượng bộ đến đâu vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Cuộc gặp Trump - Tập được coi là một sự kiện mang ý nghĩa toàn cầu bởi cuộc chiến thương mại giữa hai nước đe dọa gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của rất nhiều nước và làm đảo lộn các nguồn cung quốc tế cho không ít doanh nghiệp.
Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh Tế (OECD) nhận định nếu cuộc gặp Trump - Tập đổ vỡ, nó sẽ dẫn tới những hệ quả "mang tính hủy diệt". "Một sự sụp đổ sẽ ảnh hưởng tới hầu như mọi nền kinh tế trên toàn cầu bởi Mỹ và Trung Quốc đều có mối quan hệ chặt chẽ với phần còn lại của thế giới. Bạn sẽ chứng kiến những tác động không thể tránh khỏi, những tác động rất tiêu cực", ông nhấn mạnh.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo hàng rào thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc áp đặt lên nhau có nguy cơ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm 0,5% vào năm 2020.
Như vậy, việc Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập có thể trở lại bàn thảo luận đã chấm dứt 6 tuần bế tắc trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Việc đôi bên thống nhất nối lại đàm phán sẽ giúp các công ty và giới đầu tư toàn cầu cảm thấy an tâm hơn bởi nguy cơ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới tạm thời không còn.
Tuy nhiên, hai bình luận viên Shawn Donnanand và Miao Han từ Bloomberg cũng lưu ý rằng hiện chưa rõ liệu Mỹ và Trung Quốc có thể vượt qua những khác biệt đã khiến "lệnh ngừng bắn" trước đây đổ vỡ hay không.
Dù kết quả cuộc gặp ngày hôm nay ra sao, vẫn còn đó những khoảng trống chưa thể lấp đầy giữa Mỹ và Trung Quốc về một số yêu cầu thương mại quan trọng, bao gồm vấn đề thâm hụt thương mại và chính sách ép chuyển giao công nghệ của Bắc Kinh đối với các công ty nước ngoài muốn hoạt động tại Trung Quốc.
John Delury, chuyên gia về lịch sử Trung Quốc hiện đại, cho rằng sẽ dễ dàng hơn nếu đôi bên bắt đầu lại từ thời điểm đàm phán đổ vỡ thay vì khởi động từ vạch xuất phát, nhưng ít nhất kịch bản đình chiến này "là điều mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mong muốn bởi Bắc Kinh không bao giờ muốn rơi vào một tình thế xung đột kinh tế toàn diện với Mỹ".
Vũ Hoàng (Theo Bloomberg, BBC, AFP, CNN)