Những người Việt Nam di chuyển bằng đường bộ sang Phnom Penh chắc chắn sẽ biết đến phà Neak Leoung, nơi những đoàn xe khách phải chen chúc chờ hàng chục phút, thậm chí xếp hàng cả tiếng để lên phà. Nhưng hẳn ít người biết rằng tại sao mãi chính phủ Campuchia không xây ở tuyến đường quan trọng này một cây cầu: dưới lòng sông qua thị trấn Neak Leoung, đầy những trái bom chưa nổ.
Nỗi ám ảnh bom mìn
Ngày 6/8/1973, 30 tấn bom đã được thả từ B52 xuống vùng dân cư này, trong một hoạt động mà người Mỹ gọi là “ném bom nhầm”. Có một thời, bom rơi trên đất Campuchia dễ dàng như thế. Sự kiện tiêu biểu đến mức đã đi vào phim ảnh, được mô tả trong bộ phim “Cánh đồng chết” đoạt 3 giải Oscar năm 1985.
Ở Campuchia, có một dạng bản đồ phân chia vùng miền đặc biệt: bản đồ bom và mìn. Nó được chia làm hai phần Tây và Đông. Phía Tây là dày đặc những bãi mìn mà quân Pol Pot đã chôn trong nỗ lực phản kháng sau năm 1979. Phía Đông, là hàng triệu tấn bom mà quân đội Mỹ đã trút xuống trong giai đoạn từ 1965 đến 1973, trong đó nhiều quả chưa nổ. Xếp hai vùng ấy cạnh nhau, đất nước không còn một khoảng trống.
Từ năm 1979 đến 2013, 64 nghìn người Campuchia thiệt mạng hoặc chịu thương vong nặng vì bom mìn.
Tận 42 năm sau khi quân đội Mỹ ngừng ném bom ở Campuchia, số người chết vì bom mìn vẫn tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển. Tỉnh Kapong Cham phát triển hơn, nên năm ngoái chết đến 37 người. Tỉnh Svay Rieng nghèo nhất vùng, người chết ít hơn. Quỹ đất mở rộng đến đâu thì hiểm nguy tới đến đó. Những con số lạnh lùng nói rằng đất nước này vẫn còn đang trong một cuộc chiến.
Campuchia là nơi bạn có thể gặp một người nông dân mù chữ, nhưng lại phát âm được một cái tên bằng tiếng Anh: CMAC – tên của cơ quan giải quyết bom mìn Campuchia. “Xi-mác” đi phía trước, nông dân đi theo sau, lấy lại quỹ đất từ bóng ma bom mìn cho người Campuchia. Lực lượng này đã di chuyển suốt 20 năm qua, bắt đầu từ những bãi mìn ở phía Tây – nơi có nguy cơ sát thương cho con người cao hơn – cho đến những bãi bom ở miền Đông đất nước.
Những người lính không quân hàm
Từ tháng 4 này, những người đi từ TP.HCM đến Phnom Penh sẽ không còn phải chờ phà nữa: cầu Neak Leoung, cây cầu dài nhất Campuchia, đã được xây dựng nối liền mạch quốc lộ 1A với Việt Nam. Và điều đó được thực hiện sau rất nhiều nỗ lực rà phá bom dưới lòng sông của CMAC.
“Chính phủ các bạn có tiền, nên quân đội đi giải quyết bom mìn” - ông Som Viraek, lãnh đạo đội 5 của CMAC ở tỉnh Kampong Cham cười nói. “Campuchia nghèo lắm, nên phải lập nên tổ chức dân sự, để xin tài trợ của nước ngoài”.
Trên bàn làm việc của ông là lá cờ Campuchia đặt cạnh cờ Mỹ. Chính nước Mỹ, bây giờ là nhà tài trợ lớn nhất của Campuchia trong việc giải quyết những quả bom “made in USA” còn đang nằm lại trên đất nước này.
Nếu muốn đến thăm các thành viên CMAC đang làm nhiệm vụ, bạn sẽ phải điền vào một quyển số “Liên hệ công tác” đặc biệt. Ở đó, như mọi cuốn sổ “liên hệ công tác” khác ở nước ta, có tên, nơi làm việc, mục đích đến làm việc... Chỉ khác ở một mục có thể khiến bạn lạnh người: bên cạnh tên, bạn sẽ phải viết vào đó nhóm máu của mình. Rồi sau đó, bước qua một lằn ranh màu vàng căng trên mặt đất, qua một tấm biển màu đỏ rực in đầu lâu xương chéo ghi rõ “Có mìn”, đi qua một con đường mòn nơi họ đang làm việc và hy vọng rằng thông tin về nhóm máu của mình không bao giờ phải dùng đến.
Không phải là lính, chỉ một số ít trong những thành viên tác chiến hiện trường của CMAC được đào tạo quân sự. Còn lại, họ là những nhân viên dân sự bình thường, hưởng mức lương trên dưới 250 USD một tháng để “lang thang” trong những bãi bom với thiết bị dò tìm trên tay.
Hầu hết họ đều bỏ lại gia đình ở quê hương, như những người lính thời chiến. “Chúng tôi vẫn còn một cuộc chiến đấy chứ, và hy sinh là lẽ thường thôi” - ông Som Vireak đã xa vợ con suốt 20 năm, thỉnh thoảng mới qua nhà được một lần. Quê ông ở miền Tây, nơi CMAC bắt đầu sự nghiệp với những bãi mìn của Pol Pot, và ông cứ thế mải miết đi dọc Campuchia suốt hơn 20 năm qua.
Có những người đã bỏ mình lại trong cuộc hành trình dài ấy. Mới tháng 3 vừa qua, ông Som Vireak còn phải tới dự đám tang của một đồng nghiệp. Ông Pen Sisivannak, một người đã gắn bó với CMAC 17 năm, đã chết trong một vụ nổ trên bãi bom khi làm nhiệm vụ ở tỉnh Pailin.
Hỏi một thành viên khác, ông Pok Po Ranny, người đang làm nhiệm vụ trên bãi mìn, rằng đi xa như thế, có nhớ con cái không. Ông bảo rằng có, nhớ chứ. Thế con cái có nhớ bố không? Không, chúng quen rồi, lâu quá rồi, chẳng nhớ bố nữa. Rồi ngẫm nghĩ một lúc, chen vào một câu tiếng Việt mà ông còn nhớ: “Tiếng Việt gọi là bình thường”.
Những nhân viên CMAC, tay cầm thiết bị dò tìm, đi trên vùng có bom dưới cái nắng gần 40 độ C. Nhưng hỏi xin một ngụm nước thì họ không có: phải đi bộ cả cây số ra ngoài vùng tìm kiếm, mới có bình nước lớn trên xe. Chúng tôi hiểu rằng ngay cả nước đóng chai cho những người này, có thể cũng là một vấn đề về kinh phí.
“Tiếng Việt gọi là bình thường”, nên mọi thành viên của CMAC đều tỏ ra thanh thản và hay cười. Nhưng trong thâm tâm, họ cũng như bất kỳ người dân Campuchia nào, mong rằng công việc của mình sẽ đến ngày hoàn toàn kết thúc. “Nếu ngày mai mọi thứ kết thúc, tôi muốn mở một trang trại nhỏ, để trồng xoài” - ông Som Vireak, đã gần tuổi 60, tâm sự về mong ước của mình.
Đức Hoàng