Chị sợ gặp công an Trung Quốc, thổ phỉ hoặc "đám người xấu sẽ bị bắt sang kia lần nữa". Vượt biên sang Trung Quốc hồi tháng 9/2021 theo lời hứa hẹn của em họ, chị Dương kết hôn với người đàn ông bản địa rồi xin làm kiểm hàng cho công ty đồ chơi. Bà ngoại mất, lại nhớ con gái nơi quê nhà, chị chi 4.700 NDT (gần 18 triệu đồng) cho nhóm môi giới để tìm cách vượt biên về Việt Nam.
Nhóm 15 lao động quê quán khác nhau, cùng tập hợp tại một địa điểm ở Quảng Tây và xuất phát vào sáng 28 Tết (ngày 30/1), về đến Việt Nam vào hôm sau.
Người phụ nữ 36 tuổi, quê Hải Phòng, cùng nhóm lao động vượt biên từ Trung Quốc về đến Việt Nam qua đoạn biên giới huyện Hạ Lang (Cao Bằng) sáng 29 tháng chạp. Đôi chân không quen đường rừng núi, Dương trượt xuống vách đá, bị trật khớp chân và tụt lại phía sau đoàn người.
Hai tiếng trước khi chị Dương gặp nạn, Tổ công tác chốt số 7, Đồn biên phòng Lý Vạn, trên đường tuần tra phát hiện 15 lao động Việt Nam về qua biên giới.
Một người đàn ông trong nhóm lao động nói với thượng úy Nguyễn Văn Hưng - phụ trách chốt chống dịch, rằng còn người phụ nữ tên Dương, quê Hải Phòng, bị trượt chân rơi xuống vách đá, đang mắc kẹt trên núi. Tổ công tác lập tức tách từng người trong đoàn để xác minh thông tin thêm một lần nữa.
10h30, nhận thấy mọi lời khai đều trùng khớp, anh Hưng điện về đồn xin ý kiến chỉ huy. "Cố gắng tìm được người trước khi trời tối, không thể để đến sáng hôm sau", trung tá Vũ Văn Giảng, Đồn trưởng Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, dặn dò. Hưng dẫn theo hai chiến sĩ, mang đèn pin, dây thừng, bánh ngọt, nước, sữa ngược lên mốc giới nơi phát hiện đoàn người để tìm kiếm.
Trưa 29 tháng chạp, đồng đội đang chuẩn bị thịt gà, cuốn nem cho mâm cơm tất niên cuối năm, chạy ra cửa lán, dặn Hưng gắng an toàn về sớm còn kịp đón giao thừa. Hai năm bám biên chống dịch, những người lính ở chốt kiểm soát hơn 5,3 km đường biên thuộc thôn Khưa Thoang, xã Lý Quốc, nơi tiếp giáp với trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), dần quen với những cuộc cứu nạn khẩn cấp lao động vượt biên, thậm chí hộ sinh, tăng võng đưa thai phụ đi cấp cứu.
Khi tổ đầu tiên xuất phát khoảng nửa tiếng, cách chốt 3 km, đồn trưởng Giảng dẫn theo quân y, chiến sĩ, gọi thêm người dân trong xóm giỏi đi rừng cùng lên đường. Gần 30 năm trấn thủ từ Lai Châu đến Cao Bằng, ông hiểu rõ địa hình biên giới, xác định "đưa một người bình thường xuống núi đã khó, huống chi người gặp nạn bị thương ở chân, lại kiệt sức".
Ban chỉ huy đồn túc trực bên chiếc điện thoại cùng tấm bản đồ biên giới, sẵn sàng trong tình huống xấu không tìm thấy người sẽ liên lạc với lực lượng chức năng Trung Quốc, đề nghị hỗ trợ tìm kiếm.
Đón đợt rét đậm nhất từ đầu mùa đông, nền nhiệt xuống 6 độ C. Tổ tìm kiếm của thượng úy Hưng không thể xác định vị trí chị Dương gặp nạn, chỉ có thể phán đoán dựa trên mô tả của người trong đoàn, lần theo dấu chân họ để lại. Khu vực tìm kiếm tập trung từ cột mốc 857 đến 858 rồi mở rộng ra.
Cao Bằng, nơi có hơn 333 km đường biên giới giáp Trung Quốc, dài nhất trong bảy tỉnh phía Bắc, địa hình chủ yếu núi đá vôi xen lẫn đồi núi thấp, nhiều vách đá thẳng đứng ngăn trở cuộc cứu nạn. Gặp vỉa đá cao chừng 20 m, ba người vứt lại những chai nước, chia nhỏ bánh ngọt, sữa nhét vào các túi áo, quần quân dụng để leo lên. Trượt chân, tay đập vào vách đá tím bầm, người lăn như bi ve.
"Đành liều thôi", thượng úy Hưng nhớ lại khi ấy mưa mù xám xịt, nhiệt độ xuống thấp, chậm một phút có thể đổi bằng mạng sống người gặp nạn.
Hai tiếng mò mẫm trong rừng với ba lượt leo lên, tụt xuống vách đá, các chiến sĩ cuối cùng "bắt sóng" được chị Dương. Lúc này, khi tiếng người gọi dồn dập và xưng là bộ đội biên phòng đang tìm người, chị Dương mới dám lên tiếng, chỉ vị trí mình gặp nạn cho tổ công tác Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn (Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng).
Leo qua vách đá, xác định gặp đúng người bị nạn, chiến sĩ tên Hoàng bóp vụn từng mẩu bánh cho chị ăn lấy sức.
Hơn 13h, đội tìm kiếm và tổ chi viện gặp nhau. Chị Dương dần tỉnh sau nửa tiếng được quân y sơ cứu, chườm nước nóng, nhường áo bông, tiếp nước, bánh ngọt. Những dốc đá thẳng đứng lại một lần nữa thử thách lòng người trên đường trở về. Họ không thể đi theo đường cũ, đành lần theo sườn núi tìm đường xuống.
Những người dân cầm rựa đi trước phát cỏ, bộ đội thay nhau cõng, dìu nạn nhân, bấu trên, đỡ dưới, đẩy phía trước, kéo phía sau ngăn người lăn xuống dốc. Trên đường đi xuống, nạn nhân hai lần bất tỉnh vì kiệt sức, thêm hai nhóm quân dân lên tiếp ứng mới đưa được người xuống núi.
18h30, cả đoàn xuống được tới chân núi sau hơn bốn tiếng cắt rừng, đi khoảng 3 cây số. Ai nấy ngồi bệt xuống, thở không ra hơi, đôi chân trắng bợt trong đôi giày vải bố đã ướt sũng. Cuộc cứu nạn kết thúc lúc 19h khi cả đoàn về được tới chốt kiểm soát an toàn. Lúc này mâm cơm tất niên trong lán nguội ngắt.
Chị Dương sau đó được đưa đi chăm sóc tại Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang. Từ khu cách ly, người phụ nữ cho biết sức khỏe đã ổn sau hơn một tuần theo dõi, chờ hoàn thành cách ly sẽ trở về Hải Phòng với gia đình và "không bao giờ vượt biên sang Trung Quốc nữa".
Đêm giao thừa, thượng úy Nguyễn Văn Hưng tiếp tục cắt cử người tuần tra dọc đường biên, ngừa tội phạm, chống vận chuyển pháo lậu. Năm thứ hai họ đón Tết ngay trên chốt chống dịch. Những lều bạt tạm bợ ban đầu đã được thay bằng mái tôn kiên cố nằm sát đường mòn biên giới. Chỉ có những đêm tuần tra, trực chốt là không thay đổi khi lao động nhập cảnh trái phép vẫn ồ ạt hồi hương. Họ chia thành nhiều nhóm nhỏ, thường về trong đêm, hoặc tảng sáng, ngày nào cũng có.
Trung tá Lương Văn Dương, Chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, cho hay đơn vị duy trì 9 chốt phòng chống dịch, kiểm soát 33,04 km đường biên giới các xã Đồng Loan, Minh Long và Lý Quốc của huyện Hạ Lang, tiếp giáp với các huyện Đại Tân, Long Châu của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Địa hình vừa có sông sâu, núi cao, song công dân về theo đường mòn, lối tắt biên giới thậm chí tăng so với năm 2020.
Người về phần lớn là lao động trái phép, mất việc hoặc sợ bị lực lượng chức năng Trung Quốc truy quét. Do không quen địa hình biên giới, một số gặp tai nạn, thậm chí có thai phụ chuyển dạ, dọa sảy thai, anh em phải cõng, cáng đi cấp cứu. "Dù nhập cảnh trái phép là sai, khi người dân gặp khó khăn, tai nạn thì lực lượng biên phòng vẫn phải hết sức bảo hộ, cứu chữa", trung tá Lương nói.
Sáng mùng 1 Tết, thượng úy Hưng nhận được điện thoại của người dân trong xóm chúc mừng năm mới kèm lời nhắn nhủ "Bọn em chuẩn bị cử một tốp dưới này lên chúc Tết anh em trên chốt đây".
Chiến sĩ nấu nước, pha sẵn ấm chè, cời thêm than vào chậu lửa cho ấm, ngồi đợi. Nửa tiếng sau, mấy thanh niên xóm Thưa Khoang dẫn một nhóm người đi lên, hóa ra 14 lao động người Việt vừa theo đường mòn từ Trung Quốc về lên "xông đất" chốt chống dịch số 7.
Hồng Chiêu