Aliosa. Ảnh: Tiền Phong. |
Số phận ông là sự thể hiện và cũng là hệ quả của mối quan hệ Trung-Xô, Trung-Nga trong hai thế kỷ vừa qua.
Người đàn ông quốc tịch Nga có những nét giống ông nội này cho biết chính phủ Trung Quốc đã cấp cho ông giấy xác nhận "người nước ngoài được cư trú lâu dài", rằng “do công việc và các mối quan hệ với người thân, tôi muốn hàng năm một nửa thời gian sống ở thành phố Quảng Châu xinh đẹp, một nửa thời gian sống ở Nga”.
Aliosa là con trai của Lưu Doãn Vũ, trưởng nam của Lưu Thiếu Kỳ với bà Hà Bảo Trinh. Lưu Doãn Vũ sinh năm 1925 và từ Diên An sang Nga học tập năm 1939.
Thông minh, sáng dạ lại chịu khó chịu khổ nên Doãn Vũ học rất giỏi. Tốt nghiệp trung học loại ưu tú, Doãn Vũ được chọn vào học Học viện Gang thép Matxcơva.
Vợ chồng Aliosa. |
Sau này khi về nước, Lưu Doãn Vũ đã tham gia vào việc nghiên cứu chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc. Trong trường đại học của Liên Xô, Lưu Doãn Vũ không chỉ nhận được kiến thức mà còn được cả tình yêu. Năm 1950, anh kết hôn với cô bạn học người Nga cùng lớp tên là Masa Phedotova.
Theo hồi ký của bà Vương Quang Mỹ, vợ của Lưu Thiếu Kỳ, thì năm 1951, vợ chồng Lưu Doãn Vũ – Masa đã về Trung Quốc nghỉ hè 2 tháng. Đến tháng 5/1952, Masa sinh cô con gái đầu Sonia có tên Trung Quốc là Tô Tô, 2 năm sau đến lượt Aliosa (Liêu Liêu) ra đời.
Năm 1957, mang nặng lòng trung hiếu với tổ quốc, Lưu Doãn Vũ đã để vợ con ở lại Nga, một mình về nước và được điều về công tác tại Bộ Cơ khí 2, tức Bộ Công nghiệp hạt nhân sau này.
Ông được giao tham gia nghiên cứu chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên tại nhà máy ở Bao Đầu. Ông đã nỗ lực động viên Masa mang con về Trung Quốc cùng. Nhưng do vấn đề ngôn ngữ và bối cảnh chính trị lúc đó nên Masa không thể nào thích nghi được với điều kiện sống ở Trung Quốc.
Lần cuối cùng Masa tới Trung Quốc là vào năm 1958, bà chỉ ở trong nhà Lưu Thiếu Kỳ 10 ngày, cuối cùng vợ chồng họ đành chia ly đôi ngả. Ấn tượng của Aliosa về cha rất mờ nhạt.
Lưu Thiếu Kỳ và Aliosa. |
Đến giờ ông vẫn rất trân trọng cất giữ tấm hình chụp ông nội đang hôn mình. Ông kể lại: “Ông nội cho tôi quà, lại còn cho tôi ngồi lên ô tô”. Do quan hệ Trung – Xô ngày một xấu đi, Lưu Doãn Vũ bị ép buộc phải ly hôn với Masa, ba mẹ con Aliosa phải tự mình lo liệu cuộc sống, cuối cùng họ đã mất liên lạc với Lưu Doãn Vũ.
Tháng 11/ 1967, do không chịu nổi sự bức hại của “Bè lũ 4 tên” trong Cách mạng Văn hoá, vào một đêm, Lưu Doãn Vũ đã nằm lên đường sắt Bao Đầu để đoàn tàu chạy qua, tự chấm dứt cuộc đời ở tuổi 42.
Mãi 20 năm sau, mẹ con Aliosa mới hay biết cái tin bất hạnh ấy. Năm 1987, Lưu Ái Cầm, em gái Lưu Doãn Vũ phải vất vả lắm mới dò hỏi được tin tức của chị dâu và các cháu qua những người bạn học Nga khi xưa nay sang Trung Quốc thăm người thân. Thế là những người thân thích thất tán tin tức mấy chục năm nay lại nối được liên hệ.
“Ký ức của tôi về cha không rõ lắm. Khi đó tôi còn quá nhỏ. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không tin là cha tôi đã tự sát… Nhưng chúng tôi luôn nhớ về cha. Ký ức của chị tôi về cha nhiều hơn, chị ấy còn làm bài thơ “Hoài niệm về cha” rất xúc động”, Aliosa kể.
Khác với vận mệnh khắc nghiệt của ông và cha, cuộc đời Aliosa khá phẳng lặng, chả gặp phải sóng gió gì. Ông kế thừa ở người cha đầu óc thông minh và niềm say mê nghiên cứu khoa học.
Ông thi vào Học viện Hàng không Matxcơva, tốt nghiệp hạng ưu và được phân về Trung tâm chỉ huy Hàng không vũ trụ quốc gia công tác, trở thành một quân nhân. Những năm tháng đó, quan hệ Trung – Xô rất xấu.
Để tránh gặp phiền hà rắc rối, từ khi học trung học đến khi về đơn vị công tác, Aliosa không hề ghi tên Lưu Thiếu Kỳ, Lưu Doãn Vũ vào mục quan hệ thân nhân.
Chẳng ai hay biết gì về thân phận đặc biệt của ông. Gia đình Aliosa đã được sống cuộc sống yên ả, không được chăm sóc đặc biệt, cũng không bị quấy rầy hay gặp phiền hà về chính trị.
Tại cơ quan cơ mật như Trung tâm chỉ huy vũ trụ Nga, Aliosa được tham gia nghiên cứu lĩnh vực khoa học mũi nhọn. Do thành tích công tác xuất sắc, ông nhiều lần được tặng thưởng huân chương, trước khi xuất ngũ, ông là công trình sư cao cấp của Trung tâm chỉ huy.
“Hiện nay ở Nga tôi không còn người thân nữa, họ đều sống ở Trung Quốc”. Nhiều năm trước ông bà ngoại rồi mẹ Aliosa lần lượt qua đời, chị gái Sonia thì lấy một người Mỹ gốc Nga và sang Mỹ định cư.
Sau khi tìm lại được tin tức về những người thân ở Trung Quốc, trong lòng Aliosa trỗi dậy tình cảm gắn bó với quê cha. Ông đã viết một bức thư tràn đầy tình cảm cho bà Vương Quang Mỹ nói lên nỗi lòng của mình và nỗi nhớ những người thân.
Thực ra, bà Vương Quang Mỹ cũng luôn nhớ đến hai cháu Tô Tô và Liêu Liêu đang lưu lạc chốn tha hương. Thế là, với sự nỗ lực của bà, năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, phía Trung Quốc đã gửi thư mời Aliosa tham gia Ban tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật.
Tuy nhiên, bức thư mời đó lại bị phía Nga giữ lại. Nguyên nhân là do Aliosa là quân nhân công tác suốt hơn 20 năm trong đơn vị cơ mật của Nga, theo quy định thì ông không được xuất ngoại, phải đợi đủ 3 năm sau khi xuất ngũ mới xem xét.
Sau khi biết tin, Aliosa rất sốt ruột, thậm chí ông đã làm đơn kiện cơ quan hữu quan Nga vì đã “xâm phạm tự do thông tin của công dân”. Sau khi mọi nỗ lực đều thất bại, ông đã chọn cách quyết định xuất ngũ trước thời hạn.
Tháng 4/2003, lần đầu tiên Aliosa đã cùng vợ lên đường hồi hương. Điều có ý nghĩa là ở chỗ, khi ông đến Đại sứ quán Trung Quốc để làm thủ tục nhập cảnh, khi nghe ông nói mình là cháu nội Lưu Thiếu Kỳ, người làm thủ tục đã sững sờ kinh ngạc.
Bởi vì cho đến lúc ấy, tuyệt đại đa số mọi người đều không hay biết gì về sự tồn tại của ông. Nhân viên công tác cầm lấy hộ chiếu của ông đi vào, mãi mới trở ra và nói: “Chúng tôi đã kiểm tra lại, đây đúng là sự thực”.
Sau khi được phép xuất cảnh, vợ chồng Aliosa vội vã mua vé máy bay đi Bắc Kinh. Họ ở cùng bà Vương Quang Mỹ và cô ruột Lưu Ái Cầm 1 tuần rồi về Hồ Nam nhận tổ quy tông. Sau đó đến đặt hoa viếng bà nội Hà Bảo Trinh ở Vũ Hoa Đài Nam Kinh.
Vợ chồng Aliosa có 2 người con. Cô con gái đã tốt nghiệp đại học, mới kết hôn với một diễn viên nổi tiếng người Ukraina. Cậu con trai thì là bạn học cùng trường với cha, cũng thi vào Học viện Hàng không Matxcơva, còn 1 năm nữa mới tốt nghiệp.
Hiện nay, Aliosa thường xuyên đi về giữa hai nước, ông bày tỏ muốn làm sứ giả nhân dân cho quan hệ Trung – Nga và dự định mở một bệnh viện Y học cổ truyền Trung Hoa ở Nga để truyền bá nền y học của tổ quốc thứ hai sang tổ quốc thứ nhất.
Trên cổ tay trái của Aliosa lúc nào cũng đeo chiếc đồng hồ có in chân dung Lưu Thiếu Kỳ trên mặt. Ông cho biết, đó là quà tặng của Bảo tàng Lưu Thiếu Kỳ tại quê nội. “Tôi sẽ mãi mãi mang nó trên mình”, Aliosa khẳng định.
(Tiền Phong /Thời báo hoàn cầu, Diễn đàn quốc tế)