Tôi sinh ra trong gia đình mẹ góa con côi, cha bỏ đi khi mẹ đang mang thai tôi. Mẹ nói cha đi tìm thầy thuốc trị bệnh nhưng đi luôn không về. Mẹ cũng mồ côi ông bà ngoại từ bé, lúc đó đành sống nương tựa nhà bà cố. Sau khi mẹ sinh tôi ra bị biến chứng phải nằm liệt giường. Có một người đàn ông đến giúp mẹ mấy thang thuốc, sau hai năm lúc mẹ đi lại được và có bầu em út tôi. Lúc này mẹ lại bươn chải, đi làm nuôi cả nhà, ông ấy lúc đi lúc về, có ở nhà ăn nằm mấy bữa thì mẹ tôi nuôi cơm. Tuổi thơ của tôi là những chuỗi ngày đói kém, im lặng, nhẫn nhục chịu đựng.
Từ cấp một, tôi đã thành thạo chuyện nấu ăn, giặt đồ, rửa chén, nuôi gà, nuôi heo, chăm em. Hàng ngày học một buổi, còn một buổi anh em tôi dắt díu theo mẹ đi hái trái cây quanh xóm rồi ra ngồi bán ở chợ. Mẹ tôi còn dẫn anh trai đi theo các chuyến xe đi tỉnh khác lấy thêm đồ về bán. Tôi ở nhà chăm em trai và bà cố nằm liệt giường. Một buổi còn lại tôi vẫn tự giác đi học, không bỏ buổi nào. Thời đó xung quanh hàng xóm nhà đã có tivi, nhà tôi vẫn đói ăn, việc tôi đi học đói bụng bị xỉu giữa giờ học diễn ra nhiều lần trong tuần là chuyện thường. Lên cấp hai, tôi tự đi làm thêm ở các xưởng gỗ, đi giữ con cho người ta, phụ rửa chén bát bưng bê, nói chung cứ có tiền là tôi xin mẹ đi làm để đóng học phí.
Quần áo ba anh em tôi mặc 18 năm đầu đời hầu như là mẹ đi xin về, tôi chưa từng có một chiếc mũ đội đầu khi ấy, cũng chẳng có bạn bè mấy, ngoại trừ các bạn tìm tới vì lợi ích, nhờ chép bài hoặc mượn tập vở. Tôi hay chậm trễ tiền đóng học phí, các khoản tiền sinh hoạt, tiền dã ngoại của trường nên bị thầy cô gọi tên trước mặt mọi người, cảm giác tất cả ánh mắt đổ dồn vào mình vô cùng xấu hổ. Các bạn nhà khá giả thường trêu chọc, mỉa mai, xa lánh tôi, tôi chỉ im lặng, nhẫn nhịn. Anh trai và em trai tôi ngày bé cũng chịu chung nỗi xấu hổ như vậy. Tôi không thể chia sẻ chuyện trường lớp với mẹ vì thấy mẹ quá khổ, hay ốm đau. Năm tôi học cấp hai, mẹ suýt qua đời vì bạo bệnh. Sau đó đến lượt tôi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, may mà cứu kịp.
Nhà tôi không may mắn khi có hàng xóm rất xấu tính, họ chế giễu mẹ tôi không chồng mà đẻ nhiều con, họ mắng chửi mấy anh em tôi là đồ con hoang, xấu xí, xui xẻo, cấm không cho chúng tôi đến gần nhà họ. Trong trí nhớ của tôi, có những lần mẹ bị họ hàng ở xa về đánh vì nghi ngờ mẹ muốn cướp đất, họ chỉ cho ở nhờ chứ không muốn chứa chấp mẹ con tôi, lý do mẹ tôi là cháu gái, mồ côi, chửa hoang. Nếu nhớ về 18 năm đầu đời ấy, cuộc sống của mấy mẹ con tôi chỉ toàn sự đói kém, ốm đau, nhục nhã, chịu đựng, uất ức, tủi thân. Tôi từng có ý định quyên sinh, ý nghĩ nhảy xuống giếng hay cầm dao cứa cổ tay từng xuất hiện rất nhiều lần, tôi muốn bỏ cuộc sống khốn khổ này.
Lên đại học, tưởng mọi chuyện sẽ khá hơn nhưng cuộc đời mấy mẹ con chúng tôi vẫn rất khổ sở. Anh trai tôi đi làm từ sớm, chống đỡ với gánh nặng gia đình và xã hội không nổi nên bị trầm cảm nặng, sinh ra loạn thần, nghe thấy âm thanh trong đầu thường chạy ra ngồi giữa đường la hét, mất ý thức về hiện thực cuộc sống. Mẹ phải vay mượn tiền đưa anh đi bệnh viện tâm thần. Lúc ấy em trai tôi cũng nhập viện vì bệnh cấp tính khác. Mẹ chạy hai viện để lo cho anh trai và em trai tôi. Tôi một mình lên xe nhập học đại học, vừa học vừa làm, tự bươn chải ở mảnh đất xa lạ, có cô đơn nhớ nhà cũng không đủ tiền xe về, không dám tâm sự với mẹ vì thấy mẹ đang quá căng thẳng rồi.
Tôi chẳng nhớ bằng sức lức nào mà mấy mẹ con dìu nhau đi qua những năm tháng ấy, cứ như chúng tôi buộc phải tồn tại chứ không hề thấy ý nghĩa để sống. Hai chữ "yêu đời" lúc ấy chưa bao giờ xuất hiện trong tôi.
Đó là khoảng thời gian tăm tối khi tôi tự vượt qua các lần trầm cảm mà không có sự giúp đỡ hỗ trợ. Lúc tỉnh táo, tôi biết nếu mình chết đi là bất hiếu vì chưa báo đáp được cho mẹ. Nhưng khi cơn bệnh trầm cảm ập đến, điều tôi muốn duy nhất là giải thoát. Đến giai đoạn sau khi ra trường, tôi làm việc điên cuồng, quên ăn quên ngủ, đến độ nhập viện và nghe tin bác sĩ báo tôi vào giai đoạn tiền bệnh hiểm nghèo. Mọi thứ lúc ấy lại gần như đánh gục tôi. Cũng may nhờ các bạn cũ ở đại học gom tiền giúp đỡ thuốc men, tôi lại phải tiếp tục sống và cày tiền.
Trong cuộc đời tôi còn có một vết sẹo buồn, thời gian học cấp một, những ngày mẹ vắng nhà đi lấy hàng, người đàn ông đó nhiều lần tìm về hãm hiếp và đe dọa tôi. Tôi cũng chỉ biết im lặng chịu đựng, xấu hổ không dám nói với mẹ. Sau đó hàng xóm xì xào đến tai, mẹ đợi ông ta về chất vấn và nói sẽ báo công an thì ông ta chối bỏ và trốn luôn không quay lại. Đến giờ, sau bao nhiêu năm, hai mẹ con tôi vẫn chưa một lần nhắc lại chuyện xưa. Tôi nghĩ mẹ đã rất đau lòng.
Còn tôi, chuyện này cũng là một trong những lý do khiến đời mình tệ hại hơn trong chuyện tình cảm sau này. Khi tôi ở trong mối quan hệ tìm hiểu với người bạn trai nào cũng tự xem mình ở vế dưới, tự thấy xấu hổ và mặc cảm, chỉ biết hy sinh vô điều kiện cho đàn ông. Họ lợi dụng tiền bạc của tôi, có người biến mất, có người phản bội niềm tin của tôi. Trong những lúc đau khổ vì chuyện tình cảm, áp lực công việc, chuyện gia đình ập đến, tôi từng chọn uống thuốc ngủ quyên sinh, may mà được cấp cứu kịp thời.
Có vài lần tôi được người lạ hay bạn bè giúp đỡ, họ giúp tôi một thì tôi nguyện báo đáp bằng 10. Hơn ai hết, tôi rất hiểu và thương những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Quãng thời gian sau, tôi đã tự mày mò nhiều cách để cứu lấy mình, nếu không chết được thì phải sống. Tôi tập trung vào kiếm tiền, đi khắp đất nước làm từ thiện, giúp đỡ nhiều người, đặc biệt là trẻ em. Tôi bắt đầu có những niềm vui mới, lần đầu trải nghiệm hạnh phúc tự thân mình có được. Tôi cũng không mặn mà chuyện tình cảm nam nữ hay lập gia đình, giờ chỉ muốn tập trung chăm sóc và trả hiếu cho mẹ, hỗ trợ đền đáp lại tình cảm anh em. Tôi sống một mình vẫn ổn, lên kế hoạch dự trù cho cuộc đời mình.
Thành thật mà nói, tôi biết người từng bị trầm cảm có dấu hiệu thế nào, biết cách cố gắng để chữa trị ra sao, thế nhưng không đủ dũng cảm để yêu đàn ông, đó là biến số quá dễ thay đổi. Tôi cũng không muốn mình lệ thuộc hay ràng buộc ai. Chuyện sinh đẻ với người khác có thể là ước mơ tươi đẹp, còn với tôi là gánh nặng rất lớn, đến giờ tôi vẫn phải tự tìm hiểu kiến thức để chăm sóc cho tinh thần của mình thì sao nuôi dạy thêm một con người, một nhân cách mới. Dù có những người xung quanh hỗ trợ, tôi dự tính được mình sẽ có thể hành xử tệ vì lo lắng chuyện con cái đến thế nào, nếu người bạn đời của tôi không có kiến thức thì tôi vô tình sẽ làm họ khổ sở theo. Tôi không muốn liên luỵ đến ai. Vậy nên ở thời điểm này, tôi hầu như nghiêng hoàn toàn về cuộc sống độc thân.
Điều tôi ước là khoa học y tế tiến bộ hơn, xã hội văn minh hơn, để mọi người có kiến thức về căn bệnh tinh thần này mà cùng nhau giúp đỡ, vượt qua. Tôi biết thế giới ngoài kia không phải màu hồng, biết bao người đang phải chống chọi với cuộc sống, khó khăn và thiếu thốn đến mức người ta chẳng có cơ hội tiếp xúc kiến thức để biết rằng họ có bệnh. Tôi hiểu, nhiều người trong đời sẽ có lúc mệt mỏi muốn buông bỏ tất cả.
Bệnh trầm cảm vẫn âm thầm diễn ra, có thể nó sẽ xảy ra trong chính cuộc đời bạn hoặc với người thân bạn bất kỳ lúc nào. Việc ăn uống thiếu dinh dưỡng, sinh hoạt sai lệch, môi trường làm việc quá căng thẳng, áp lực gia đình, bị vướng vào các chất gây nghiện thần kinh... là một trong các nguyên nhân sinh ra bệnh trầm cảm. Bệnh diễn ra từ từ và có nhiều mức độ tổn thương khác nhau, không thể hiện ra bên ngoài nhiều như bệnh ngoại khoa. Nếu một ngày bạn thấy mất đi ý nghĩa cuộc sống, suy nghĩ nhiều về cái chết, có ý định quyên sinh, hãy mạnh dạn tìm đến các bệnh viện hoặc các tổ chức nhân ái để được hỗ trợ. Quá trình phục hồi cũng khá lâu, tốt nhất phòng bệnh hơn chữa bệnh. Xin chúc mọi người sức khỏe cả về thể chất và tinh thần.
Dung
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc