Lần đầu sau 13 năm tha hương, Bảo thấy mình không còn ràng buộc với thành phố. Anh xếp nốt mấy bộ quần áo cũ rồi giục vợ, con gái lên xe máy về Kiên Giang.
Sáng 3/10, Nguyễn Văn Bảo, 31 tuổi, trọ ở huyện Hóc Môn, nhận được 3 triệu đồng chính quyền hỗ trợ. Anh dùng luôn trả tiền thuê phòng mấy tháng nay. Dù đã được chủ nhà giảm đến 70% trong 3 tháng nghỉ dịch, nay có khoản trợ cấp anh mới đủ tiền trả số còn lại. Đây cũng là khoản trợ cấp duy nhất Bảo nhận được khi thất nghiệp, vì công việc trước đó là thời vụ, không có bảo hiểm.
Hiện xưởng sản xuất đế giày nơi hai vợ chồng làm công nhân chưa có kế hoạch hoạt động trở lại. Chuyến về quê này anh đi với tâm thế về hẳn vì vợ gần sinh, con gái sắp vào lớp 1. Những món đồ không mang theo được, anh mang sang cho hàng xóm. Tha hương từ năm 18 tuổi, 13 năm nay, lần đầu tiên anh thấy bản thân không còn ràng buộc gì với thành phố.
Cũng giống Bảo, Trần Văn Dũng, 36 tuổi, quê Quảng Bình, vào Đồng Nai mưu sinh nay cạn tiền. Sợ dịch, nên dù tỉnh bắt đầu nới lỏng giãn cách, gia đình anh vẫn quyết định tha lôi nhau đi cả nghìn km về quê. Dũng chạy xe ôm gần chục năm nay, còn vợ làm công nhân may. Mỗi tháng hai người kiếm được chục triệu đồng, đủ cho cuộc sống tối thiểu. Nhìn hai đứa con mặc áo mưa đùa nhau cạnh mấy chiếc xe máy bám đầy bùn đất cùng chằng chịt túi xách, bao tải, anh chỉ thở dài.
Giàng A Páo, một người Mông 25 tuổi ở biên giới phía Bắc, cũng vừa quyết định cùng vợ Ly Thị Giống rời Bình Dương về quê. "Chị không hiểu được cái cảm giác một ngày vợ chồng ăn hai gói mì tôm thôi đâu. Không cảm thấy no gì hết. Nhưng mình vẫn phải cố ăn để sống". Ký ức hơn 60 ngày chống chọi với dịch khiến Páo "chỉ muốn rơi nước mắt".
Hai vợ chồng họ vào Bình Dương đầu tháng 5, thử tìm việc ở Bắc Ninh nhưng không ổn vì công ty điện tử chỉ nhận công nhân nữ theo thời vụ, chỉ Ly Thị Giống có việc. Vì muốn được cùng nhận vào làm nên cả hai lại dắt díu nhau về Lào Cai.
Páo kể, đi làm công nhân cũng chỉ vì dịch. Hai năm Covid-19 khiến đường mòn, lối mở sang biên giới làm thuê không còn, và cùng với nỗi lo nhiễm bệnh, Páo đành ở nhà. Bình Dương thực tế là lựa chọn cuối cùng, xa nhất mà anh nhìn thấy có thể kiếm ra tiền cho đứa con đi học và xây nhà. "Ở quê không đói, nhưng không có tiền", Páo nói.
Nhưng chỉ mới kiếm được số tiền mà Páo nhẩm là "hai lần 20 triệu", đủ mua một chiếc xe máy để đi làm, gửi tiền cho bố mẹ mua phân bón, ngô giống thì dịch bùng lên. Hồi Covid-19 mới bùng phát, vợ chồng Páo nấn ná thêm hai tuần để xem thế nào, cuối cùng, kéo dài cả 2-3 tháng.
Đêm 5/10, vợ chồng Páo và gần 300 người Mông quê Lào Cai, Sơn La đã có mặt ở chốt kiểm dịch trên cầu Trung Hà (Tam Nông, Phú Thọ) sau 3 ngày, 4 đêm chạy xe máy gần 2.000 km. Những người đàn ông mặt cháy nắng, mắt đỏ ngầu vì mưa, bụi, nằm vật ra vệ đường tranh thủ ngủ trước khi cảnh sát giao thông dẫn đi tiếp. Dưới ánh đèn cao áp, chiếc váy xoè hoa của những người vợ không nhìn rõ màu vì bụi đất bám chặt. Đoàn người mang về những gì có thể mang, móc quần áo, chiếc chổi đót quét đường lấy chỗ rải mảnh chiếu đơn ngả lưng.
Gia đình của Bảo, Dũng, hay Páo là một vài trong số hàng vạn lao động đã trở về nhà bằng đủ mọi cách, từ xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ, kể từ khi các tỉnh miền Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10.
Theo tính toán của các địa phương, đến ngày 6/10, số lượng người về Đồng Tháp là 26.000 người, An Giang 40.000 người, Sóc Trăng là 50.000 người, Cà Mau gần 20.000 người, Kiên Giang đến ngày 10/10 đón 40.000 người. Nghệ An và Huế lần lượt đón 87.000 và 40.000 người lao động trên cả nước hồi hương... Với các tỉnh miền núi phía Bắc, thống kê ngày 5-9/10, Hà Giang có hơn 2.000 người về, Sơn La hơn 2.500 người, Lào Cai gần 600 người, Lai Châu hơn 300 người.
Trước đó, khoảng 1,3 triệu người lao động đã về quê tránh dịch tính từ tháng 7 đến 15/9 theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 12/10.
Nhưng những con số này có thể vẫn chưa đầy đủ, nhất là với nhóm người lao động trong khu vực phi chính thức – nhóm nguy cơ bị đứng ngoài các cuộc thống kê chính thức.
TP HCM, qua các tính toán của những cơ quan thống kê, hiện có khoảng 10 triệu dân. Nhưng trong những ước tính gần đây của UBND TP HCM và Bộ Công an để lên phương án hỗ trợ vì Covid-19, tổng dân số TP HCM là 13 triệu người, tức có khoảng 3 triệu người là tạm trú.
Một báo cáo của Oxfam về lao động di cư cuối năm 2015 cũng chỉ ra, phần lớn người di cư lên thành phố là những lao động không có kỹ năng nghề nghiệp hoặc có kỹ năng ở mức thấp. Họ chỉ có việc làm giản đơn trong khu vực phi chính thức như lao động tự do trong các ngành xây dựng, dịch vụ. Còn lao động di cư trong khu vực chính thức thì cũng chủ yếu làm công nhân trong các nhà máy ở các khu công nghiệp như giày da, dệt may. Và đây cũng chính là những đối tượng chủ yếu rời thành phố về quê trong đợt vừa qua.
Các nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội – Social Life (TP HCM) và cộng sự thực hiện với người lao động di cư làm việc các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP HCM và Bình Dương cũng phần nào phác hoạ được nhóm người này. Theo đó, lao động di cư thường khá trẻ, đa phần học hết cấp 2, cấp 3. Như tại TP HCM, độ tuổi trung bình là 26,4 tuổi, tại Bình Dương là 18-27.
Hơn một nửa công nhân tại TP HCM đến từ Đồng bằng sông Cửu Long (Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp), một phần ba đến từ khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung (Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Nghệ An).
Tại Bình Dương cũng có sự tương đồng. Điều này hiện trùng khớp với kết quả Điều tra di cư mới nhất khi vùng xuất cư nhiều nhất là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (29,57%) và Đồng bằng Sông Cửu Long (44,8%).
Bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động cho biết, vừa rồi được xem là làn sóng hồi hương lần hai của người lao động trong Covid-19. Đợt một diễn ra vào tháng 7, ngay trước khi TP HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện giãn cách xã hội. Trong đó có nhiều lao động tự do thời vụ, đặc biệt là người miền Tây đã trở về quê khi nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa.
Với làn sóng thứ hai bắt đầu từ 1/10, những người về phần đông là công nhân nhà máy, công xưởng. Qua hai lần khảo sát hơn 250 nhà máy và 300 công nhân trong lĩnh vực dệt may, da giày, bà Chi cho biết trên 60% người di cư muốn về quê hoặc đã về quê.
"Họ là nhóm lao động tương đối trẻ, dưới 40 tuổi, có áp lực tài chính hoặc gánh nặng về gia đình như có con nhỏ, hoặc độc thân nhưng có cha mẹ già ở quê. Họ sẽ ưu tiên về quê đợt này", bà nhận xét. Những người này, theo bà đã kiệt quệ cả về tâm lý, sức khoẻ và kinh tế trong thời gian giãn cách.
Covid-19 đã biến các tỉnh miền Nam, nơi vốn được xem là thuận lợi cho việc mưu sinh, trở nên khắc nghiệt và tù túng, càng thôi thúc người lao động đang khó khăn muốn "về quê" hơn.
Khảo sát của Social Life trong tháng 6-7 tại Bình Dương, TP HCM với quy mô 457 người cho thấy khoảng 30% người bị mất việc hoặc nợ lương, chậm lương. Tổ chức này cũng dẫn lại một ước tính dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê từ năm 2017 cho thấy, trong điều kiện bình thường không có dịch bệnh, trung bình hộ nghèo chỉ tiết kiệm khoảng 7 triệu mỗi năm, chỉ "ăn nhắt hà tiện" được nhiều nhất trong 2-3 tháng.
Trong khi đó, khảo sát trực tuyến trên VnExpress thực hiện cùng Ban IV hồi tháng 8 với hơn 69.000 người lao động, đa phần đến từ khu vực phía Nam cho thấy, 62% người đã mất việc vì dịch bệnh. Nguồn tài chính tích luỹ không dư dả khiến 50% lao động mất việc chỉ đủ tiền trang trải cuộc sống trong 1 tháng. 37% và 8,6% người cho biết đủ tiền sống trong 3-6 tháng, chỉ 4,4% người dư tiền tích luỹ trên 6 tháng.
Páo là một trong số ấy. Páo kể, trong những ngày ở lại Bình Dương, vợ chồng có khăn gói vào công ty thực hiện "ba tại chỗ". Tuy nhiên, thời gian cũng chỉ được gần chục ngày. Nhà máy có ca nhiễm, họ phải trở về phòng tự cách ly. Những căn phòng trọ vốn chỉ để "ngủ vài tiếng mỗi ngày" trở thành nơi ở 24/24. Không ai dám ra khỏi ngõ, ở đâu cũng chỉ thấy F0.
Hơn hai tháng, họ nhận được 800.000 đồng mỗi người hỗ trợ từ nhà nước. Số tiền đủ để đóng trọ, tiền nước một tháng. Phòng trọ sát lề đường, thi thoảng Páo nhận được vài cân gạo, thùng mì từ nhà hảo tâm. "Họ cho gì mình ăn cái nấy, không đòi hỏi", Páo nói.
Nhưng lúc này, tâm tư của vợ chồng chỉ thèm về nhà. Về quê dù không có tiền, không chết đói được. "Rau ăn rau, muối ăn muối, cả nhà không bệnh là hạnh phúc", anh nói.
Dòng người đổ về quê đã khiến cho không ít doanh nghiệp lo ngại về tình trạng thiếu hụt lao động. Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may bày tỏ: "Có không ít người bỏ về quê là công nhân dệt may, da giày. Một lần nữa chuỗi cung ứng hai ngành này đứng trước nguy cơ đứt gãy", ông nói.
Khảo sát một số nhà trọ ở tại Bình Dương, ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) nhận thấy, số lao động đổ xô về quê, trước hết thường rơi vào nhóm nhân công của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ mô nhỏ, lẻ.
"Những người làm cho nhà máy, khu công nghiệp lớn được bảo vệ bằng hợp đồng lao động nên phần đông vẫn ở lại", ông nói. Theo đó, tại các doanh nghiệp có năng lực lãnh đạo tốt, họ đã chăm sóc cả công nhân tham gia "ba tại chỗ" và "công nhân tạm nghỉ ở nhà". "Tuy nhiên, những nhà máy được tổ chức tốt như vậy theo tôi nghĩ không có nhiều", ông nói.
Lĩnh vực dịch vụ cũng đang đứng trước bài toán thiếu lao động. Một chủ nhà hàng lớn tại TP HCM bày tỏ lo ngại khi cấu trúc lao động của hệ thống nhà hàng đang mất đi khi người lao động bỏ về quê.
"Nếu tìm vài người bưng bê, chạy bàn thì còn dễ, đâu cũng kiếm được, nhưng những người có tay nghề cao như đầu bếp, phụ bếp thì khó. Nhiều người giờ quyết định ở lại quê luôn không ra vì sợ dịch", người này chia sẻ. Điều này khiến cho việc tái hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nhạc Phan Linh, Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, khi tiếp xúc trực tiếp với những "lao động di cư" từ Nam ra Bắc vừa qua, nhiều người lao động tâm sự họ tự chủ động bỏ việc vì sợ bị lây bệnh khi cho rằng mô hình sản xuất "3 tại chỗ" áp lực lớn, nguy cơ nhiễm bệnh cao. Với Nhóm lao động có gia đình khi di cư về quê, họ cho biết không muốn trở lại miền Nam làm việc. Họ trở về quê tìm việc để ổn định cuộc sống, tiện chăm sóc gia đình, con cái.
Tuy nhiên, làn sóng hàng vạn người lao động nhập cư về quê lần này, theo giới phân tích, vẫn có những điểm tích cực.
Bà Đỗ Quỳnh Chi nhìn nhận đợt về quê này của người lao động là một cuộc nghỉ ngơi sau quãng thời gian họ quá mệt mỏi ở thành phố. Kết quả khảo sát của bà cũng cho thấy, 89% người lao động di cư và 96% người lao động địa phương muốn quay lại công việc và công ty cũ. Nếu không có sự hỗ trợ tích cực nào để trở lại, người lao động cho biết họ sẽ cần 3-5 tháng để hồi phục trước khi trở lại thành phố làm việc.
Ông Lộc cũng nhìn nhận việc cho người lao động về quê giống như xả van cho nồi áp suất đang căng. Ông đánh giá, những người lao động di cư có thể không phải tự phát mà đã tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa ra quyết định ở hay về. "Họ có những nhóm Zalo, Facebook để trao đổi thông tin với nhau", ông nói. Nhiều nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra, người di cư có tính cộng đồng, vùng miền rất lớn, họ cũng có xu hướng tụ tập, chọn nơi làm việc và sinh sống cùng với những người đồng hương.
"Ghi nhận của chúng tôi hồi tháng 6-7 cho thấy, hơn 90% người lao động di cư cho biết sẽ quay lại để làm việc, cho thấy mức độ gắn bó của họ với các thành phố rất cao", ông chia sẻ. Theo ông, TP HCM, Bình Dương với người lao động đã trở thành "một chốn hai quê".
Do vậy, việc các địa phương chủ động trong việc hỗ trợ người lao động di cư hồi hương có thể giúp họ phục hồi, có nhiều năng lượng hơn khi hoạt động sản xuất trở lại công suất ban đầu, đồng thời, cũng giảm tải áp lực cho thành phố trong sắp xếp lại các không gian cư trú, chính sách phúc lợi.
"Đừng tạo cho người lao động một cú sốc, một dấu hằn sâu là đô thị khắc nghiệt, bệnh tật, không lối thoát. Nếu để họ tiếp tục bị tổn thương bởi dấu hằn này, họ mới cân nhắc về nơi mưu sinh", ông nói.
Ông Nguyễn Duy Minh cũng cho rằng, bài toán lao động thực chất là câu chuyện lo xa của các doanh nghiệp. Bởi lẽ họ đang hoạt động dưới 50% công suất và cần thời gian để phục hồi dần. "Vấn đề lao động sẽ là của 3-6 tháng tới, còn giờ họ vẫn đang nắm giữ được lao động, đặc biệt là với các doanh nghiệp có khả năng quản trị tốt", ông nói.
Anh Dũng hay Páo đến giờ vẫn bảo, về quê chỉ là tạm, gia đình họ sẽ trở lại khi dịch được kiểm soát tốt trên cả nước, hoặc là "sau Tết".
"Sau Tết" trở thành cái mốc đánh dấu dự tính của nhiều lao động hồi hương. So với đám nương trồng được một vụ lúa, một mùa ngô, hay đi sang bên kia biên giới "là sai", Páo vẫn thích công việc kiếm ra tiền ở xưởng gỗ Bình Dương.
"Qua Tết nếu hết dịch có khi lại vào. Mình cũng không thể nói trước sẽ không quay lại nơi có thể kiếm được tiền", Páo nói về một tương lai không chắc chắn.
Còn Ly Thị Giống, vợ Páo, chắc chắn sẽ đi cùng chồng.
Hồng Chiêu - Phương Ánh - Lê Tuyết
Đồ họa: Tiến Thành