Xe tăng khi ấy gào rú trên đường. Quân đội đã chiếm kênh truyền hình quốc gia và thông báo giành quyền kiểm soát đất nước, theo Reuters.
Ông Mugabe lúc bấy giờ không chịu từ chức. Tại một cuộc họp căng thẳng với các tướng lĩnh quân đội ngày 16/11, ông vẫn thể hiện thái độ dứt khoát. "Đưa tôi hiến pháp và cho tôi biết trong đó nói gì", nhà lãnh đạo Zimbabwe ra lệnh cho tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề trong quân đội và chính phủ Zimbabwe.
Trong bộ quân phục, ông Chiwenga tỏ ra lưỡng lự trước khi trả lời rằng Zimbabwe đang đối mặt với một cơn khủng hoảng, yêu cầu quân đội phải can thiệp. Ông Mugabe phản bác rằng quân đội mới chính là vấn đề. Ông sau đó đề xuất có lẽ họ nên cùng nhau tìm ra giải pháp.
Cuộc họp trên đánh dấu khởi đầu của 5 ngày đầy biến động trên chính trường Zimbabwe với cuộc đối đầu giữa một bên là tổng thống, một bên là quân đội, đảng cầm quyền ZANU-PF và người dân Zimbabwe.
Dựa vào những tài liệu từ Tổ chức Tình báo Trung ương Zimbabwe (CIO), Reuters hồi tháng 9 từng đưa tin rằng quân đội nước này muốn hậu thuẫn ông Emmerson Mnangagwa, phó tổng thống Zimbabwe khi ấy, trở thành người kế nhiệm ông Mugabe.
Căng thẳng gia tăng giữa ông Mnangagwa và bà Grace, vợ của ông Mugabe, người cũng muốn trở thành tổng thống kế nhiệm chồng và nhận được sự hậu thuẫn của nhóm G40 trong đảng Zanu-PF cầm quyền.
Đầu tháng 10, Mnangagwa tiết lộ ông được đưa tới một bệnh viện ở Nam Phi sau khi bị đầu độc hồi tháng 8. Dù không ám chỉ bất kỳ ai, thông báo của ông vẫn làm dấy lên nhiều đồn đoán.
Grace phủ nhận các cáo buộc nói bà thủ tiêu đối thủ, cho rằng ông Mnangagwa chỉ đang tìm kiếm sự cảm thông. Grace coi Mnangagwa không là gì ngoài một nhân viên cấp dưới phụng sự chồng bà, theo báo Herald của Zimbabwe.
Trong bối cảnh áp lực liên tục gia tăng, ông Mugabe trở nên hoảng loạn, lo âu về sự trung thành của tư lệnh Chiwenga dành cho mình. Các điệp viên cài cắm của Mugabe cảnh báo với ông rằng quân đội chắc chắn sẽ không chấp nhận bà Grace lên làm tổng thống.
"Ông Mugabe rất lo lắng trước nguy cơ đảo chính", một báo cáo tình báo đề ngày 23/10 cho biết. "Ông Mugabe được các quan chức CIO cảnh báo rằng quân đội sẽ không dễ dàng chấp nhận việc bổ nhiệm bà Grace và ông nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối diện với một cuộc nội chiến". Các tài liệu trên đều xuất phát từ CIO nhưng không rõ ai là người soạn thảo chúng. CIO bị chia rẽ làm hai phe ủng hộ và chống Mugabe.
Cuối tháng 10, ông Mugabe triệu tập tư lệnh Chiwenga, theo một tài liệu khác ghi ngày 30/10. Ông đã chất vấn tư lệnh Chiwenga về mối quan hệ với phó tổng thống Mnangagwa và đe dọa Chiwenga rằng ông có thể sẽ mất mạng nếu đối đầu với bà Grace.
Cũng trong lần gặp mặt này, ông Mugabe yêu cầu ông Chiwenga thề trung thành với bà Grace. Chiwenga từ chối, "kiên quyết giữ lòng trung thành với phó tổng thống Mnangagwa".
Sau một cuộc họp căng thẳng khác với ông Mugabe vào ngày 5/11, ông Chiwenga rời Harare trong một chuyến công tác được lên kế hoạch từ trước tới Trung Quốc.
Một ngày sau, ông Mugabe bãi nhiệm chức phó tổng thống của ông Mnangagwa, đồng thời khai trừ ông khỏi đảng ZANU-PF.
Đối với các tướng lĩnh quân đội, hành động trên của ông Mugabe đã đi quá xa. Quân đội ngay lập tức kích hoạt cảnh báo "Mã Đỏ", mức độ sẵn sàng chiến đấu cấp cao nhất.
Không lâu sau khi Mnangagwa bị bãi nhiệm, đội ngũ nhân viên an ninh bảo vệ ông đều được rút về.
"Các nhân viên an ninh, những người khá thân thiết với tôi, cảnh báo tôi rằng họ đang tiến hành kế hoạch nhằm loại bỏ tôi ngay khi tôi bị bắt và đưa tới đồn cảnh sát", ông Mnangagwa cho biết trong một thông báo vào ngày 21/11. "Tôi phải rời đất nước ngay lập tức vì sự an toàn của bản thân".
Từ Harare, ông Mnangagwa cố tìm cách vượt biên qua nước láng giềng Mozambique rồi bắt máy bay tới Trung Quốc. Tại đây, ông gặp tư lệnh Chiwenga.
Thông tin trên chưa được kiểm chứng song một báo cáo tình báo ngày 13/11 chỉ ra rằng Mugabe đã nghi ngờ việc một số tướng lĩnh quân đội đang chuẩn bị lật đổ ông từ Trung Quốc.
"Một số tướng lĩnh đang ở Trung Quốc và sẵn sàng cùng với ông Mnangagwa lật đổ ông Mugabe", báo cáo viết. Chưa rõ những tướng lĩnh này là ai và việc họ đến Trung Quốc có được phép hay không.
Cảm nhận thấy những tín hiệu không lành, Mugabe đã triệu tập giám đốc cảnh sát quốc gia Augustine Chihuri và Innocent Matibiri, cấp phó của ông, hai người vẫn trung thành với nhà lãnh đạo Zimbabwe, để tiến hành việc bắt giữ tư lệnh Chiwenga ngay khi ông vừa về nước.
Chihuri và Matibiri đã thành lập một đội gồm 100 cảnh sát và đặc nhiệm tình báo để chờ bắt tư lệnh Chiwenga khi máy bay chở ông hạ cánh. Nhưng quân đội Zimbabwe đã được mật báo về kế hoạch này và kịp thời tổ chức một nhóm hàng trăm lính đặc nhiệm tới sân bay nhằm chặn đứng âm mưu.
Tại sân bay, nhận thấy lực lượng bị áp đảo, đội cảnh sát do ông Chihuri chỉ huy rút lui. Ông Chiwenga hạ cánh mà không có bất kỳ tình huống nguy hiểm nào xảy ra. Phát ngôn viên của ông Mugabe không đưa ra bình luận về vụ việc kể trên.
Hai ngày sau, ông Chiwenga và một nhóm chỉ huy quân đội yêu cầu gặp mặt tổng thống Mugabe tại dinh thự riêng của ông ở Harare. Họ thể hiện "sự lo lắng" trước hành động sa thải ông Mnangagwa.
"Các ngài nghĩ nên làm gì bây giờ", ông Mugabe ngồi trên chiếc ghế bành và nói với các tướng lĩnh quân đội. Các tướng lĩnh yêu cầu ông đảm bảo rằng họ sẽ không bị thanh trừng. Ông Mugabe đáp lại hời hợt.
Vài giờ sau, tư lệnh Chiwenga triệu tập phóng viên tới doanh trại quân đội gần Harare để đưa ra một thông báo. "Chúng tôi phải nhắc nhở những kẻ đứng sau các chiêu trò nguy hiểm hiện nay rằng khi động đến vấn đề bảo vệ cuộc cách mạng, quân đội sẽ không ngần ngại can thiệp", ông nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, 6 xe chở quân tiến tới trụ sở của Lực lượng Cận vệ Tổng thống Mugabe ở ngoại ô Harare. Không rõ ai là người đưa ra mệnh lệnh điều động này. Người dân trong thành phố hoang mang song cũng không chắc điều gì đang diễn ra.
Binh biến
Khoảng 18h ngày 14/11, đoàn xe hộ tống tổng thống Mugabe trở về dinh thự "Nhà Xanh" ở khu dân cư Borrowdale, phía bắc Harare.
Trong khi đó, các trang mạng xã hội bắt đầu xuất hiện dày đặc hình ảnh những chiếc xe tăng, thiết giáp đi lại trên đường phố Harare, làm dấy lên đồn đoán về một cuộc đảo chính.
Lo lắng, bà Grace vào khoảng 19h gọi điện cho một bộ trưởng, yêu cầu đóng cửa mạng xã hội Twitter và WhatsApp. Vị quan chức này trả lời rằng đây là trách nhiệm của Bộ trưởng An ninh Kembo Mohadi. Bà Grace được cho là đã tuyên bố: "Không ai đảo chính hết. Điều đó không thể xảy ra".
Tiếng của ông Mugabe sau đó xuất hiện: "Ông đã nghe thấy rồi đấy, chúng ta có thể làm gì?". Vị bộ trưởng không thay đổi câu trả lời. Cuộc điện thoại chấm dứt.
Hai giờ sau, hai xe thiết giáp tới trụ sở kênh truyền hình quốc gia Zimbabwe. Hàng chục binh sĩ phong tỏa khu vực, ập vào các phòng thu, thu giữ điện thoại của đội ngũ nhân viên và dừng những chương trình đang phát sóng.
Các thân tín của ông Mugabe không biết những diễn biến đang xảy ra. Bộ trưởng Thông tin Simon Khaya Moyo gọi cho Bộ trưởng Quốc phòng Sydney Sekeramayi để hỏi ông có thông tin gì về nguy cơ binh biến không. Ông Sekeramayit trả lời "Không biết" nhưng sẽ kiểm tra lại với tư lệnh Chiwenga. Ông Chiwenga nói sẽ gọi lại cho ông Sekeramayit, nhưng cuộc gọi không bao giờ được thực hiện.
Ông Albert Ngulube, giám đốc CIO, người đứng đầu lực lượng bảo vệ Tổng thống, khoảng 21h30 đang lái xe về nhà sau cuộc gặp với ông Mugabe thì bị một chiếc xe quân sự chặn lại trên đường.
Khi Ngulube đối diện với các binh sĩ và đe dọa bắn họ, ông bị đánh và bị bắt giữ. Ngulube sau đó được thả tự do nhưng chịu một số vết thương ở đầu và mặt.
Những bộ trưởng khác cũng lần lượt bị quân đội tìm thấy. Bộ trưởng Tài chính Ignatius Chombo nấp trong toilet tại nhà riêng nhưng vẫn bị quân đội bắt và giam giữ ở một địa điểm bí mật suốt hơn một tuần.
Sau khi được thả vào ngày 24/11, Bộ trưởng Chombo được chuyển tới bệnh viện với những vết thương ở tay, chân và lưng, luật sư của ông cho hay.
Suốt một tuần, ông Mugabe vẫn tìm cách níu giữ quyền lực trong khi tư lệnh Chiwenga và các tướng lĩnh quân đội cố gắng dàn xếp một cuộc chuyển giao quyền lực ôn hòa, hợp pháp.
Các tướng lĩnh muốn ông Mugabe từ chức tổng thống nhưng cũng muốn một chuyển giao quyền lực ôn hòa không gây ra quá nhiều xáo trộn cho chính quyền hiện tại, một số nguồn tin quân đội và chính trị cho hay.
Khi quốc hội bắt đầu quá trình luận tội vào ngày 21/11, ông Mugabe cuối cùng cũng chịu từ bỏ. Sau 37 năm nắm quyền, lá đơn từ chức của ông được đọc lên, nhấn mạnh ông rời ghế "vì nghĩ tới cuộc sống của tất cả người dân Zimbabwe".
Vũ Hoàng