Thứ sáu, 22/11/2024
Thứ bảy, 23/5/2020, 00:00 (GMT+7)

Những hiện vật thời vua Gia Long

Thừa Thiên - HuếHơn 40 hiện vật gồm súng, ấn, văn bản... gắn bó với hoàng đế Gia Long đang được trưng bày tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế.

Kỷ niệm 200 năm ngày mất của hoàng đế Gia Long (1820-2020), Bảo tàng cổ vật cung đình Huế đã tổ chức trưng bày gần 40 hiện vật, gợi nhớ về hành trình thống nhất giang sơn, xây dựng vương triều Nguyễn của ông.

Cây súng điểu thương, kỷ vật gắn bó với vua Gia Long trong thời kỳ chinh chiến. 

Dòng chữ khắc trên báng súng nghĩa là "Vật xưa của Gia Long lúc chưa lên ngôi. Ban tặng vào thời Minh Mạng. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) phụng chỉ khắc, mãi làm bảo vật truyền đời".

Quốc gia tín bảo (phiên bản bằng gốm mạ vàng) được vua Gia Long sử dụng đóng trên các văn kiện triệu tập tướng lĩnh, phát động binh lính, trưng binh nhập ngũ...

Lư xông trầm, bình hoa bằng đồng được sử dụng trong lễ tế Giao của triều Nguyễn.

Lễ tế Giao là nghi lễ tế trời, đất và các vị thần linh trong bờ cõi quốc gia. Dưới thời phong kiến đây là lễ tế quan trọng nhất được tiến hành vào mùa xuân hàng năm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Bia Phẩm sơn, xác định vị trí đứng chầu của các quan lại dưới thời vua Gia Long: các quan văn  đứng bên phải, các quan võ đứng bên trái sân chầu.

Thời Nguyễn, theo quy định của triều đình, nhà vua sẽ làm lễ Đại triều vào ngày mồng 1 và 15 (âm lịch) tại điện Thái Hòa với các bá quan văn võ trong triều; lễ Thường triều được tổ chức vào các ngày 5, 10, 20, 25 (âm lịch) hàng tháng tại điện Cần Chánh với sự tham gia của các quan tứ phẩm trở lên. 

Đạn sắt sử dụng cho các loại súng thần công đặt trên các pháo đài phòng thủ của Kinh thành Huế. Vua Gia Long là một trong những vị vua đưa súng thần công vào quân đội, sau khi diệt nhà Tây Sơn, vua Gia Long cho đúc Cửu vị thần công đặt hai bên cổng Ngọ Môn. 

Triển lãm dành một góc trưng bày các loại gạch vồ, loại gạch được hoàng đế Gia Long chọn để xây dựng Kinh thành Huế và nơi an nghỉ ngàn thu của mình.

Để xây dựng Kinh thành Huế, vua Gia Long cùng các quan vệ giám thành tự thiết kế, xác định quy mô, kích thước, phương thức xây dựng. Mặt thành xoay về hướng Đông Nam, tiền án có núi Ngự Bình tạo thành bức bình phong thiên nhiên che chắn. Hai bên là cồn Dã Viên, cồn Hến tạo thành thế tả Thanh Long hữu Bạch Hổ (rồng chầu hổ phục). 

Bút phê của hoàng đế Gia Long trên bảng kê khai tên họ, tuổi và số dân các hạng phường An Mỹ, tổng Yên Lễ Thượng, huyện Duy Xuyên. 

Mộc bản sách Đại nam thực lục ghi chép về việc xây dựng Quốc Tử giám ở Huế.

Năm 1803, vua Gia Long xây dựng Đốc Học Đường cách kinh thành Huế khoảng 5 km về phía Tây, mặt hướng ra sông Hương. Đây được xem là trường quốc học đầu tiên được xây dựng dưới triều Nguyễn. Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành (vị trí hiện nay).

Triển lãm mở cửa đến hết tháng 8.

Những hiện vật gợi nhớ vua Gia Long
 
 

Một số hiện vật trưng bày tại triển lãm. Video: Võ Thạnh

Võ Thạnh