Theo NYTimes, từ trước khi cuộc khủng hoảng con tin tại một khách sạn ở Mali được xử lý, thậm chí khi các tay súng còn chưa được cơ quan chức năng nhận dạng, những kẻ ủng hộ al-Qaeda và nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bàn tán xôn xao trên mạng xã hội, về việc tổ chức nào "chính đáng" và "nổi bật" hơn.
Một kẻ ủng hộ al-Qaeda nhanh chóng tuyên bố IS có thể "học được một vài điều" từ vụ tấn công Mali. Kẻ này cũng mạnh mẽ bác bỏ những bàn luận rằng IS mới là bên thực hiện vụ tấn công.
"Thượng Đế biết rõ nhất, họ không hoạt động tại Mali", tên này viết. "Chúng ta đều biết ai hoạt động tại đó".
So kè
Đúng một tuần trước cuộc tấn công này, IS đã gây chấn động thế giới với loạt xả súng và đánh bom tự sát tại Paris, làm ít nhất 130 người thiệt mạng. Các phần tử có liên hệ với al-Qaeda sau đó nhận trách nhiệm về vụ tấn công khách sạn tại thành phố Bamako, Mali hôm 20/11. Dù những kẻ này tuyên bố động cơ gây án là bất mãn tại địa phương, có thể thấy rõ ràng rằng vụ bắt cóc con tin phản ánh sự đối địch ngày một quyết liệt và bạo lực giữa al-Qaeda và IS.
Từng cùng thuộc mạng lưới Qaeda, hai nhóm này đường ai nấy đi do khác biệt trong chiến lược tại Syria. IS sau đó nổi nên là tổ chức mạnh mẽ và nổi bật nhất trong cộng đồng Hồi giáo cực đoan, châm ngòi cho sự cạnh tranh trong chiêu mộ chiến binh, tiền tài trợ và thanh thế.
Sự cạnh tranh đó đã dẫn tới những ganh đua chết người và khó bị ngăn chặn, do số lượng nhiều không kể xiết các mục tiêu mềm, cho dù quân đội các nước có thể làm suy yếu hai nhóm này tại địa bàn ở Trung Đông và châu Phi.
Sự đối địch này có bước ngoặt đẫm máu tại Paris hồi tháng một, khi chi nhánh al-Qaeda tại Yemen nhận trách nhiệm vụ thảm sát nhân viên tạp chí trào phúng Charlie Hebdo. Tại thời điểm đó, đây là vụ tấn công liều lĩnh nhất vào phương Tây trong nhiều năm qua, do một nhóm vốn đang bị những kẻ jihad xem là dần lu mờ.
Một số nhà phân tích châu Âu tin rằng, tên Abdelhamid Abaaoud, nghi phạm chủ mưu các vụ tàn sát tại Paris hôm 13/11, đã xem vụ tấn công hồi tháng một là sự thôi thúc phải làm điều gì đó để tạo tiếng vang lớn hơn.
Abaaoud có vẻ đã nhận trọng trách từ IS phải tổ chức một chiến dịch tấn công tại châu Âu, nhưng những nỗ lực đầu tiên lại thất bại. Trong số này có vụ tấn công vào một đoàn tàu đi về hướng Paris, âm mưu khủng bố bị chặn đứng khi các hành khách khống chế tay súng.
Kẻ dẫn dắt Abaaoud, Abu Muhammad al-Adnani, một thủ lĩnh cấp cao trong IS, có vẻ đã tăng sức ép khi công khai chỉ trích những người Hồi giáo không sử dụng mọi phương tiện sẵn có, như "đạn, dao, xe, đá", để "lấy máu những kẻ thập tự chinh" (cách nhóm cực đoan gọi người phương Tây).
Sau nhiều tháng chuẩn bị, Abaaoud đã quyết định thực hiện các vụ tấn công hôm 13/11, khiến một số kẻ thân al-Qaeda xem như một điều gì đó cần phải vươn tới, xét về mức độ đáng sợ. Đồng thời, chúng tin mình phải làm tốt hơn thế, bằng cách hạn chế gây thương vong cho người Hồi giáo.
Những kẻ tấn công tại Mali đã loại người Hồi giáo ra khỏi số con tin bị bắt giữ, bằng cách yêu cầu họ đọc lại một số đoạn trong kinh Koran trước khi trả tự do.
"Những con sư tử thực hiện vụ tấn công Mali đã tách riêng người Hồi giáo ra khỏi tín đồ Thiên Chúa giáo, để bảo vệ dòng máu bất khả xâm phạm của người Hồi giáo", một kẻ thân al-Qaeda viết.
Một kẻ khác, tự nhận là Abu Sufian al-Libi, có vẻ đang chiến đấu cho chi nhánh Nusra Front của al-Qaeda, hưởng ứng tuyên bố này trên Twitter rằng: "Đây mới là cách những người Hồi giáo nên hành động". Tên này còn viết thêm rằng IS "nên học hỏi và từ bỏ tín ngưỡng và phương thức lệch lạc của họ", ám chỉ tới việc IS sẵn sàng sát hại cả người Hồi giáo trong các vụ tấn công.
Người Hồi giáo chiếm phần lớn trong số nạn nhân của IS tại Iraq và Syria, một số nạn nhân thiệt mạng tại Paris cũng là tín đồ Hồi giáo.
Khác biệt
Gần 15 năm trước, al-Qaeda đã khiến cả thế giới chấn động, khi thực hiện các vụ tấn công táo tợn nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001. Nhóm này sau đó còn khiến Mỹ và đồng minh bẽ bàng với một loạt các cuộc tấn công và nổi dậy tại nhiều mặt trận khắp thế giới. Thế nhưng, những năm gần đây, al-Qaeda đã bị IS qua mặt bằng những cuộc chiếm đóng chớp nhoáng đất tại Syria và Iraq.
"Mọi sự chú ý đổ dồn về IS, Iraq, Syria và các mối đe dọa với phương Tây", Richard Barrett, cựu lãnh đạo các chiến dịch chống khủng bố toàn cầu của tình báo Anh MI6 nói. "Những kẻ tại Mali đã thấy một cơ hội tốt để nhắc mọi người nhớ rằng chúng vẫn là người trong cuộc", ông nói.
Với cả al-Qaeda và IS, sát hại dân thường là một chiến thuật và chiến lược, nhưng chúng lại bất đồng về mức độ đẫm máu. Trong các cuộc đối đầu với lực lượng Mỹ tại Iraq, kẻ cầm đầu al-Qaeda khi đó, Abu Musab al-Zarqawi, đã chỉ đạo một chiến dịch đánh bom tự sát đẫm máu, với mục tiêu là quân đội Mỹ và cả dân thường Iraq, bao gồm người Hồi giáo, nhất là người Shiite. Nhóm này xem người Shiite là những đối thủ cạnh tranh quyền lực tại Iraq, đồng thời cũng là những kẻ bội đạo đáng phải chết, theo một tư tưởng cực đoan được gọi là takfir.
Thủ lĩnh tối cao của al-Qaeda, Ayman al-Zawahri, thì lại kêu gọi các chi nhánh tránh giết người hàng loạt, với khẳng định việc này làm hoen ố phong trào và gây trở ngại cho hoạt động chiêu mộ chiến binh.
Tại Syria, nhóm Nusra Front, đã tìm cách bắt tay với những nhóm phiến quân khác đối địch với IS và bị nhóm này tìm cách triệt hạ. Nusra Front cũng không thực hiện các vụ tàn sát với quy mô hoặc tần suất thường xuyên như IS.
Sự khác biệt giữa hai nhóm không chỉ nằm ở mục tiêu cuối cùng mà nằm phần nhiều ở cách thức đạt được nó và theo trình tự nào. Al-Qaeda về cơ bản muốn hòa mình vào các phong trào địa phương, và giúp những kẻ đó tấn công những "kẻ thù phương xa" tại phương Tây. IS thì muốn lập ra và lãnh đạo một "nhà nước Hồi giáo", và giành lấy quyền lực từ tuyên bố về sự chính thống đó.
Tại Syria, khác biệt này khiến hai nhóm không thể hòa hợp. Nusra Front xem việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad là ưu tiên, và xem việc lập ra một "nhà nước Hồi giáo" vào lúc này là chưa chín muồi, gây xao lãng.
Dung nạp
Nhưng theo giới phân tích, ở một mức độ nào đó, có lẽ vì phải cạnh tranh, hai nhóm này đã dung nạp chiến thuật của nhau. Al-Qaeda giờ đang kiểm soát địa bàn tại một số khu vực ở Syria và Yemen, trong khi IS tiến hành tấn công Paris, nằm cách xa địa bàn của nhóm này.
Trong khi bị xem là những kẻ vô chính phủ và bạo lực thiếu suy nghĩ, các thành viên của hai nhóm, trong tư tưởng, đều có một loạt "lý do chính đáng" cho những vụ bạo lực chấn động nhằm vào dân thường. Họ tin rằng điều này sẽ giúp đạt được mục tiêu đề ra.
Theo giáo sư Peter Neumann, Đại học King’s College London, cách tiếp cận này được gọi là "tuyên truyền bằng chiến công" – một dạng đánh giá thành tích dựa vào bạo lực từng được sử dụng bởi những người theo chủ trương vô chính phủ thế kỷ 19.
Mục tiêu của IS và al-Qaeda, theo ông Neumann, là "kích động phản ứng thái quá, truyền cảm hứng và trả thù" - để khiêu khích bạo lực từ các chính phủ, qua đó cực đoan hóa thêm nhiều người và mở rộng địa bàn có thể tuyển mộ chiến binh.
Điều này có nghĩa là hiện thực hóa cách nhìn của chúng về một cuộc đụng độ với "những kẻ thập tự chinh", bằng cách khiêu khích phương Tây nổi giận, để các nhóm này có thể tuyên truyền rằng phương Tây đang gây chiến với người Hồi giáo.
Nhưng còn có những lí do thực tế hơn đằng sau các vụ tấn công. Đây là một dạng chiến tranh bất đối xứng, được sử dụng trước những đối thủ mạnh hơn. Nhất là với IS, đi đôi tham vọng kiểm soát lãnh thổ, những hành động này là một cách đảm bảo sự phục tùng của những người bị cai trị. Các vụ hành quyết công khai, bắn giết hoặc thậm chí đóng đinh nạn nhân lên cột là những cách để khủng bố tinh thần cư dân tại các khu vực nhóm này chiếm giữ.
Thay đổi lớn nhất ở IS là việc nhóm này thực hiện các vụ bạo lực ngày một tàn bạo và cố tình quay phim lại, để đe dọa kẻ thù và thu hút tân binh, với "những màn trình diễn" thu hút chú ý trên mạng xã hội. Chiến thuật này được phát triển từ chiến thuật trước đó của al-Qaeda, như vụ chặt đầu phóng viên Mỹ Daniel Pearl tại Pakistan và sau đó là những người khác tại Iraq. Nhưng IS quay phim theo phong cách Hollywood, sử dụng những thiết bị làm phim hiện đại để ghi lại cảnh hàng chục người Ai Cập bị hành quyết trên bãi biển lúc hoàng hôn.
Những kỹ thuật đó đã chứng tỏ hiệu quả trong việc chiêu mộ chiến binh, đặc biệt là thế hệ thanh niên thường dán mắt vào điện thoại. Đến nay, nhóm Nusra Front và cả các nhóm phiến quân khác đã bắt đầu học theo kiểu ghi hình này.
Các đoạn video thường được IS tung ra khi gặp thất bại trên chiến trường, như tại Iraq và Syria, khi liên minh quốc tế đang tăng cường các vụ tấn công nhằm vào nhóm này.
"Họ thường cảm thấy chiến thắng ở trong tầm tay, và giờ đây, với vụ tấn công tại Paris, những kẻ đó lại càng nhiệt huyết", ông Neumann bình luận về những người thân IS. "Chúng cảm thấy như thể chúng đang đứng về phía phe thắng cuộc".
Trong và sau vụ tấn công Mali, khi nhiều kẻ cực đoan còn mải cãi cọ với nhau trên mạng, thì một số cũng cố gắng hòa giải. "Tôi chỉ muốn chúng ta có thể lại một lần nữa là anh em", một kẻ viết trên Twitter.
Hoàng Nguyên