"Đúng là thằng Tuấn rồi", người mẹ 49 năm mang nỗi đau mất con thốt lên khi nhìn thấy một khuôn mặt tròn đầy, tóc xoăn, lông mày rậm, mắt, mũi, miệng chẳng khác gì người chồng đã khuất.
Cụ Lâm kể, một ngày hè năm 1973, thôn 5, xã Phù Vân, huyện Phủ Lý, tỉnh Hà Nam thông báo người dân ra hợp tác xã chia lúa, chia rơm. Đến tối, khi cụ và chồng Nguyễn Văn Quốc gánh lúa về không thấy con trai Nguyễn Văn Tuấn đâu. Gia đình hô hào anh em, làng xóm đi tìm. Một nhóm đi khắp làng trên xóm dưới hỏi thăm, một nhóm lặn xuống ao mò.
Vợ chồng cụ như điên, như dại. Họ vay mượn tiền, thuê người, tìm kiếm nhiều tỉnh lân cận, thậm chí lên tận tỉnh biên giới Lạng Sơn. Nguyễn Thị Anh, con gái cả của cụ Lâm kể: "Ngày đó nhà tôi đang chuẩn bị xây nhà, nhưng để tìm em mà tiền bạc, trâu bò, lợn gà, nồi niêu trong nhà cũng bán sạch".
Sau 6 năm tìm con đến khánh kiệt, gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nhưng nỗi đau mất con như khối u trong người ngày một lớn, khiến cụ ông u uất, sinh bệnh rồi mất vào năm 1992. Cụ Lâm ngày ngày tụng kinh, gõ mõ, mong nguôi bớt nỗi đau. Qua Tết năm 2022, cụ bà cạo đầu đi tu. "Chúng tôi thuyết phục mẹ ở nhà với con cháu mà không được", bà Nguyễn Thị Ban, một người em ra đời sau khi anh trai mất tích, chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, đứa con trai thất lạc nửa thế kỷ trước, kể lại ngày đó mới 6 tuổi, được một anh hàng xóm hơn khoảng chục tuổi, rủ ra ga tàu đón người thân. Từ nhà đến đó phải đi thuyền qua sông, rồi đi qua thêm một cây cầu nữa. Hai đứa trẻ ngủ ở ga tàu một đêm, sáng hôm sau người này nhảy tàu đi trước, để lại Tuấn khóc khản cổ giữa dòng người xuôi ngược.
Lúc này một người đàn ông tới dỗ dành cậu bé đang khóc, song vì Tuấn không nhớ nhà ở đâu, bố mẹ tên gì (phong tục ở quê thường gọi ông Quốc, bà Lâm theo tên con gái cả) nên được người này dẫn về thôn Nhân Hòa, xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, cách đó chừng 100 cây số. Sau đó, cậu bé được vợ chồng bà Đồng Thị Cẩn nhận làm con nuôi và đổi tên thành Lê Văn Tuấn.
Lớn lên, Tuấn lấy vợ trong làng, sinh được ba con. Cuộc sống vất vả nên ông mới chỉ tổ chức được vài chuyến đi tìm lại gia đình quy mô nhỏ. Ông cũng gửi thông tin lên một chương trình truyền hình nhờ tìm mà không thấy hồi âm.
"Tôi chỉ nhớ được tên mình, chị gái tên Anh, người dẫn ra ga tàu tên Phúc. Sau tôi có một em nhưng mất lúc nhỏ. Bố làm nghề thợ mộc hoặc đóng xe bò, xe lôi. Nhà ở gần núi", ông Tuấn, 55 tuổi, chia sẻ.
Người thân tại nhà bố mẹ nuôi ở Thanh Hóa hiểu được nỗi lòng của ông Tuấn nên động viên đăng thông tin lên mạng. Sau lần đăng năm 2019 trên các hội nhóm miền Bắc không có phản hồi, họ tiếp tục đăng lần nữa vào tháng 2 vừa qua trên cả các hội nhóm miền Nam.
Tại thôn Thanh Trang, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, chị Nguyễn Thị Ban tình cờ biết được thông tin ông Tuấn tìm người thân. Mọi thông tin đều trùng khớp với người anh đã thất lạc nên vợ chồng chị tìm cách liên hệ.
Trong cuộc điện thoại đầu tiên, ông Tuấn cùng người chị gái cả ôn lại kỷ niệm ngày thơ ấu. Ông nhắc đến giếng làng trước ngõ, cây vải trước nhà, những chiều đông chạy theo chị ra cánh đồng trong núi hái lá khúc... Người em cứ kể còn chị gái cứ khóc vì tất cả đều chính xác. Bà biết chắc chắn đây là đứa em mất tích 49 năm qua của mình.
Ngay ngày hôm sau, anh Triệu Văn Thịnh, chồng chị Ban, ra Thanh Hóa gặp mặt, sau đó dẫn ông Tuấn về quê tại xã Phù Vân, Phủ Lý. Mọi ký ức rời rạc, mờ ảo bỗng chốc được chắp nối thành một khối liền mạch. Năm thập niên vật đổi sao dời, người đàn ông vẫn vẽ ra được con đường dẫn về nhà, hình dáng ngôi nhà cổ hướng Tây ngày xưa. Đây là phòng khách, kia là gian buồng, từ đó chạy mấy bước chân là tới công trình phụ và bờ ao. "Ký ức cuồn cuộn dội về khiến tôi không thể kìm được xúc động", ông nghẹn ngào nói.
Mấy ngày sau, bà Anh sai con gái vào một ngôi chùa ở Bà Rịa - Vũng Tàu đón mẹ về. Xem tấm ảnh đầu tiên của ông Tuấn, cụ Lâm cáu kỉnh: "Chúng mày lừa tao. Thằng Tuấn nó trắng lắm, chứ đâu đen như người này". Cô cháu gái tiếp tục lật ảnh khác nhìn ông Tuấn béo và trắng hơn. Lần này thì cụ nhận ra luôn, lập tức thu dọn đồ đạc trở về nhà.
7h ngày 23/4, gia đình tập trung đông đủ trước cửa nhà chờ đón giây phút đoàn tụ. Khi người con trai bước xuống xe, cụ bà mắt mờ, chân chậm bước lại. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau trong tiếng nấc nghẹn ngào "Con ơi!", "mẹ ơi!".
"Từ người trong nhà đến người qua đường, không ai ngăn được xúc động. Chúng tôi động viên mẹ và anh Tuấn: 50 năm rồi mẹ con gặp lại, nỗi buồn đã qua, niềm vui đã tới. Giờ phải vui cười dành thời gian cho nhau", bà Đào Thị Đặng, vợ ông Tuấn chia sẻ.
Từ đó đến nay, đại gia đình như đang trải qua những ngày hội lớn. Vợ chồng ông Tuấn chơi với mẹ và anh em trong Gia Lai một tuần, rồi cùng đoàn trong đó ra Thanh Hóa và về quê ở Hà Nam chơi cho tới nay.
Các chị em động viên vợ chồng ông Tuấn để lại nhà cửa ở Thanh Hóa, vào Gia Lai sống có sẵn đất đai canh tác, cũng như có thêm thời gian cho mẹ. Tuy nhiên, ông Tuấn nghĩ công sinh cũng như công dưỡng nên đề nghị đón mẹ ra ở cùng vợ chồng mình, phụng dưỡng cả mẹ đẻ và mẹ nuôi.
"Cả hai mẹ đều đã già yếu rồi. Cuối đời chẳng còn sống được bao nhiêu nữa, nên vợ chồng tôi mong được chăm sóc cả hai cụ", ông Tuấn bộc bạch. Giải pháp trọn nghĩa, vẹn tình được tất cả ủng hộ.
Những ngày qua gặp lại con, cụ Lâm như khỏe hơn. Hiện cụ vẫn đang đi thăm thú con cháu và cố hương, trước khi trở về nhà với con trai cuối tuần này.
"Tâm nguyện lớn nhất đời tôi đã thành, giờ không mong gì hơn nữa", cụ bà bộc bạch.
Phan Dương