Tháng 10/2005, Bộ trưởng Nội vụ Pháp lúc đó Nicolas Sarkozy có chuyến thăm chính thức Libya. Trùm buôn bán vũ khí Ziad Takieddine, người cũng có mặt ở thủ đô Tripoli của Libya khi đó, cho biết ông Sarkozy đã gặp riêng Muammar Gaddafi và dường như đã trực tiếp yêu cầu nhà lãnh đạo Libya hỗ trợ tài chính cho kế hoạch tranh cử tổng thống Pháp của ông vào năm 2007, theo Mediapart.
Mediapart chính là chuyên trang điều tra cáo buộc quỹ tranh cử của ông Sarkozy nhận số tiền hiến tặng trái phép vượt quá mức quy định từ cố lãnh đạo Libya Gaddafi. Đây cũng được coi là nguồn tin quan trọng để cảnh sát Pháp thẩm vấn ông Sarkozy hôm qua.
Chuyến thăm của ông Sarkozy tới Libya ngày 6/10/2005 khiến giới quan sát không khỏi tò mò. Theo thông báo chính thức, Bộ trưởng Sarkozy đến Libya để thảo luận về việc ngăn chặn làn sóng nhập cư vào châu Âu qua con đường châu Phi. Tuy nhiên, Sarkozy lại chỉ ở Libya trong chưa đầy 24 tiếng. Trước đó 4 ngày, Claude Gueant, chánh văn phòng của ông, cũng đã tới Libya.
Một văn bản thu được từ Takieddin lưu ý đây là "chuyến thăm không bình thường" và cần "tạo điều kiện thuận lợi cho việc thảo luận những vấn đề quan trọng khác, theo cách trực tiếp nhất".
Takieddine được coi là người đại diện đặc biệt cho Sarkozy tại một số nước Arab. Từ đầu năm 2005, với vai trò được giao là kiến thiết quan hệ Pháp - Libya, Takieddine tổ chức tất cả các chuyến thăm của đoàn tùy tùng dưới quyền ông Sarkozy tới Libya.
Trả lời câu hỏi từ tòa án ngày 26/2/2014 về cuộc gặp đầu tiên giữa Sarkozy và Gaddafi, cựu đại sứ Jean-Luc Sibiude cho hay sau các cuộc thảo luận công khai, ông Sarkozy và ông Gaddafi đã gặp riêng trong thời gian khá lâu. "Nó có lẽ dài gấp đôi những cuộc thảo luận công khai", ông Sibiude nói.
Takieddine cũng xác nhận vào ngày 6/10/2005, Sarkozy và Gaddafi có cuộc thảo luận trực tiếp không thông qua phiên dịch viên sau cuộc gặp tại nơi làm việc của nhà lãnh đạo Libya.
Theo lời Takieddine, tối cùng ngày, giám đốc tình báo Libya Abdullah Senussi đến gặp ông để thay mặt Gaddafi bàn về số tiền hỗ trợ cho Sarkozy. Khi Takieddine hỏi lại vì sao Senussi hứng thú với việc này, Senussi trả lời: "Bạn của ngài yêu cầu lãnh đạo của chúng tôi giúp đỡ về tài chính cho chiến dịch và ngài Gaddafi muốn biết nó sẽ khiến ông tiêu tốn bao nhiêu tiền".
Trở về Paris, Takieddine kể ông đã gặp Claude Gueant tại khách sạn Sofitel gần Bộ Nội vụ Pháp để trao đổi về cuộc thảo luận trên và bàn về số tiền. "Luôn ở cùng một địa điểm", Takieddine nói. Ông Gueant phủ nhận việc ông Sarkozy yêu cầu nhà lãnh đạo Libya hỗ trợ tài chính với lý do rằng thời điểm đó, Sarkozy chưa phải ứng viên tranh cử tổng thống, song vẫn nêu số tiền cần có là 22 triệu euro.
Gần ba tháng sau, Brice Hortefeux, một lãnh đạo chính quyền địa phương, đồng minh thân cận với ông Sarkozy, tới Tripoli. Cựu đại sứ Jean-Luc Sibiude khai với các thẩm phán rằng ông "bất ngờ" trước chuyến thăm trên bởi theo ông, nó "không có nhiều ý nghĩa".
Hortefeux thừa nhận đã gặp Senussi tại công ty của Takieddine, song không ghi lại trong nhật ký công tác. Ông Sarkozy đắc cử Tổng thống Pháp vào năm 2007 và nắm quyền đến năm 2012.
Tên của Senussi và Hortefeux đều xuất hiện trong các tài liệu có đề thời gian vào năm 2006 và được Mediapart công bố tháng 4/2012. Những tài liệu trên chính là nguồn cơn thúc đẩy cuộc điều tra cáo buộc chính quyền Gaddafi quyên góp tiền tranh cử trái phép cho ông Sarkozy.
Sau khi Mediapart công bố thông tin, cựu tổng thống Sarkozy cáo buộc trang tin này "giả mạo và sử dụng thông tin giả mạo" song cảnh sát không tìm thấy bất cứ cơ sở nào làm rõ cho lời khiếu nại của ông. Cựu tổng thống Pháp sau đó đâm đơn kiện Mediapart với cùng cáo buộc. Năm 2016, hai thẩm phán Pháp tuyên bố không đủ bằng chứng kết tội Mediapart.
Ông Sarkozy hôm qua bị cảnh sát tư pháp thẩm vấn liên quan tới cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông năm 2007 nhận 60 triệu USD từ Gaddafi. Luật Pháp chỉ cho phép một cá nhân tài trợ tối đa 7.500 euro (khoảng 9.200 USD) cho quỹ tranh cử của ứng viên tổng thống. Ngoài ra, số tiền 60 triệu USD cũng cao gấp hai lần mức giới hạn tối đa được phép cho mỗi quỹ tranh cử ở Pháp vào thời điểm đó.
Vũ Hoàng