Thứ năm, 26/12/2024
Thứ hai, 18/10/2021, 22:04 (GMT+7)

Cuộc đời binh nghiệp và chính trị của Colin Powell

MỹColin Powell là người gốc Jamaica, từng là tướng 4 sao trong lục quân Mỹ trước khi trở thành ngoại trưởng da màu đầu tiên của nước này.

Tướng Colin Powell, tư lệnh Quân đoàn 5 của Mỹ, giơ tay chào bên cạnh vợ, trong một lễ chia tay ở Frankfurt, Đức, ngày 30/12/1986.

Colin Powell sinh ngày 5/4/1937 tại khu dân cư Harlem, thành phố New York, bố mẹ ông là người Jamaica nhập cư. Ông kết hôn với bà Alma năm 1962. Họ có ba con: Michael, Linda và Annemarie.

Ông qua đời hôm nay vì biến chứng Covid-19, thọ 84 tuổi. Powell từng là tướng 4 sao trong lục quân Mỹ, được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cuối năm 1989 ở tuổi 52, trở thành người da màu đầu tiên và sĩ quan trẻ nhất giữ vị trí này.

Tướng Powell (giữa, hàng đầu), đi thăm khu vực bị ném bom của Lực lượng Phòng vệ Panama tại Panama City, thủ đô Panama, hồi tháng 1/1990.

Trong 4 năm nhiệm kỳ, Powell chỉ huy quân đội Mỹ ứng phó với 28 cuộc khủng hoảng, bao gồm tấn công Panama năm 1989 để lật đổ tướng Manuel Noriega và chiến dịch Bão táp Sa mạc trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.

Tướng Colin Powell, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, phát biểu tại đồi Capitol ở Washington, trong một cuộc họp của Ủy ban Quân ủy Hạ viện ngày 25/9/1991.

Powell được đặt biệt danh "chiến binh lưỡng lự", bởi ông hiếm khi xem can thiệp quân sự là giải pháp hàng đầu để xử lý khủng hoảng quốc tế, thay vào đó là kiềm chế mối đe dọa và giải quyết bằng biện pháp ngoại giao.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Colin Powell trong một buổi họp báo ở Lầu Năm Góc năm 1993.

Tổng thống đắc cử George W. Bush (phải) khi đề cử tướng nghỉ hưu Colin Powell làm ngoại trưởng Mỹ trong buổi lễ ở Crawford, Texas, ngày 16/12/2000.

Powell xin về hưu sớm vào năm 1993 và theo đuổi sự nghiệp chính trị. Ông được bổ nhiệm làm ngoại trưởng da màu đầu tiên của Mỹ, trong chính quyền tổng thống George W. Bush năm 2001. Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Powell đóng vai trò quan trọng trong điều phối quan hệ của Mỹ với các nước trên thế giới để bảo đảm liên minh vững chắc cho cuộc chiến chống khủng bố.

Ngoại trưởng Colin Powell trong buổi họp báo tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington ngày 21/5/2001.

Powell hứng nhiều chỉ trích vì vai trò chủ chốt trong quá trình xây dựng cái cớ để Mỹ tấn công Iraq năm 2003. Trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 5/2/2003, ông công bố bằng chứng nhằm cáo buộc chính quyền tổng thống Iraq Saddam Hussein sở hữu vũ khí hóa học, sinh học và là mối đe dọa cận kề với thế giới.

Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell (phải) trò chuyện với Ngoại trưởng Đức Joschka Fischer (thứ hai từ trái sang) và Ngoại trưởng Hy Lạp Petros Molyviatis (giữa) tại buổi chụp ảnh chung các ngoại trưởng NATO ở trụ sở khối liên minh tại Brussels, Bỉ, ngày 9/12/2004.

Powell rời Bộ Ngoại giao đầu năm 2005 sau khi đệ đơn từ chức lên Tổng thống Bush. Cựu ngoại trưởng Mỹ sau này thừa nhận nhiều thông tin trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thiếu chính xác, dựa trên dữ liệu tình báo bị chỉnh sửa bởi các thành viên trong chính quyền Bush.

"Đó là vết nhơ sẽ mãi gắn liền với tôi", Powell nói. Trong cuốn hồi ký năm 2012, một lần nữa Powell thừa nhận sai lầm trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) bên cạnh cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell trong buổi chiêu đãi ở đại sứ quán Đức tại Washington ngày 12/1/2006.

Tổng thống Barack Obama trò chuyện cùng phóng viên sau cuộc gặp cựu ngoại trưởng Colin Powell tại Phòng bầu dục trong Nhà Trắng ngày 1/12/2010.

Ảnh: AP/AFP