Phantom Thread được giới chuyên môn khen ngợi và nhận sáu đề cử ở Oscar năm nay. Dự án đánh dấu cuộc tái hợp của đạo diễn Paul Thomas Anderson và diễn viên Daniel Day-Lewis sau There Will Be Blood (2007) - tác phẩm giành hai giải Oscar, trong đó có giải nam chính cho tài tử Anh.
Ở nước Anh thập niên 1950, Reynolds (Daniel Day-Lewis đóng) là một nhà thiết kế danh tiếng, chỉ may đồ cho tầng lớp quý tộc và thượng lưu. Cùng chị gái Cyril (Lesley Manville đóng), Reynolds xây dựng cửa hiệu Woodcock thành một thương hiệu thời trang đỉnh cao. Nhiều người ao ước được diện những bộ váy áo từ nơi đây, thậm chí có một cô gái nguyện được chôn cùng những lớp vải của người đàn ông tài hoa này.
* Trailer "Phantom Thread"
Đằng sau ánh hào quang là một người đàn ông khắt khe đến mức khó chịu. Bị ám ảnh bởi người mẹ quá cố, Reynolds thích cất giữ những bí mật riêng bằng cách dùng mũi chỉ khâu chúng vào bên trong quần áo. Quá trình làm việc của ông có tính chu kì: tìm được cảm hứng, làm việc say đắm, rơi vào trạng thái trống rỗng, rồi lặp lại.
Trong một lần đi ăn, Reynolds bắt gặp Alma (Vicky Krieps đóng) - một nữ bồi bàn tinh khôi và nhiệt thành. Dù có các số đo chuẩn mực cho công việc làm mẫu thiết kế, Alma luôn tự ti về cơ thể. Cô nhanh chóng lọt vào mắt xanh và trở thành "nàng thơ" rồi người yêu của Reynolds. Tuy nhiên, mối quan hệ của họ nhanh chóng gặp trắc trở bởi sự độc đoán của ông. Trên nền câu chuyện ít nhân vật, đạo diễn Paul Thomas Anderson đào sâu tâm lý con người, làm bật lên những suy tư về tình yêu, bản ngã, cũng như cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ.
Reynolds duy trì các hoạt động mỗi ngày theo chuẩn mực gần như tuyệt đối. Ông không chịu nổi khi có ai đó trái ý hoặc thay đổi một điều gì đó. Ở một cảnh diễn xuất thần của Daniel Day-Lewis, Reynolds chuyển đổi từ trạng thái tỉnh táo sang suy sụp khi Alma làm xáo động lịch trình của cô. Nhà thiết kế vốn không phải người có tâm địa xấu hay chủ tâm gây khó chịu cho người khác, nhưng tâm trí ông đã đồng hóa sự chính xác trong nghề may với đời tư theo cách không thể tách rời.
Trong khi đó, Alma là nhân vật trải qua biến chuyển ngoạn mục nhất phim. Ban đầu, cô là nàng bồi bàn non nớt, đi từ cảm xúc mừng rỡ khi được Reynolds yêu thích đến bị sốc trước cách ông cư xử. Tuy nhiên, Alma không chịu đựng thụ động mà bắt đầu có những phản kháng tinh vi để giành lại quyền tự chủ. Sự đối kháng, giành giật trong mối quan hệ giữa Reynolds và Alma trở thành điểm cuốn hút người xem. Khán giả hồi hộp không biết họ sẽ nói và làm gì, cũng như ai sẽ chiếm thế thượng phong ở mỗi tình huống.
Ngoài tình yêu, giữa Alma và Reynolds còn có mối quan hệ về nghệ thuật. Đường dây mơ hồ này - giống như tên phim, "Sợi chỉ ma" - gắn kết họ theo phương thức kỳ lạ, vượt xa lẽ thường. Trừ một cảnh mang tính gợi ý, tác phẩm không có cuộc làm tình nào mà tràn ngập các trích đoạn thiết kế trang phục, nơi khán giả cảm nhận sự gần gũi về tâm hồn của họ. Hai người có thể hờn ghen và cãi nhau nảy lửa, nhưng sự ân cần của Alma khi Reynolds rơi vào trạng thái trống rỗng, mệt mỏi giúp anh trở lại mạnh mẽ hơn.
Phía sau những chuyện tình và công việc của Reynolds là người chị gái Cyril được ông tin tưởng tuyệt đối. Ở bà có sự lạnh lùng và quyết đoán theo hình mẫu những quý bà doanh nhân cổ điển. Nhân vật này đóng vai trò điều tiết quan hệ giữa Cyril và Alma, có lúc kiềm chế hai người, có lúc lại làm ngơ một số chuyện bởi biết Reynolds cần Alma như nguồn cảm hứng.
Dưới mái nhà của gia đình Woodcock, giữa sự ra đời của những bộ váy đẹp tuyệt trần, vòng xoay quan hệ giữa ba nhân vật chưa bao giờ yên ả. Khác với những tác phẩm thuần về tâm lý, Phantom Thread có các diễn biến mang tính đột phá về hành động. Các diễn biến này được cân bằng với lời thoại, diễn xuất tạo nên một câu chuyện lôi cuốn và để lại nhiều suy tư cho người xem. Ở hồi ba, quyết định của các nhân vật có thể khó hiểu theo logic thông thường, nhưng hợp lý trong thế giới mà Paul Thomas Anderson đã vẽ ra trước đó.
Phantom Thread nhận nhiều sự chú ý sau khi Daniel Day-Lewis tuyên bố đây là tác phẩm cuối cùng của ông. Sinh năm 1957, tài tử Anh là người đoạt giải Oscar nam chính nhiều nhất lịch sử (ba lần). Theo đuổi phong cách method-acting (nghĩ mình là nhân vật, cả khi không diễn), Daniel luôn dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ mỗi khi nhận vai. Trên tạp chí Playlist, đạo diễn Anderson chia sẻ rằng kịch bản của Phantom Thread là một sự cộng tác giữa anh và Day-Lewis. Họ cùng tìm hiểu về giới thiết kế, từ các nghệ sĩ lừng danh như Charles James, Christian Dior rồi đến những người ít tên tuổi hơn ở London như Digby Morton và Michael Donéllan.
Theo Telegraph, để học may chuẩn xác, Daniel tìm đến Marc Happel - giám đốc phục trang của Nhà hát kịch New York (Mỹ). Trong phim, ngoài các lớp diễn tâm lý, tài tử không ngần ngại thể hiện hàng loạt cảnh may quần áo. Bên cạnh đó, ông gặp gỡ và kết bạn với Lesley Manville sáu tháng trước khi bộ phim bắt đầu ghi hình để tạo dựng sự kết nối trên màn ảnh.
Trong khi tài tử Anh đã quá quen thuộc với giới phê bình, Vicky Krieps mới là phát hiện lớn của Phantom Thread. Nếu nữ diễn viên Luxembourg để bạn diễn nam lấn át, tính đối kháng trong phim sẽ gãy đổ. Tuy nhiên, người đẹp sinh năm 1983 đã đứng vững trước áp lực, thể hiện được cả mặt cứng cỏi và dịu dàng của nhân vật. Ở cảnh cuối phim, mỗi cử chỉ, ánh mắt của Daniel Day-Lewis và Vicky Krieps đều gợi lên một cuộc chiến cân não với kết quả khó lường. Một trích đoạn gây ấn tượng khác của Vicky Krieps là khi hai nhân vật lần đầu gặp nhau. Trên Guardian, nữ diễn viên chia sẻ chủ động không gặp Daniel Day-Lewis trước khi quay cảnh này, để lúc diễn có vẻ bỡ ngỡ tự nhiên trên mặt: "Tôi nhìn vào cây cỏ suốt một ngày để tránh ông ấy", cô nói.
Phantom Thread còn gây ấn tượng bởi thiết kế phục trang. Khâu này được Mark Bridges - một cộng sự thường xuyên của đạo diễn Anderson, người từng giành giải Oscar với The Artist - phụ trách. Trên trang We Are Movie Geeks, ông nói mình khởi đầu công việc bằng cách tham khảo những bộ sưu tập cổ điển của Vogue và Harper's Bazaar, sau đó đến các bảo tàng để nghiên cứu cách ăn vận thập niên 1950.
Sau cùng, ông ngồi lại với Anderson và Day-Lewis để đặt triết lý vào những thiết kế "giàu sắc màu và chiều sâu, có nhiều ren và họa tiết tương đồng với chất liệu nhung và satin", như chia sẻ trên Hollywood Reporter. Nhiều cây bút dự đoán Mark Bridges sẽ giành giải "Thiết kế trang phục xuất sắc" ở lễ trao giải Oscar sắp tới.
Minh Dương