Ngày 20/5, diễn viên Scarlett Johansson nói với CNN rằng cô "cảm thấy sốc, phẫn nộ" khi trợ lý ảo Sky tích hợp trong GPT-4o giống giọng cô "một cách kỳ lạ". Cô sau đó cho biết công ty của Sam Altman đã tiếp cận mình hai lần và đề nghị hợp tác nhưng cô đã từ chối vì "lý do cá nhân".
Nỗ lực thuyết phục Johansson của OpenAI
Theo thông tin do WSJ thu thập, từ tháng 5/2023, OpenAI đã gửi email và gọi điện nhằm tìm kiếm giọng nam, nữ và cả giới tính thứ ba trong độ tuổi từ 25 đến 45. Công ty muốn có giọng nói ấm áp, hấp dẫn và lôi cuốn cho mô hình AI mới. Sau hai tháng, danh sách rút gọn được lập ra với khoảng 400 ứng viên, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng. Người tham gia được yêu cầu ký thỏa thuận không tiết lộ thông tin và không cung cấp bản ghi âm giọng nói cho đối thủ cạnh tranh của OpenAI trong ba năm sau khi ra mắt sản phẩm.
Với ScarlettJohansson, OpenAI đã tiếp cận trong nhiều tháng. Khi đó, đích thân CEO Sam Altman gọi điện cho nữ diễn viên đề nghị hợp tác và lồng tiếng cho trợ lý ảo mới. Ông muốn giọng nói "sẽ an ủi người dùng và giúp mọi người cảm thấy thoải mái với sự phát triển của AI". Johansson lập tức nói cô không quan tâm.
CEO OpenAI không bỏ cuộc. Đầu tháng 5, ông nhắn tin cho Bryan Lourd, người đại diện của Johansson với nội dung liệu "có thể xem xét lại hay không". Ông cũng muốn gặp trực tiếp nhưng không nhận được sự đồng ý.
Đến 13/5, OpenAI công bố ChatGPT mới chạy mô hình GPT-4o, trong đó có trợ lý giọng nói nữ mang tên Sky. Ngay hôm sau, Lourd và Johansson liên tục nhận cuộc gọi và tin nhắn từ bạn bè, cộng sự. Một số lo ngại OpenAI đã "chiếm đoạt" giọng của nữ diễn viên mà không được phép. Một nguồn tin cho biết Johansson thấy mình như trở thành trung tâm của cuộc chiến, với một bên là các nghệ sĩ bị AI sử dụng thông tin trái phép và bên còn lại là các công ty phát triển AI.
Bryan Lourd sau đó gọi điện chất vấn Sam Altman. CEO OpenAI đáp: "Anh thực sự nghĩ giọng nói đó giống Johansson không? Cô ấy có điên khi nghĩ vậy không?".
Sau cuộc gọi, "tập phim" kịch tính nhất trong cuộc va chạm giữa Hollywood và AI bắt đầu.
Cách xử lý của OpenAI
Khi Johansson tức giận và bày tỏ vấn đề trên truyền thông, OpenAI lập tức xác nhận từng liên hệ với diễn viên. Tuy nhiên, công ty khẳng định giọng AI không hoàn toàn của Johansson, mà "thuộc về giọng nói tự nhiên của một diễn viên chuyên nghiệp khác", nhưng không tiết lộ danh tính.
Johansson là nữ chính trong phim khoa học viễn tưởng Her ra mắt năm 2013. Trong phim, cô đóng vai một trợ lý ảo, được một người đàn ông yêu say đắm. Ngày 14/5 khi công bố GPT-4o, Altman cũng đăng từ "her" trên tài khoản X, gợi nhớ đến bộ phim kinh điển.
Ngày 15/5, Johansson thông qua nhóm pháp lý do luật sư John Berlinski đứng đầu đã gửi thư yêu cầu OpenAI ngừng sử dụng giọng của nữ diễn viên. OpenAI được cho là đã gửi các tệp âm thanh được dùng cho Sky nhưng không cung cấp tên người lồng tiếng.
Trong bài đăng trên X hôm 20/5, công ty cho biết: "Chúng tôi nhận nhiều thắc mắc về cách chọn giọng nói trong ChatGPT, đặc biệt là Sky. Công ty đang dừng Sky trong lúc giải quyết vấn đề".
Một số nguồn tin thân cận nói với WSJ rằng Altman vẫn muốn Johansson tham gia dự án lồng tiếng để quảng bá sản phẩm nhưng không thành công. Ngày 27/5, CEO OpenAI đăng trên X lời xin lỗi "vì đã không giao tiếp tốt hơn".
Phía Johansson chưa có thêm động thái mới.
Nguy cơ về cuộc chiến pháp lý
"Trong bối cảnh tất cả chúng ta đang vật lộn với deepfake và bảo vệ hình ảnh, công việc, danh tính của chính mình, tôi tin bản thân có những câu hỏi cần được làm rõ", Johansson cho biết sau khi nhận thấy OpenAI sử dụng trái phép giọng nói.
Sự tức giận của Johansson được xem là phản ứng tự nhiên trong mối quan hệ không mấy êm đẹp giữa AI và ngành công nghiệp sáng tạo. Hàng loạt tác giả, nghệ sĩ và nhà xuất bản âm nhạc đã khởi kiện các công ty AI vi phạm bản quyền khi tác phẩm, giọng nói, hình ảnh của họ bị sử dụng để huấn luyện AI mà không xin phép.
"Mọi người cảm thấy sự lựa chọn và quyền tự chủ của họ bị công nghệ tước đoạt", Christian Nunes, Chủ tịch tổ chức National Organization for Women, người từng nhiều lần cảnh báo sự nguy hại từ deepfake, nói với The Guardian.
Trong bài viết đăng trên blog cuối tuần qua, OpenAI nói họ muốn đóng góp vào việc "phát triển một hợp đồng xã hội mang lợi ích rộng rãi trong thời đại AI". Công ty cũng nhấn mạnh đang phát triển công cụ Media Manager, cho phép nhà sáng tạo và chủ sở hữu nội dung gắn cờ tác phẩm của họ, cũng như có tùy chọn từ chối bị lấy dữ liệu để đào tạo AI.
"Nhưng khi nói đến hợp đồng xã hội, mọi định nghĩa đều chung chung. Ngành công nghiệp giải trí đang cần thứ gì đó cụ thể hơn", Jeffrey Bennett, cố vấn của Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh - Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA), cho biết.
SAG-AFTRA đã kêu gọi nhiều thành viên đình công năm ngoái vì một loạt vấn đề liên quan đến AI. "Chúng tôi cảm thấy đã đến lúc cấp bách để thiết lập quyền sở hữu trí tuệ ở cấp liên bang về hình ảnh, giọng nói và chân dung. Nếu có luật, bạn có thể yêu cầu các nền tảng trực tuyến loại bỏ việc sử dụng trái phép các bản sao kỹ thuật số của mình", Bennett nói.
Mark Humphrey thuộc công ty luật Mitchell Silberberg & Knupp cho rằng Johansson "có một số yếu tố thuận lợi" nếu kiện OpenAI. Tuy nhiên, Daniel Gervais, giáo sư luật và chuyên gia sở hữu trí tuệ tại Đại học Vanderbilt, nhận định nữ diễn viên sẽ phải đối mặt với "trận chiến khó khăn" do luật ở một số bang đã được nới lỏng.
Chris Mammen, chuyên gia về sở hữu trí tuệ tại công ty luật Womble Bond Dickinson, cho rằng mối quan hệ giữa Hollywood và ngành công nghệ không hẳn là đối nghịch. "Tôi nghĩ công nghệ đang phát triển quá nhanh và những ứng dụng mới được phát minh gần như hàng ngày. Chắc chắn sẽ có căng thẳng và tranh chấp nhưng cũng có cơ hội và thỏa thuận mới được thực hiện", Mammen nói.
"Khi việc sử dụng AI và năng lực của công nghệ này ngày càng phát triển, các cuộc chiến pháp lý xung quanh nó cũng sẽ tăng theo", The Guardian bình luận.
Bảo Lâm
- Scarlett Johansson nổi giận với OpenAI
- Elon Musk nói 'rùng mình' khi xem GPT-4o của OpenAI
- OpenAI ra mô hình AI miễn phí và 'giống con người'