Tổng thống Vladimir Putin hôm 5/1 chỉ thị Bộ trưởng Quốc phòng ngừng bắn ở Ukraine từ 12h ngày 6/1 đến 0h ngày 8/1, nhân dịp Giáng sinh của Chính thống giáo. Mệnh lệnh được đưa ra thể theo lời kêu gọi của Thượng phụ Kirill, lãnh đạo Giáo hội Chính thống giáo Nga.
Hiện chưa rõ lệnh ngừng bắn đơn phương của Nga sẽ tác động thế nào đến diễn biến chiến trường, sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng đây là "mánh khóe" của Nga để cản đà tiến của lực lượng Ukraine ở Donbass. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo trên tài khoản Twitter chính thức rằng họ cam kết "không bắn vào lưng" những binh sĩ Nga đón Giáng sinh trong thời kỳ ngừng bắn.
Trong lịch sử, thế giới từng chứng kiến một cuộc đình chiến "như phép màu" vào ngày Giáng sinh năm 1914, khi hàng nghìn lính Anh, Bỉ và Pháp hạ vũ khí, bước ra khỏi chiến hào và tận hưởng ngày lễ cùng quân nhân Đức ở bên kia chiến tuyến tại Mặt trận phía Tây của Thế chiến I. Đây được coi là khoảnh khắc hòa bình hiếm hoi trong cuộc chiến khiến hơn 15 triệu người chết.
Khi Thế chiến I đang diễn ra căng thẳng, Giáo hoàng Benedict XV, người được bầu vào tháng 9/1914, đã kêu gọi đình chiến ngày Giáng sinh năm đó, nhưng không được chính phủ nước tham chiến nào chấp nhận.
Tuy nhiên, tình trạng khổ sở vì giao tranh trong chiến hào lầy lội của mùa đông dường như đã thúc đẩy binh sĩ hai bên tham chiến tự thỏa thuận ngừng bắn với nhau.
Giới sử gia vẫn tranh cãi về các chi tiết chính xác trong sự kiện này, nhưng phần lớn cho rằng khoảng 100.000 binh sĩ, tương đương hai phần ba lực lượng tham chiến các bên, đã ngừng giao chiến trong ngày Giáng sinh năm 1914.
Cuộc đình chiến dường như bắt đầu khi các binh sĩ trong chiến hào hát những bài ca mừng Giáng sinh đêm 24/12/1914. "Buổi đêm ngập trong ánh trăng tươi đẹp, tuyết phủ trắng mọi nơi", binh nhì Albert Moren thuộc Trung đoàn Hoàng gia West Surrey của Anh kể lại.
"Ban đầu phía Đức hát bài của họ, sau đó chúng tôi hát phần của mình. Khi chúng tôi hát bài 'O Come, All Ye Faithful', lính Đức lập tức hát theo cùng giai điệu với lời tiếng Latin của bài 'Adeste Fideles'. Tôi nghĩ rằng binh sĩ hai quốc gia cùng hát một bài giữa cuộc chiến là điều phi thường nhất", binh nhì Graham Williams thuộc Lữ đoàn bộ binh London số 5 viết trong nhật ký.
Sáng hôm sau, lính Đức tại một số khu vực rời chiến hào và hô vang "Chúc mừng Giáng sinh" bằng tiếng Anh, trước khi các quân nhân bên kia bước ra một cách cẩn trọng để chào đón họ. Ở những nơi khác, lính Đức giơ tấm biển có dòng chữ: "Các anh không bắn, chúng tôi không bắn".
Binh sĩ hai bên trao đổi quà như thuốc lá, đồ ăn và mũ trong suốt ngày 25/12. Cuộc đình chiến ngày Giáng sinh cũng giúp lực lượng hai bên chôn cất những người thiệt mạng, sau khi thi thể họ nằm tại vùng tử địa giữa hai chiến tuyến suốt nhiều tuần trước đó.
Nhiều hình thức giao lưu khác nhau cũng được ghi nhận dọc chiến tuyến miền tây. Một người kể rằng binh sĩ Anh được cắt tóc bởi một lính Đức từng làm thợ hớt tóc trước chiến tranh, trong khi một nơi khác tổ chức nướng thịt lợn để hai bên ăn mừng.
Cuộc đình chiến diễn ra rộng khắp trên mặt trận, nhưng không phải nơi nào cũng thực hiện. Một số tài liệu cho thấy hai bên vẫn giao tranh ở một số địa điểm, trong đó có ít nhất hai vụ binh sĩ bị đối phương bắn khi đang tìm cách chào hỏi.
Thời gian ngừng bắn ngắn ngủi kết thúc ngay trong ngày 25/12, một vài nơi khác là sau đêm giao thừa. "Tôi nhớ sự tĩnh lặng, âm thanh ghê rợn của sự tĩnh lặng. Đó là giai đoạn hòa bình ngắn ngủi trong cuộc chiến khủng khiếp", Alfred Anderson, cựu binh Trung đoàn bộ binh Scotland của Anh, kể lại.
Vẫn có những khoảnh khắc hòa bình hiếm hoi trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến, nhưng quy mô không bằng cuộc đình chiến Giáng sinh năm 1914.
Với nhiều người khi đó, đình chiến ngày Giáng sinh không phải ví dụ về tinh thần thượng võ giữa chiến sự, mà chỉ là hành động thể hiện bất tuân thượng lệnh của binh sĩ trên chiến trường và nhằm phản đối giới chỉ huy.
Chiến hào hai bên có điểm chỉ cách nhau khoảng 30 m, khiến binh sĩ có thể nghe thấy tiếng nói và ngửi được cả mùi thức ăn của đối phương, điều khiến họ dễ dàng đồng cảm với những người bên kia chiến tuyến.
Tướng Horace Smith-Dorrien, chỉ huy Quân đoàn số 2 của Anh, cho rằng để các quân nhân gần gũi với đối phương là rất nguy hiểm. Ông lệnh cho cấp dưới cấm binh lính "giao tiếp thân thiện với quân địch" dưới mọi hình thức. "Binh sĩ trong chiến hào gần đối phương rất dễ mất tinh thần chiến đấu và mang tư tưởng 'dĩ hòa vi quý'", ông cảnh báo trong bản ghi nhớ gửi cấp dưới ngày 5/12.
Điều này được xác nhận qua lời kể của cựu chiến binh Anh Murdoch Wood vào năm 1930. "Kết luận được tôi giữ vững suốt nhiều năm sau chiến tranh là sẽ không có thêm phát đạn nào được khai hỏa sau thời điểm đó, nếu giới chỉ huy để binh lính chúng tôi tự định đoạt tình hình", ông nói.
Vũ Anh (Theo Time)