Gặp giao dịch viên từ xa, truy vấn lịch sử giao dịch ngân hàng bằng giọng nói… từng là điều không tưởng, nay là trải nghiệm thường ngày mà ngân hàng số mang đến cho mọi người.

Dọn dẹp xong nhà cửa, chị Thanh Hoa (55 tuổi, Hải Phòng) ngả mình xuống ghế, bật tivi tận hưởng ngày cuối tuần thảnh thơi, vừa tranh thủ rút điện thoại “bắn” tiền học phí cho con gái vừa nhập học trên Hà Nội. Một phút thao tác trên ứng dụng ngân hàng eBank, điện thoại “ting ting” báo tiền đã “đến nơi”. Một phút ít ỏi nhưng cũng giúp người mẹ nông thôn nhẹ gánh nỗi lo con “chân ướt chân ráo” lên Hà Nội học.

10 năm trước, ngày con đầu nhập học, “gửi tiền” với chị Hoa đồng nghĩa với quãng đường 6 km đến ngân hàng duy nhất ở trung tâm huyện. “Thời gian xếp hàng chờ đợi cộng làm thủ tục ngốn hết cả buổi, thậm chí đến lượt mình thì quầy thông báo hết giờ làm. Chỉ cần nghĩ đến ngân hàng là thấy ngại”, chị Hoa nhớ lại. Thời điểm đó, chị khó tưởng tượng đến một ngày, mọi giao dịch đơn giản là vài cú chạm màn hình điện thoại, khi ngồi ở nhà thảnh thơi.

Chị Hoa chỉ là một trong số hàng triệu người dùng Việt hưởng lợi từ những thành tựu số hóa ngành ngân hàng hơn một thập kỷ qua. Nhờ ứng dụng nền tảng số tại các ngân hàng, trải nghiệm khách hàng được tối ưu hóa bằng những giao dịch một “chạm”, thời gian tính bằng phút, chủ động hơn và tiện lợi hơn.

TPBank là một trong những ngân hàng quyết liệt triển khai các công nghệ hiện đại, thu hút sự quan tâm của khách hàng. Mới đây, TPBank Mobile đứng đầu app tài chính phổ biến nhất cho smartphone trên cả App Store và Google Play.

Đại diện ngân hàng này cho biết thêm, trong vài tháng trở lại đây, lượt tải app TPBank mỗi ngày tăng khoảng 40%-60% so với trước đó. Khách hàng sử dụng app TPBank cũng đánh giá cao ứng dụng này, khi có tới gần 40.000 lượt ratings với số điểm đánh giá 4,7/5 sao. Số người dùng app TPBank đã tăng 2,3 lần trong 3 năm qua. Riêng trong năm 2020, lượng khách hàng đăng ký sử dụng app đã tăng 250% so với năm 2019.

Cuối năm ngoái, TPBank đã nâng cấp app bằng nền tảng mới eBank X hiện đại và thân thiện với người dùng hơn.

Công nghệ AI của eBank X có khả năng phân tích dữ liệu và hiểu được hành vi khách hàng, từ đó đề nghị và cung cấp các dịch vụ tốt hơn. Đặc biệt, app có khả năng phát hiện ra các giao dịch bất thường, đưa ra cảnh báo, giảm thiểu các rủi ro.

Bên cạnh đó, app TPBank cho phép khách hàng chủ động cài đặt các lệnh chuyển tiền hay thanh toán hoá đơn định kỳ, và quản lý tài chính cá nhân bằng cách thống kê chi tiêu theo các danh mục như ăn uống, mua sắm, hoá đơn, chuyển tiền. Đặc biệt, khách hàng có thể tìm kiếm thông tin tài khoản hoặc lịch sử giao dịch trên ứng dụng nhanh chóng bằng giọng nói, với tính năng Smart Search, thay vì phải thao tác bằng tay. “Không có ứng dụng ngân hàng thì không biết sống sao qua đợt dịch”, chị Thu Hương (35 tuổi, Hà Nội), một khách hàng dùng app TPBank, kể về trải nghiệm qua đợt giãn cách xã hội kéo dài vì Covid-19. Cả tháng ở nhà vừa làm việc từ xa, vừa trông hai con đang nghỉ học, nhưng với chị, sự xáo trộn này không quá khó để thích nghi.

“Lên ứng dụng ngân hàng là làm được mọi việc, mua thực phẩm đến đồ dùng ship đến tận nhà, thanh toán hóa đơn điện nước, Internet… không cần đến tận nơi, lại an toàn vì tránh chỗ đông người”, chị cho biết.

Với vị khách này, những lợi ích mà nhà băng mang lại cho khách hàng không dừng lại ở việc số hóa các dịch vụ ngân hàng thông thường. Vượt xa hơn mô hình của một ngân hàng đơn thuần, nền tảng số của TPBank tạo nên một hệ sinh thái bằng cách liên kết với các đối tác, nhằm cung cấp những dịch vụ ngoài ngân hàng như thanh toán dịch vụ tiện ích, mua sắm, đặt vé máy bay… “Hầu như mọi nhu cầu thanh toán, mua sắm, giải trí… đều gói trọn ở app TPBank nên không cần cài nhiều ứng dụng riêng lẻ khác, cũng tiện để mình quản lý chi tiêu vì mọi thông tin giao dịch đều tự động được lưu lại”, chị Hương chia sẻ.

Bên cạnh app TPBank, ngân hàng tự động LiveBank của TPBank cũng là lý do từ nhiều năm nay số lần đến quầy giao dịch của chị Hương chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đơn giản vì thích cảm giác “được là khách hàng duy nhất”: một mình trong không gian rộng rãi, có điều hòa mát lạnh, gặp giao dịch viên hướng dẫn 1-1 qua video.

Xuất hiện từ năm 2017, mô hình quầy giao dịch tự động phục vụ 24/24 lần đầu tiên tại Việt Nam này của TPBank cho phép người dùng tương tác, nói chuyện 1-1 qua hệ thống video với tư vấn viên từ xa. Những cây ATM thế hệ cũ đóng vai trò như máy móc vật lý thông thường, nay có khả năng “trò chuyện” như một giao dịch viên sinh động. Đây được coi là một trong những “cuộc cách mạng” thay đổi phương thức giao tiếp giữa ngân hàng và khách hàng, đề cao tính cá nhân, nhằm mang đến chất lượng phục vụ tốt nhất.

Tại đây tích hợp hầu hết các giao dịch ngân hàng cơ bản như: nộp tiền mặt, đăng ký tài khoản thanh toán, tài khoản eBank, khoản vay, mở thẻ ghi nợ, gửi tiền có kỳ hạn… Chưa kể, LiveBank lại tiết kiệm tới 40% thời gian so với cách thức giao dịch thông thường.

Sự yêu thích của khách hàng với ngân hàng số thể hiện rõ nét qua tỷ lệ tăng trưởng khách hàng dùng eBank, LiveBank. Cho đến nay, tỷ lệ số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số trên tổng giao dịch của TPBank đã tăng từ 72% cuối năm 2018 lên 83% vào cuối tháng 6 năm nay. Tỷ lệ giá trị giao dịch trong cùng thời điểm cũng đã tăng từ 66% lên 72%. Chỉ trong vòng 3 năm, TPBank đã phát triển được trên 200 ngân hàng tự động LiveBank, dự kiến đạt mốc 300 máy vào cuối năm 2020.

Tháng 7 vừa qua, TPBank trở thành ngân hàng Việt đầu tiên cho rút tiền bằng khuôn mặt tại các điểm LiveBank trên toàn quốc. Công nghệ này thậm chí mới có ít ngân hàng trên thế giới triển khai. Trải nghiệm khách hàng được nâng lên một tầm cao khi chỉ cần “tay không” để thực hiện các giao dịch, với 3 giây quét khuôn mặt, quẹt vân tay, không cần mang thẻ vật lý, chứng minh thư, bấm mã PIN...

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, trong 3-5 năm qua, ngân hàng này đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho những lĩnh vực liên quan đến công nghệ và ngân hàng số. Theo ông, chiến lược đầu tư này không chỉ đơn thuần mang về hiệu quả kinh doanh mà còn mang đến nhiều trải nghiệm hoàn toàn mới cho khách hàng với các dịch vụ hiện đại không thua kém thế giới.

“Với hệ thống LiveBank, chúng tôi tạo ra thế tiên phong, không phải về kinh phí đầu tư mà từ khó khăn tiếp cận hệ thống cho đến cách vận hành hệ thống phức tạp này như thế nào. Hay với eKYC, eBank… nhìn bên ngoài có vẻ giống nhau ở phần nổi, song ‘phần chìm’, tức là nền tảng công nghệ phía sau, chúng tôi luôn nỗ lực phải làm xuất sắc nhất.”, ông Hưng khẳng định.

Ngân hàng vẫn kiên định với mục tiêu trở thành một ngân hàng số, cố gắng đồng nhất các trải nghiệm khách hàng để khi họ giao dịch trên bất cứ một kênh nào từ quầy giao dịch, thiết bị điện tử đến LiveBank đều có trải nghiệm giống nhau.

“Công nghệ không chỉ là công cụ để thu hút khách hàng mà còn là sứ mệnh của chúng tôi trong việc giúp người dùng Việt tiếp xúc với các hoạt động giao dịch hiện đại, tiện ích, bảo mật cao. Dần dần chỉ cần ngồi tại nhà, họ có thể làm được mọi giao dịch với ngân hàng. Đây là xu thế của ngân hàng tương lai”, đại diện TPBank khẳng định.

Còn với những khách hàng như chị Hoa, chị Hương ngân hàng tương lai là sự tinh gọn, đơn giản và họ có thể giao dịch bất cứ đâu bằng vài cú lướt điện thoại.