Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Narendra Modi tại Nhà Trắng hôm 13/2, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ "đang làm việc để có thể cung cấp tiêm kích tàng hình F-35" cho Ấn Độ, dù không đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri sau đó cho biết New Delhi chưa khởi động quy trình đánh giá đề xuất với dòng F-35. Các hợp đồng bán vũ khí Mỹ cho nước ngoài, đặc biệt là liên quan công nghệ tiên tiến như chiến đấu cơ F-35, thường mất nhiều năm để đàm phán và tiến hành.
Tuy nhiên, đây là lần đầu lãnh đạo Mỹ công bố ý định bán tiêm kích tàng hình F-35 cho Ấn Độ, cho thấy nỗ lực mở rộng nhóm khách hàng và tăng tính cạnh tranh ở một trong những thị trường truyền thống của các doanh nghiệp quốc phòng Nga.
![Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 13/2. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/14/My-1739502143-2770-1739502973.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8Lur3s6UAmLL9hM3_4a1nA)
Thủ tướng Narendra Modi (trái) và Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 13/2. Ảnh: Reuters
Đề nghị được ông Trump đưa ra sau khi tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport tuần trước đề xuất thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ấn Độ xoay quanh tiêm kích tàng hình Su-57.
"Thỏa thuận này có thể gồm cung cấp máy bay hoàn chỉnh, hợp tác sản xuất chung tại Ấn Độ và hỗ trợ nước này phát triển tiêm kích thế hệ 5", tổng giám đốc Rosoboronexport Alexander Mikheev phát biểu bên lề triển lãm hàng không Aero India 2025.
Su-57E là phiên bản xuất khẩu của tiêm kích Su-57, được cho là sở hữu một số điểm khác biệt với phi cơ nội địa Nga, trong đó có hệ thống nhận diện địch - ta. Nhà sản xuất cũng có thể chỉnh sửa phần mềm điều khiển để hiển thị thông số chuẩn phương Tây, dán nhãn tiếng Anh cho các bộ phận trong buồng lái và bổ sung khả năng sử dụng vũ khí không phải của Nga theo yêu cầu khách hàng.
Reuters hôm 11/2 dẫn lời nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng và một quan chức Ấn Độ nhắc lại thông tin trên, cho biết Nga đã nêu khả năng sản xuất tiêm kích Su-57 tại Ấn Độ để cung cấp cho không quân quốc gia Nam Á. Đề nghị được đưa ra trong cuộc gặp giữa các quan chức Nga, Ấn Độ và Công ty Khoa học hàng không Hindustan (HAL).
Người phát ngôn Rosoboronexport nói dây chuyền sản xuất tiêm kích Su-57 tại Ấn Độ có thể vận hành sớm nhất là trong năm nay, nếu New Delhi chấp nhận thỏa thuận. Người này nhấn mạnh Nga sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ khi chế tạo Su-57 tại Ấn Độ, đảm bảo hoạt động sản xuất và bảo dưỡng không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva.
Giới chức Ấn Độ chưa bình luận về thông tin này.
![Tiêm kích Su-57 Nga bay trình diễn tại ngày khai mạc Aero India 2025 hôm 10/2. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/14/Anh-10-1739502258-5590-1739502973.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eOYvSAzx_RyMybGWMwqhGg)
Tiêm kích Su-57 Nga bay trình diễn tại ngày khai mạc Aero India 2025 hôm 10/2. Ảnh: AFP
Điểm nhấn tại Aero India 2025 là sự xuất hiện cùng lúc của tiêm kích Su-57 Nga và F-35A Mỹ, đánh dấu lần đầu hai chiến đấu cơ tàng hình chạm mặt nhau ngoài đời. Truyền thông Ấn Độ nhận định đây là động thái nhằm cạnh tranh, giành hợp đồng với khách hàng tiềm năng.
Các chuyên gia quân sự Ấn Độ nhận định thương vụ mua tiêm kích F-35 sẽ không kèm điều khoản chuyển giao công nghệ hoặc sản xuất chung, điều không phù hợp với chiến lược tự lực về quốc phòng của Ấn Độ. Theo đuổi thương vụ này còn có khả năng buộc New Delhi đánh đổi chính sách tự chủ chiến lược lâu nay.
Dù vậy, một số chuyên gia Ấn Độ nhận định tiêm kích F-35 sở hữu năng lực tàng hình và tiến công tốt hơn Su-57, mang đến những lợi thế nhất định cho New Delhi. Căng thẳng với Trung Quốc và Pakistan có thể thúc đẩy Ấn Độ tìm mua tiêm kích tàng hình có thể xuyên thủng lưới phòng không và tấn công phủ đầu để phá hủy hạ tầng quân sự quan trọng của đối phương.
"Chiến đấu cơ Su-57 mạnh về phòng thủ hơn là tấn công, được tối ưu hóa cho nhiệm vụ phòng không và tập kích từ trong không phận nước chủ nhà", Vijainder Thakur, nhà phân tích quân sự và cựu thiếu tá không quân Ấn Độ, nêu quan điểm.
Ấn Độ là một trong những khách hàng lớn và lâu đời nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô là bên cung cấp vũ khí chủ yếu cho Ấn Độ, với khoảng 70% khí tài của không quân và 80% khí tài của hải quân Ấn Độ do Nga hoặc Liên Xô chế tạo.
![Tiêm kích Su-57 (trái) và tiêm kích F-35 tại Aero India 2025 hôm 11/2. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/14/Anh-3-1739502478-2838-1739502973.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wOp8RYwMc5FJ0S84TsRd_A)
Tiêm kích Su-57 (trái) và tiêm kích F-35 tại Aero India 2025 hôm 11/2. Ảnh: AFP
Tiêm kích chủ lực của Ấn Độ hiện nay là dòng Su-30MKI do Nga phát triển, với tổng cộng 272 chiếc được đặt hàng và bàn giao. Tập đoàn Sukhoi của Nga sản xuất những chiếc đầu tiên cho không quân Ấn Độ, đồng thời chuyển giao công nghệ và thiết bị để HAL tự chế tạo trong nước. Bên cạnh đó là khoảng 60 chiến đấu cơ hạng nhẹ MiG-29 cũng do Nga chế tạo.
Tuy nhiên, Ấn Độ những năm gần đây đã mở rộng nguồn cung khí tài quân sự từ phương Tây. Tập đoàn Dassault của Pháp hồi năm 2012 được lựa chọn để cung cấp 126 tiêm kích Rafale cho Ấn Độ. Tuy nhiên, quá trình thương lượng bị kéo dài nhiều năm do New Delhi muốn Dassault chuyển giao dây chuyền và công nghệ để tự sản xuất 90 máy bay trong nước.
Hợp đồng hoàn chỉnh có trị giá 8,7 tỷ USD được ký cuối năm 2016, trong đó Ấn Độ nhận tổng cộng 36 máy bay do Pháp sản xuất và không được tiếp nhận công nghệ để sản xuất nội địa.
Phạm Giang (Theo Reuters, Eurasian Times)