Thứ bảy, 3/3/2018, 13:00 (GMT+7)

Cuộc đua 'Thiết kế trang phục đẹp nhất' Oscar 2018

Phim "Phantom Thread" lấy cảm hứng từ Balenciaga và Charles James hay phim về cô gái yêu thủy quái là ứng viên sáng giá.

"Beauty and the Beast" Nhà thiết kế Jacqueline Durran

Ngay khi bộ phim ra mắt tháng 2/2017 ở London, các chuyên gia của làng mốt nhận định Beauty and the Beast xứng đáng là một bộ phim cổ tích chuẩn mực về thời trang. Dưới bàn tay của "phù thủy trang phục" kỳ cựu Jacqueline Durran, phục trang phim tái hiện bối cảnh nông thôn nước Pháp thế kỷ 18. Bà sử dụng đến 900 m vải để may đồ cho các nhân vật trong suốt 18 tuần trước khi khởi quay.

Trailer phim 'Beauty and The Beast'
 
 

Tiêu điểm là bộ sưu tập váy áo đậm cá tính của nàng Belle (Emma Watson). Chúng vẫn lấy cảm hứng từ phim hoạt hình năm 1991, nhưng các chi tiết được nhà thiết kế thêm thắt tỉ mỉ hơn với nhiều hoa văn và phụ kiện hàng hiệu đi kèm. Chất liệu denim năng động và họa tiết caro dân dã được sử dụng khá nhiều cho Belle. Đặc biệt, Jacqueline quyết định phá cách khi loại bỏ toàn bộ corset - nội y thiết yếu của phụ nữ thời kỳ này, nhằm thể hiện tinh thần giải phóng cơ thể phụ nữ cũng như làm bật lên tính cách mạnh mẽ và sôi động của cô gái trẻ.

Sự hào nhoáng và rực rỡ cộp mác công chúa Disney là điểm nhấn quyết định mang lại vẻ đẹp mộng mơ đầy cuốn hút cho bộ phim. Chỉ bằng một điệu nhảy và một chiếc váy, khán giả cảm nhận được tình yêu thực sự đang nảy nở, một thứ hạnh phúc thoát ra bao trùm khung cảnh lãng mạn. Để thực hiện được điều đó, nhà thiết kế tập trung tạo nên một bộ đầm dạ hội vàng lộng lẫy nhất có thể. Jacqueline Durran lựa chọn lụa satin organza để tạo nên độ xuyên thấu, đính lên thân váy hơn 2.160 viên pha lê Swarovski theo họa tiết hoa nhí nhằm tạo hiệu ứng lấp lánh, đồng thời lựa chọn nhiều tông màu vàng sao cho vừa hợp với màu da của Emma Watson, vừa nổi bật trên ánh đèn vàng lung linh.

Tuy nhận được đánh giá cao về nhiều mặt nhưng xét về tầm vóc, phần thiết kế trang phục trong "Beauty and the Beast" vẫn còn kém độ sâu sắc và ý nghĩa so với các ứng viên còn lại. 

"Victoria and Abdul" - Nhà thiết kế Consolata Boyle

Bên cạnh những cung điện nguy nga, lộng lẫy và mang đậm dấu ấn văn hóa Anh thế kỷ 19, trang phục là yếu tố chính đem lại điểm cộng lớn cho bộ phim Victoria and Abdul. Nhà thiết kế Consolata Boyle - người từng hai lần nhận được đề cử Oscar - đã tạo ra hàng trăm bộ trang phục cầu kỳ lẫn thanh lịch, không chỉ tái hiện trọn vẹn phong cách văn hóa Anh đặc trưng mà còn phản ánh một cách tinh tế sự thay đổi về vị thế cũng như thế giới nội tâm của hai nhân vật chính qua từng mạch truyện.

Trailer Victoria and Abdul
 
 

Trang phục dành cho Nữ hoàng Anh (Judi Dench) tuổi xế chiều toát lên vẻ mềm mại và rộng rãi song luôn sử dụng chất liệu dày dặn, cao cấp, họa tiết được thêu tay cầu kỳ. Điều đó giúp diện mạo của người mặc dễ dàng toát lên vẻ sang trọng cần có của bậc quân vương. Trong phần đầu phim, nữ hoàng Victoria đắm chìm trong sự già cỗi và cô độc giữa không khí hoàng cung hào nhoáng mà lạnh lẽo. Điều đó được phản ánh rõ nét thông qua nhiều mẫu váy áo mang nhiều gam màu tối khác nhau. 

Click để lật ảnh
Click để lật ảnh

Màu sắc trang phục của nữ hoàng tươi sáng hơn ở nửa sau của phim.

Những biến chuyển lớn xảy ra khi người hầu cận Abdul Karim (Ali Fazal) dần trở thành tri kỉ của bà. Từ hình ảnh một phụ nữ lớn tuổi cô độc, cuộc sống của bà khởi sắc. Điều này được phản ánh rõ nét thông qua màu sắc tươi sáng trên những bộ trang phục ở nửa sau phim. Trong khi đó, trang phục nô bộc của anh chàng Abdul ban đầu thể hiện sự hòa trộn giữa phong cách Ấn Độ tươi trẻ, vui nhộn và nét Tây phương hiện đại. Càng thân thiết với nữ hoàng, phong cách của anh càng trở nên kiểu cách và thanh lịch hơn với họa tiết Anh đặc trưng.

Click để lật ảnh
Click để lật ảnh

Biến đổi trang phục của nhân vật Abdul.

Là một bộ phim có kết cấu đơn giản, nhẹ nhàng và duy mỹ, Victoria and Abdul được đánh giá tròn trịa. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là tác phẩm xuất sắc cả về nội dung lẫn hình thức. Vì thế, Consolata Boyle hẳn sẽ phần nào bị lép vế trong cuộc đua đến tượng vàng Oscar sắp tới.

"Phantom Thread" - Nhà thiết kế Mark Bridges

Phantom Thread là bộ phim nghệ thuật xoay quanh chủ đề thời trang. Nhân vật trung tâm là Reynolds Woodcock (Daniel Day-Lewis) - chủ nhân của đế chế thời trang xa xỉ Woodcock lẫy lừng nhất nước Anh. Lấy cảm hứng từ nhà thiết kế huyền thoại người Tây Ban Nha Cristobal Balenciaga và "ông trùm couture" Anh quốc một thời Charles James, tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá rất cao về phục trang.

Trailer Phantom Thread
 
 

Không chỉ được dõi theo cuộc tình cuồng nhiệt giữa Woodcock và cô hầu bàn Alma (Vicky Krieps), khán giả còn được chiêm ngưỡng thế giới thời trang cao cấp Haute Couture của thập niên 1950 qua bàn tay của nhà thiết kế Mark Bridges. Xuyên suốt mạch phim là những dáng đầm nổi tiếng đặc trưng của các huyền thoại thời trang như váy phồng bong bóng, đầm lưng cao, đầm thụng bao bố, áo cổ ngang… Đặc biệt, điểm nhấn nổi bật nhất là chiếc váy cưới màu tím pastel - "siêu phẩm" ở cuối phim.

Bên cạnh những sản phẩm thời trang cao cấp đầy tinh tế, khán giả được mục sở thị toàn bộ quá trình thiết kế chúng qua bàn tay người thợ may đo tỉ mỉ và chỉn chu. Mark Bridges dựa trên gu ăn mặc của chính tài tử Daniel Day-Lewis để tạo phong cách đặc trưng cho nhân vật Reynolds Woodcock. Đó là chiếc áo pyjama bằng bông cao cấp màu tím oải hương, áo khoác vải tweed hay một chiếc khăn choàng cổ in họa tiết hoa nhí… Tất cả tạo nên sự đồng điệu và thoải mái cho diễn viên trong quá trình khắc họa tính cách của nhân vật.

Với việc Viện Hàn lâm thường ưu ái những phim phản ánh thời trang của từng giai đoạn lịch sử, giới chuyên môn đánh giá rằng Phantom Thread đang là ứng cử viên sáng giá nhất cho tượng vàng Oscar "Thiết kế trang phục xuất sắc" sắp tới.

"The Shape of Water" - Nhà thiết kế Luis Sequeira

Dẫn đầu Oscar 2018 với tổng cộng 13 đề cử, The Shape of Water khiến không ít khán giả tò mò. Phim cũng là một trong năm ứng viên cho tượng vàng "Thiết kế trang phục xuất sắc". Tác phẩm có chủ đề tình cảm lãng mạn đặt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh thập niên 1950. Trong bối cảnh phòng thí nghiệm khô khan, ánh sáng nhập nhoạng, việc sáng tạo nên những trang phục phù hợp và giàu ý nghĩa là một thách thức không hề nhỏ đối với nhà thiết kế Luis Sequeira.

âu chuyện tình nhuốm màu buồn bã trong "The Shape of Water"
 
 

Trước khi bắt tay vào công việc, ông đã lặn lội khắp các cửa hàng đồ vintage ở Bắc Mỹ, từ Philadelphia, Los Angeles đến Montreal, Toronto để gom góp đủ bộ sưu tập chất liệu và màu sắc cho các tuyến nhân vật trong phim. Có thể nói, cả nhà thiết kế Luis Sequeira lẫn đạo diễn Guillermo Del Toro đều sở hữu cảm quan tinh tế về màu sắc. Họ cùng nhau ngồi lại, tỉ mỉ lựa chọn hơn 100 trong số 3.000 mẫu vải và 3.500 màu có sẵn để xây dựng được tính cách của nhân vật ngay từ vẻ ngoài.

Sự phát triển trong nội tâm mỗi nhân vật được phô bày vừa đủ ẩn dụ và tinh tế qua mỗi phân cảnh. Ở nửa đầu phim, hình ảnh đơn điệu nhưng không hề nhàm chán của cô lao công câm Elisa (Sally Hawkins) gây ấn tượng bởi hàng loạt gam màu của nước từ xanh lam, xanh nước biển đậm đến xanh lá pha xanh biển. Cô như một nàng công chúa ngủ trong lòng đại dương mênh mông với sắc xanh huyền bí. Khi một thực thể cô đơn như cô tìm được sự kết nối với người cá, Elisa bắt đầu diện tông màu tươi sáng hơn, với sự tham gia mang tính cao trào của đôi giày đỏ, băng đô và áo khoác thấm đẫm màu yêu. 

Click để lật ảnh
Click để lật ảnh

Michael Shannon trong vai Strickland.

Ngược lại, đặc vụ phản diện Strickland (Michael Shannon) ban đầu được đóng bộ suit đen và xám bóng bẩy với đường may gọn ghẽ thể hiện sự tàn nhẫn. Trang phục của Strickland chuyển thành chất vải thô ráp trắng ngà ở phần sau của phim, thể hiện sự bạc nhược.

The Shape of Water không sở hữu sự đẹp đẽ và lộng lẫy mà công chúng đang mong chờ cho giải trang phục ở Oscar. Nhưng với giới mộ điệu, khúc tình ca của những kẻ cô đơn này vẫn khiến mọi người phải trầm trồ cảm thán bởi chất nghệ thuật huyền ảo và đầy cảm xúc.

"Darkest Hour" - Nhà thiết kế  Jacqueline Durran

Một "đứa con" khác của nhà thiết kế Jacqueline Durran được xướng tên trong danh sách ứng viên năm nay là Darkest Hour. Trong một bộ phim đề tài chiến tranh, phục trang đóng vai trò điểm nhấn nhằm khắc họa một cách chân thực hình tượng nhân vật, đặc biệt là những nhân vật có thật trong lịch sử với trọn bộ tư liệu ảnh đầy đủ và sống động.

Trailer Darkest Hour
 
 

Với nhân vật thủ tướng Winston Churchill (Gary Oldman) - một người luôn dễ dàng được nhận ra bởi trang phục thượng hạng và phong cách rất riêng, khu St. James’s và Mayfair là địa điểm đầu tiên mà Jacqueline cần đặt chân đến. Với sự giúp đỡ của thợ may lâu năm nhà Savile Row - nơi từng may áo cho thủ tướng, những bộ vest rộng cũng được may đúng theo số đo trong tư liệu lịch sử, thậm chí còn sử dụng chính loại vải sọc Fox Brothers ngày trước. Tuy nhiên, bản thân nhà thiết kế vẫn lồng ghép sự sáng tạo của mình vào chiếc áo ngủ của chính trị gia: một bộ satin hồng nổi bật với biểu tượng con rồng thể hiện quyền lực tối cao.

Để tạo nên nhân vật vua George VI (Ben Mendelsohn) của riêng Darkest Hour khác với hình tượng trước đó trong The King’s Speech, Jacqueline đã chọn trang phục tông màu xanh biển và xanh hải quân nhằm gợi lên lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm. Hình ảnh cô thư ký Elizabeth Layton (Lily James) cũng toát lên vẻ đẹp sang trọng và tinh tế trong những bộ đầm cổ điển. Không chỉ vậy, đối với tất cả thành viên khác của Nghị viện, nhà thiết kế cũng dành không ít tâm sức để họ có những bộ trang phục lột tả nét tính cách giống nhân vật thực ngoài đời.

Có thể thấy, Jacqueline Durran đã thành công trong việc dùng phục trang khắc họa sự giao thoa đồng điệu giữa phong cách hoàng gia cổ điển cùng phong cách bụi bặm của nước Anh trong Thế chiến hai vào thập niên 1940. Bản thân diễn viên Gary Oldman thừa nhận trang phục là một trong những yếu tố giúp ông có được màn nhập vai xuất thần nhất từ trước đến nay.

Lễ trao giải Oscar lần thứ 90 sẽ diễn ra ngày 4/3 (sáng 5/3 giờ Hà Nội) tại nhà hát Dolby (Los Angeles, Mỹ). Danh hài Jimmy Kimmel là người dẫn chương trình.