Người triển khai cuộc đổi đất thời điểm đó là ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ông Thơ kể, chiều cuối năm 2017, phóng viên Hải Châu điện thoại đặt câu hỏi khu đất ven sông Hàn đẹp thế sao không mở rộng công viên vì "vườn tượng APEC quá nhỏ"? Thấy ý kiến hay, ông gọi điện trao đổi ngay với chủ khu đất.
Ông Thơ không dám chắc sẽ đổi được 6.000 m2 đất nối liền với công viên APEC (rộng 3.000 m2, đặt tượng 21 nền kinh tế thành viên, khánh thành tháng 11/2017), vì nằm ở vị trí đắc địa giữa thành phố. Cơ quan chức năng đã giao khu đất cho Công ty Nam Trí làm hai cao ốc khách sạn 5 sao, nhìn ra sông Hàn và cầu Rồng. Doanh nghiệp sau 10 năm sở hữu lô đất đã xây dựng dự án.
Sau khi nghe ý tưởng, ban đầu doanh nghiệp đắn đo vì mọi thủ tục xây dựng dự án đã hoàn tất. Nhưng khi biết mục đích tạo thêm không gian công cộng ven sông Hàn để người dân và du khách cùng thụ hưởng, công ty đã đồng ý, kèm điều kiện thành phố phải đảm bảo quyền lợi.
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ: "Chúng tôi ủng hộ chủ trương mở rộng công viên có ý nghĩa quốc tế, làm đẹp cho thành phố và tạo thêm không gian công cộng. Khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng sẽ có thêm điểm tham quan mới, kết hợp với tuyến phố đi bộ ven sông Hàn và Bảo tàng Điêu khắc Chăm".
Ông Thơ đề xuất ý kiến với Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và nhận được sự đồng thuận, quyết định chủ trương đầu tư mở rộng công viên APEC.
Dù vậy, cuộc đổi đất đã có lúc rơi vào bế tắc vì giá đền bù ở khu đất ven sông Hàn rất cao. Hội đồng thẩm định giá của thành phố phải nhiều lần làm việc với doanh nghiệp để tính toán giá cả hoán đổi phù hợp. Mất 4 năm, thủ tục đổi đất mới hoàn tất. Năm 2021, Công ty Nam Trí nhận khu đất hơn 5.600 m2 ở ngã ba đường Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp, gần biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà, cùng khoản đền bù chênh lệch.
Cựu Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhận định có thể doanh nghiệp lỡ nhịp đầu tư do thời gian hoàn thiện thủ tục dự án kéo dài. Nhưng với tinh thần sẵn sàng hỗ trợ thành phố cho mục đích cộng đồng, doanh nghiệp đã đồng thuận và tạo ra một cuộc giao dịch đổi đất chưa có tiền lệ.
Có nhiều ý kiến về giá trị đất, trong đó có người cho rằng đất ven biển giá trị hơn. Tuy nhiên, đất mặt tiền biển có nhiều lựa chọn, còn ở trung tâm thành phố cạnh cầu Rồng thì duy nhất công viên APEC có ba mặt tiền. Khu đất nằm giữa trục đường dài 5 km từ sân bay quốc tế ra biển Mỹ Khê. Trong bán kính một km là các điểm tham quan, mua sắm như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà thờ chính tòa Đà Nẵng (xây dựng thời Pháp), chợ Hàn, cầu Tình Yêu...
"Đến bây giờ, tôi nhận thấy nhà đầu tư có phần thiệt, vì quá trình làm thủ tục thu hồi đất, cho thuê lại đất, tính giá cả đền bù, giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm, khiến họ không thể triển khai dự án trong thời gian dài. Mặt khác, khu vực công viên APEC có giá đất đắt đỏ nhất thành phố hiện nay", ông Thơ nói.
Khó định giá thị trường, nhưng chủ một khu đất được quy hoạch xây dựng căn hộ cạnh công viên APEC đang hô giá 600 triệu đồng/m2. Vệt đất ven sông Hàn, tiếp giáp công viên này đã trở thành "phố đêm", những nhà hàng ăn uống luôn đông khách. Nhờ nằm tách biệt với khu dân cư hiện hữu nên khu vực này ít bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn.
Sau cuộc hoán đổi, diện tích đất công viên APEC tăng lên 9.000 m2. Thành phố tổ chức thi tuyển phương án thiết kế, họp bàn và chọn phương án xây dựng công trình ba tầng, tầng hầm là bãi đỗ xe, tầng trệt là không gian kín với các ô lấy sáng được trồng cây xanh. Tầng trên cùng là mái hình cánh diều, với khát vọng đưa thành phố bay cao, bay xa.
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết, mái hình cánh diều bay lên ban đầu thiết kế chất liệu bê tông dạng mỏng để thuận lợi trong tạo dáng uốn lượn 3-4 chiều. Nhưng khi xây dựng, kiến trúc sư đặt vấn đề độ bền của mái khi mưa bão, dễ bị nứt và không an toàn. Thành phố phải tổ chức hội thảo, sau nhiều cuộc họp bàn mới thống nhất chuyển từ bê tông sang thép.
Sau một năm thi công không kể ngày đêm và giãn cách xã hội do dịch Covid-19, công trình đã khánh thành ngày 10/1/2022, trở thành điểm check-in mới cho người dân. Ông Thơ chia sẻ "rất vui mừng và bất ngờ vì chất lượng công trình vượt trội của một dự án công cộng. Đường nét thi công từ phần mái bằng thép đến các hạng mục tầng trệt đều sắc sảo".
Về tổng quan, ông Thơ đánh giá từ ngoài đường 2 tháng 9 nhìn vào công viên có phần tức mắt với công trình ba tầng, do đó nhiều người đặt câu hỏi sao không làm thảm cỏ, vườn dạo. "Nhưng cái khó khi làm dự án là phải có bãi đỗ xe ngầm, thứ vốn đang rất thiếu ở trung tâm thành phố, vì thế phải chọn xây dựng nhiều hạng mục bê tông", ông lý giải.
Quá trình làm dự án có nhiều khen chê, nhưng theo ông Phùng Phú Phong, do vị trí đắc địa, diện tích khu đất hình tam giác rất khó vừa tạo khoảng lùi vừa phù hợp với các công năng mong muốn. Sở Xây dựng đang lên ý tưởng bố trí các quầy thông tin du lịch, quầy bán đồ ăn nhẹ, nước uống ở tầng trệt. Trong đó, mong muốn nhất là tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của 21 nền kinh tế thành viên APEC nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa đến du khách.
Ngoài ra, thành phố có thể tổ chức các cuộc hội thảo, họp báo, tiệc đứng tại công viên này. Ở nước ngoài đã có nhiều không gian được sử dụng vào mục đích như vậy. "Khi đi du học tôi rất mê với những không gian như thế, nơi người dân có thể trực tiếp quan sát phần nào các hoạt động thường ngày của chính quyền, kể cả những cuộc tranh luận sôi nổi", ông Phong nói thêm.
Thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường thêm hoa, cây xanh, chiếu sáng nghệ thuật cho công viên với mục tiêu "những chi tiết nhỏ nhất cũng để lại dấu ấn". Công viên APEC cũng nằm trong quy hoạch tuyến phố đi bộ Bạch Đằng và dự án chiếu sáng sông Hàn, kết hợp cùng 5 cây cầu hiện có là Thuận Phước, cầu quay sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý và Tiên Sơn.