Ukraine đang đối mặt tình hình căng thẳng ở Donbass, nơi quân đội Nga đang tung lực lượng dự bị đã được huấn luyện bài bản vào các điểm nóng do lính đánh thuê Wagner chiếm giữ trong thời gian qua. Lực lượng bổ sung này tinh nhuệ và đông đảo hơn, giúp Nga tiến hành thêm nhiều đợt tấn công và dần giành được lợi thế.
Căng thẳng nhất là ở thành phố Bakhmut, nơi chỉ huy đơn vị Ukraine Denys Yarolavskyi cho biết lực lượng chính quy Nga đã được triển khai tới trong tuần. Trong lực lượng chi viện Nga có các đơn vị lính dù thiện chiến, giúp Nga đạt bước tiến ở nhiều khu vực xung quanh Bakhmut trong hai ngày 29-30/1.
Người phát ngôn chiến khu miền đông Ukraine Serhiy Cherevaty ngày 31/1 cho biết chỉ trong 24 giờ, lực lượng Nga đã tổ chức 42 trận đánh trong phạm vi 15 km xung quanh Bakhmut. Họ đang vây ép thành phố Ugledar, kiểm soát làng Mykilske ở ngoại ô và xuyên thủng phòng tuyến của Ukraine gần làng Ternova.
Xa hơn về phía bắc, quân đội Nga tăng cường các cuộc pháo kích tầm xa từ trong lãnh thổ nước này qua biên giới Ukraine. Cơ quan biên phòng Ukraine cho biết pháo 120 mm được bắn từ lãnh thổ Nga đã liên tục tấn công vùng Sumy và Chernihiv vào ngày 26/1.
Nga cũng tiếp tục các cuộc tấn công chớp nhoáng, khi phóng 55 tên lửa hành trình trên không và trên biển cùng 24 máy bay không người lái vào Ukraine ngày 26/1. Hệ thống phòng không Ukraine tuyên bố bắn hạ 47 tên lửa và toàn bộ 24 máy bay không người lái của Nga.
Ngày hôm sau, Nga sử dụng tên lửa S-300 tấn công mục tiêu mặt đất tại thị trấn Kostyantynivka ở tỉnh Donetsk, khiến 3 người thiệt mạng và 14 người bị thương.
Sau cuộc tấn công này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ vũ khí tầm xa cho Kiev. "Ukraine cần tên lửa tầm xa để loại bỏ khả năng đối phương đặt các bệ phóng tên lửa cách xa tiền tuyến và phá hủy các thành phố của chúng tôi", ông Zelensky nói.
Thực tế chiến trường cùng những lời kêu gọi cấp thiết của Ukraine được cho là động lực thúc đẩy Mỹ và các đồng minh phương Tây thay đổi quan điểm, chạy đua cung cấp các loại vũ khí uy lực hơn, có tầm bắn xa hơn cho Ukraine để đối phó với chiến dịch tấn công mới của Nga.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder ngày 3/2 thông báo trong gói viện trợ quân sự mới trị giá 2 tỷ USD Mỹ dành cho Ukraine có rocket tầm xa mang tên Bom đường kính nhỏ Phóng từ Mặt đất (GLSDB) có tầm bắn tới 150 km, gần gấp đôi so với Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS).
Đây là lần đầu tiên Mỹ cung cấp vũ khí có tầm bắn xa đến vậy cho Ukraine. "Điều này mang lại cho họ khả năng tập kích tầm xa hơn", ông Rider nói.
GLSDB là loại đạn kết hợp giữa rocket M26 và bom đường kính nhỏ GBU-39, có thể phóng từ bệ mặt đất như Tổ hợp Pháo phản lực Phóng loạt M270 (MRLS) và HIMARS.
Với tầm bắn 150 km, GLSDB có thể đánh trúng các vị trí của Nga nằm xa sau chiến tuyến tại vùng Donbass, tỉnh Zaporizhzhia và Kherson cũng như phía bắc bán đảo Crimea. Loại rocket này có thể khiến uy lực của pháo HIMARS càng được phát huy.
Điều này rất quan trọng bởi Nga đã rút kinh nghiệm từ các sai lầm trước đây và bố trí kho đạn cách tiền tuyến khoảng 80-120 km ở khu vực Rostov, ngoài tầm bắn của HIMARS, theo phó giám đốc tình báo quân sự Ukraine Vadym Skibitskyi.
"Điều quan trọng nhất với Nga hiện nay chính là những kho đạn và chúng phải bị phá hủy", Skibitskyi nói. Nếu không có những kho đạn này, ưu thế về hỏa lực pháo binh của Nga trên chiến trường gần như bị vô hiệu hóa.
Các vũ khí tầm xa cũng cho phép Ukraine làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Nga trước khi bắt đầu cuộc phản công mới, theo Skibitskyi.
Ngoài rocket GLSDB của Mỹ, các nước phương Tây cũng đang chạy đua cung cấp vũ khí tầm xa hơn, hiện đại hơn cho Ukraine. Phát ngôn viên lực lượng không quân Ukraine Yuriy Ignat cho biết Kiev sẽ được chuyển giao tên lửa đất đối không Aster 30 do Pháp và Italy sản xuất. Với tầm bắn 150 km, chúng có thể là vũ khí kết hợp hoàn hảo với rocket GLSDB.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 27/1 cho biết nước này sẽ viện trợ Ukraine 60 xe tăng hiện đại, trong đó có Leopard 2 do Đức sản xuất. Mỹ cũng đã cam kết cung cấp cho Ukraine 31 xe tăng Abrams, nâng tổng số xe tăng chiến đấu mà phương Tây viện trợ cho Ukraine lên 119. Ukraine cho biết họ cần ít nhất 300 xe tăng để giành lại tất cả các vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát.
Tổng thống Ukraine ngày 3/2 tuyên bố chiến dịch tấn công mùa xuân của Nga có thể đã bắt đầu và quy mô của nó sẽ được thể hiện rõ ràng hơn trong vài tuần tới. Thông báo này của ông Zelensky được coi là lời nhắc nhở phương Tây về tính cấp thiết của hoạt động chuyển giao khí tài.
Xe tăng Leopard 2 của Đức và Challenger 2 của Anh dự kiến được giao tới Ukraine vào cuối tháng 3, trong khi phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói xe tăng Abrams "cần vài tháng" để bàn giao.
John Psaropoulos, nhà phân tích của Al Jazeera, cho biết sự chậm trễ này khiến quân đội Ukraine không có đủ sức mạnh cần thiết để đối phó chiến dịch tấn công mới của Nga, làm dấy lên những lời chỉ trích gay gắt về sự thiếu quyết đoán của phương Tây.
Jack Watling, chuyên gia chiến tranh tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) ở London, cho biết việc Đức khăng khăng yêu cầu Mỹ cam kết chuyển xe tăng Abrams trước khi đồng ý gửi Leopard 2 đã lãng phí thời gian quý báu và gây khó khăn cho hệ thống phòng thủ của Ukraine.
"Thay vì được chuyển giao một loại xe tăng với số lượng lớn, Ukraine lại nhận được ba loại khác nhau của NATO, tất cả đều có số lượng hạn chế và mỗi loại có yêu cầu bảo trì phức tạp, riêng biệt. Điều này sẽ trì hoãn thời gian đưa xe tăng ra tiền tuyến và gây khó khăn cho chính Ukraine", Watling viết.
Theo Watling, chiến dịch tấn công ở vùng Donbass của Nga là một tính toán nhằm kéo Ukraine vào cuộc chiến tiêu hao khốc liệt, làm suy yếu khả năng Kiev thực hiện đòn phản công vào mùa xuân.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở tại Mỹ, cho biết năng lực phản công của Ukraine phụ thuộc rất lớn vào dòng chảy vũ khí phương Tây. Từ cuối năm ngoái, Ukraine đã khẩn thiết đề nghị các thành viên NATO chuyển giao xe tăng và rocket tầm xa, nhưng tất cả đều khước từ với lý do lo ngại nguy cơ xung đột leo thang.
Tuy nhiên, sự ngần ngại của họ không ngăn được giao tranh tiếp diễn với mức độ khốc liệt ngày càng lớn, khi Nga dần giành lại thế chủ động, chuyển từ phòng ngự trước chiến dịch phản công của Ukraine sang tấn công quy mô lớn.
Khi Nga liên tiếp chiếm được các thành phố, thị trấn gần Bakhmut, phương Tây dường như đã nhận ra tính cấp thiết của tình hình và dồn sức khắc phục sai lầm của mình. Bộ Chỉ huy Vận tải Mỹ cho biết 60 thiết giáp Bradley được cam kết tháng trước đã được chuyển tới Ukraine.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết Pháp và Australia đã hợp tác sản xuất đạn pháo 155 mm cho pháo binh nước này. Tập đoàn quốc phòng Đức Rheinmetall cũng chuẩn bị tăng cường sản xuất xe tăng và pháo binh để đáp ứng nhu cầu của Ukraine.
Mỹ quyết định tăng 6 lần sản lượng đạn pháo, mức chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Triều Tiên, để chuyển tới Ukraine và xây dựng kho dự trữ cho các cuộc xung đột trong tương lai. Theo NY Times, quân đội Mỹ đã mua 14.400 quả đạn pháo mỗi tháng trước khi tăng gấp ba vào tháng 9/2022 và tăng gấp đôi lên 90.000 quả vào tháng 1.
Giới phân tích cho rằng những động thái này của phương Tây có thể hỗ trợ Ukraine ngăn chặn đà tiến của lực lượng Nga vào mùa xuân, nhưng khó giúp họ mở những đợt phản công chớp nhoáng như hồi cuối năm ngoái.
"Nếu phương Tây bắt đầu chuyển xe tăng, thiết giáp, rocket tầm xa cho Ukraine từ đầu mùa hè 2022, Nga đã không bao giờ có cơ hội giành lại thế chủ động như họ đang làm", các chuyên gia của ISW nhận định.
Thanh Tâm (Theo Al Jazeera, WSJ)