Trước khi xuống tiền mua chiếc sedan P7 đầu tháng 3, Zhang Hua (40 tuổi, nhà nghiên cứu tại Đại học Giao thông Thượng Hải) đã đọc đánh giá trên các diễn đàn xe, đến các showroom để lái thử và đặt các câu hỏi về dịch vụ bổ sung, khả năng mất giá khi bán lại xe.
Cuối cùng, hệ thống hỗ trợ người lái trên chiếc P7 và các chức năng ra lệnh bằng giọng nói đã chinh phục anh chi 250.000 nhân dân tệ (36.340 USD) để mua.
"Tôi ưu tiên mức độ thông minh vì đây là kỷ nguyên số, nơi người lái xe và hành khách yêu cầu nhiều hoạt động giải trí trong xe và kết nối kỹ thuật số hơn", Zhang cho biết. Theo anh, xe điện trong nước là lựa chọn hợp lý cho giới trung lưu vì công nghệ và dịch vụ đáp ứng đúng nhu cầu.
Không chỉ Zhang, hàng chục nghìn người Trung Quốc gần đây đã đổ xô đến đại lý các hãng nội địa như BYD, Nio, Xpeng, Li Auto để sắm ôtô mới. Trong top 10 mẫu xe điện được ưu thích nhất do JD Power và Đại học Tongji (Thượng Hải) khảo sát, 9 hạng đầu thuộc về các hãng nội địa. Tesla chỉ có Model Y ở hạng 10.
Mẫu sedan ET7 của Nio đứng đầu, theo sau là chiếc SUV G9 của Xpeng. JD Power không tiết lộ số lượng người tham gia khảo sát nhưng cho hay khả năng giải trí và công nghệ trên xe là yếu tố quan trọng được xét đến.
David Zhang, nhà phân tích của Trung tâm nghiên cứu đổi mới ngành ôtô tại Đại học Công nghệ Bắc Trung Quốc, cho biết Tesla đã rất thành công ở thị trường này xét trên doanh số bán hàng và sự công nhận thương hiệu. "Nhưng giờ đây, họ đang phải đối mặt với câu hỏi khó là làm thế nào để tiếp tục dẫn đầu", ông nói.
Người mua xe điện Trung Quốc bị thu hút bởi buồng lái kỹ thuật số, hệ thống giải trí trên xe và khả năng hệ thống nhận dạng các ngôn ngữ địa phương khác nhau ở nước này. Ít nhất 87% trong top 10 hiểu được khẩu lệnh.
"Một số nhà lắp ráp ôtô thông minh Trung Quốc đã vượt trội so với các đối thủ toàn cầu về phát triển buồng lái kỹ thuật số", Jeff Cai, Cố vấn trưởng của bộ phận thực hành sản phẩm ôtô JD Power China, cho biết.
Tesla cũng cung cấp công nghệ nhận dạng giọng nói cho người dùng Trung Quốc nhưng không hoạt động tốt trong môi trường ồn ào, theo khảo sát của JD Power và Đại học Tongji. Hơn nữa, Model 3 của Tesla không lọt vào top 10.
Dù có thứ hạng thấp, Tesla vẫn tiếp tục dẫn đầu trong phân khúc xe điện cao cấp. Shanghai Gigafactory, cơ sở sản xuất lớn nhất của Tesla trên toàn thế giới, đang hoạt động với tốc độ cao. Những chiếc Model 3 và Model Y tiếp tục là những chiếc EV cao cấp bán chạy nhất Trung Quốc nhờ được giảm giá mạnh gần đây.
Sau khi Model 3 do nhà máy Thượng Hải sản xuất tung ra thị trường đại lục vào tháng 1/2020, nó đã thu hút được nhiều lời khen ngợi. Đây cũng là mẫu xe điện bán chạy nhất cho đến khi bị truất ngôi vào tháng 9/2020 bởi một mẫu xe điện mini do SAIC-GM-Wuling lắp ráp.
Xe Tesla vẫn rất phổ biến trên đường phố Trung Quốc. Năm ngoái, hãng đã giao hơn 710.000 chiếc Model 3 và Model Y cho khách hàng nước này, tăng 50% so với cùng kỳ 2021. Để so sánh, Li Auto có trụ sở tại Bắc Kinh, đối thủ gần nhất của Tesla, chỉ bàn giao 133.246 chiếc cho khách hàng vào năm ngoái. Doanh số của Li cũng tăng trưởng đến 47% so với cùng kỳ 2021.
Khảo sát khách hàng của hãng tư vấn toàn cầu AlixPartners chỉ ra rằng người mua xe Trung Quốc đánh giá cao các công nghệ mới tiên tiến, bao gồm lái xe tự động và chức năng buồng lái thông minh.
"Các nhà sản xuất ôtô nước ngoài đã có một khởi đầu thuận lợi với một số công nghệ này. Tuy nhiên, các đối thủ Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp và trong nhiều trường hợp, vượt qua các đồng nghiệp nước ngoài", Stephen Dyer, Trưởng bộ phận thực hành ôtô châu Á tại AlixPartners, nhận định.
Tại Trung Quốc, xe Tesla được gọi là "mẫu quốc tế" vì chúng không được thiết kế dành riêng cho người lái xe và hành khách nước này. Eric Han, Quản lý cấp cao công ty tư vấn Suolei ở Thượng Hải cho biết Tesla không phải là phương tiện thông minh hiện đại mà nhiều người tiêu dùng Trung Quốc giàu có mong muốn. "Nhưng nó vẫn được coi là sản phẩm chất lượng cao và đáng đồng tiền bát gạo vì nhận diện thương hiệu mạnh mẽ", ông nói.
Ngoài ra, trong khi Model 3 và Model Y của Tesla có thể đi được quãng đường tương ứng là 556 km và 545 km trong một lần sạc, thì các phiên bản cấp thấp như ET7 của Nio, P7 của Xpeng và L8 của Li Auto có phạm vi di chuyển lần lượt là 530 km, 480 km và 1.315 km cho một lần sạc.
Xe điện thông minh của Trung Quốc còn được trang bị hệ thống AR và VR để mang đến cho hành khách cái gọi là trải nghiệm nhập vai, điều mà xe Tesla thiếu. Hơn nữa, hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến của Tesla là phần mềm tự lái hoàn toàn (FSD), chưa được chấp thuận sử dụng ở Trung Quốc.
Xpeng đã tiết lộ phần mềm điều khiển hướng dẫn NGP – tương tự như FSD của Tesla – cuối tháng trước. NGP cho phép xe Xpeng tự động điều hướng trên đường phố ở Trung Quốc đại lục. "Tesla đóng vai trò hàng đầu trong việc làm cho xe điện trở nên thông minh, nhưng NGP được đầu tư tỉ mỉ từ chúng tôi, không thua kém FSD", Wu Xinzhou, Phó chủ tịch kiêm người đứng đầu trung tâm lái xe tự hành tại Xpeng cho biết. Ông nói dù FSD được sử dụng ở Trung Quốc thì nó có thể không hiệu quả bằng NGP do độ phức tạp của hạ tầng giao thông nước này.
Cuối năm ngoái, Tesla tuyên bố sẽ tiếp tục đổi mới để tăng doanh số cho xe sản xuất từ nhà máy Thượng Hải. Họ nhập bán những mẫu hạng sang Model S và Model X sản xuất ở Mỹ nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng doanh số.
Ngày 9/1, Grace Tao, Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại của Tesla Trung Quốc, nói công ty chưa bao giờ coi các nhà sản xuất xe điện khác là đối thủ cạnh tranh và kêu gọi tất cả cùng nhau tinh chỉnh sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Nhận xét của bà được đưa ra sau khi Tesla giảm giá tất cả dòng xe sản xuất tại Thượng Hải để thúc đẩy doanh số vào ngày 24/10/2022 và 6/1/2023 khiến giá xe của hãng chạm mức thấp nhất kể từ khi nhà máy hoạt động cuối 2019.
Jane Kong, một cư dân Thượng Hải, mong đợi Tesla sẽ ra mắt các mẫu xe mới được sản xuất tại Trung Quốc. "Tôi sẽ thay thế chiếc Model 3 bằng một trong số chúng. Model 3 trông không còn lạ mắt và hiện đại nữa, khi các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang tung ra các mẫu xe mới", người này nói.
Phiên An (theo SCMP)