Chính quyền của Quốc vương Abdullah II, 59 tuổi, tuần trước tố cựu thái tử Hamzah bin al-Hussein, 41 tuổi, đã cấu kết với nước ngoài để "xúi giục nổi loạn" với mục tiêu" làm mất ổn định an ninh Jordan", cụm từ hàm ý âm mưu đảo chính.
Giới chức quản thúc tại gia hoàng tử Hamzah, em trai cùng cha khác mẹ với Quốc vương, và bắt khoảng 17 người vào ngày 3/4. Trong số những người bị bắt có cựu phụ tá thân cận của hoàng gia Bassem Awadallah và Sherif Hassan bin Zaid, cựu đặc phái viên tại Arab Saudi. Một ngày sau đó Ayman Safadi, Ngoại trưởng kiêm Phó thủ tướng Jordan tuyên bố: "Âm mưu tiếm quyền đã bị chặn đứng".
Ngoại trưởng Safadi hôm 4/4 cho biết cơ quan an ninh đã theo dõi "các cuộc tiếp xúc với nước ngoài nhằm gây mất ổn định an ninh của Jordan", bao gồm cả lời đề nghị được cho là lén đưa vợ Hamzah ra khỏi đất nước.
Học giả Barah Mikail, từ Đại học Saint Louis ở Madrid, cho rằng từ "bất ổn" được sử dụng để ngụ ý rằng "những người đứng sau nỗ lực này đang tìm cách lợi dụng sự tức giận của quần chúng để thay đổi tình hình và soán ngôi Quốc vương".
Căng thẳng âm ỉ đã kéo dài ở đất nước đang gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng nghiêm trọng, trường học phải đóng cửa, lệnh giới nghiêm được áp dụng vào hàng đêm cũng như cuối tuần. Hai tuần trước, các cuộc biểu tình nhỏ đã nổ ra, phản ánh sự bất bình của người dân với khủng hoảng kinh tế.
Mối quan hệ giữa Hamzah và Vua Abdullah II đã "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" từ lâu, bắt đầu từ những bất đồng trong quá trình lựa chọn người kế nhiệm vương vị.
Trước khi Abdullah lên ngôi năm 1999, vua cha Hussein đã trị vì Jordan từ năm 1952. Khi đó, em trai Vua Hussein là Hassan được phong tước thái tử. Hassan giữ tước vị này suốt 34 năm, chờ ngày kế vị anh trai.
Tuy nhiên, tháng 1/1999, Vua Hussein bất ngờ ra sắc lệnh tước bỏ danh hiệu thái tử của Hassan, tuyên bố con trai cả của ông, hoàng tử Abdullah, sẽ là người kế vị.
Quyết định đó là một cú sốc đối với hầu hết mọi người, vì nhiều nhà quan sát tin rằng nếu Hassan không trở thành vua, người nối ngôi chắc chắn sẽ là Hamzah, con trai thứ tư của Vua Hussein. Hamzah là người đã túc trực bên cạnh cha trong quá trình ông điều trị ung thư và thường được coi là người con mà ông yêu quý nhất.
Tuy nhiên, Hamzah khi đó mới 18 tuổi và Hussein cảm thấy con trai còn quá trẻ để gánh vác trách nhiệm. Trong khi đó, người anh cả Abdullah được người dân Jordan biết đến nhiều hơn và có sự ủng hộ của quân đội. Abdullah lên ngôi hai tuần sau khi cha qua đời và ngay lập tức phong Hamzah làm thái tử. Không rõ vì sao ông làm vậy vì hai anh em không có mối quan hệ đặc biệt thân thiết. Nhưng hầu hết các chuyên gia tin rằng ông Abdullah đã hoàn thành tâm nguyện của cha mình.
Nhưng 5 năm sau, vào năm 2004, Quốc vương Abdullah đột ngột tước quyền thừa kế ngai vàng của Hamzah. Trong một bức thư gửi em trai, ông Abdullah nói rằng thái tử chỉ là một tước hiệu "danh dự" và việc nắm giữ nó "hạn chế quyền tự do của em và hạn chế anh giao cho em những trách nhiệm mà em hoàn toàn đủ năng lực đảm nhận".
Abdullah không ngay lập tức phong thái tử mới để thay thế Hamzah, nhưng cuối cùng nhà vua đã trao tước hiệu này cho con trai mình, Hoàng tử Hussein, vào năm 2009. "Vì sao ông Abdullah chọn thời điểm đó để phế thái tử? Có lẽ cách giải thích đơn giản nhất là đúng nhất: Ông ấy làm vậy vì ông ấy có thể", Robert Satloff, giám đốc điều hành Viện Chính sách Cận Đông Washington, viết trong một phân tích năm 2004.
"Gần 5 năm sau khi cha mình qua đời, Abdullah không còn trị vì dưới cái bóng của cha mình nữa và cho rằng ông đã nắm toàn quyền kiểm soát vương quốc" Satloff đánh giá.
Một nhà phân tích người Jordan cho rằng Hamzah "chắc chắn rất phẫn nộ, ông ấy chưa bao giờ nguôi ngoai sau khi mất tước hiệu thái tử". "Cựu thái tử giờ xích lại gần phe đối lập hơn phe cầm quyền", Rantawi nói. "Đây là vấn đề vì bạn không thể vừa là thành viên hoàng gia vừa là biểu tượng của phe đối lập".
Hamzah từ lâu đã thường xuyên chỉ trích bộ máy lãnh đạo cầm quyền. Hôm 3/4, ông cáo buộc họ tham nhũng, kém năng lực và lãnh đạo đất nước tồi. "Có những dấu hiệu rõ ràng rằng Hoàng tử Hamzah rất được giới trẻ và và các bộ tộc ông ấy thường xuyên lui tới yêu mến", nhà phân tích chính trị Labib Kamhawi cho biết. "Đây bị coi là nỗ lực lôi kéo người ủng hộ và gây nguy hiểm cho sự ổn định của chính quyền".
Thái hậu Noor Al Hussein, mẹ đẻ của Hamzah và là mẹ kế của Quốc vương Abdullah, dường như bày tỏ sự ủng hộ với con trai. Sau khi con bị quản thúc, bà đăng Twitter rằng "sự thật và công lý sẽ chiến thắng".
Tuy nhiên, công chúa Firyal, cô ruột của cả Abdullah và Hamzah, đã lên tiếng chỉ trích, tuyên bố "những tham vọng dường như mù quáng" của "Thái hậu Noor và con trai" là "ảo tưởng, vô ích và không đáng". "Trưởng thành lên nào, các chàng trai", bà viết trên Twitter, nhưng sau đó xóa bài đăng.
Các nước láng giềng trong khu vực đã nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ với Quốc vương Abdullah. Ngoại trưởng Safadi đã gặp người đồng cấp Arab Saudi Faisal bin Farhan, người mang theo thông điệp từ Vua Salman.
"Người Arab Saudi hành động nhanh như vậy là vì hai trong số những nghi phạm bị bắt mang quốc tịch Arab Saudi và có mối quan hệ thân cận với hoàng gia nước này", Kamhawi nói. Chính quyền Joe Biden cũng bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với Quốc vương Abdullah II, trong khi Israel gọi đây là "vấn đề nội bộ".
Trong bức thư được cung điện Jordan công bố hôm 5/4, Hoàng tử Hamzah tuyên bố trung thành với Quốc vương Abdullah II. Trước đó, Vua Abdullah II đã đồng ý hòa giải "để xử lý vấn đề của hoàng tử Hamzah trong khuôn khổ gia tộc Hamshim". Việc hòa giải được giao cho chú của hai người, Hoàng tử Hassan. Lá thư này dường như đã chấm dứt khủng hoảng. Ngày 7/4, Vua Abdullah II khẳng định ông đã khôi phục yên bình cho đất nước.
Tuy nhiên, sóng gió có thể nổi lên trở lại. Vài giờ trước khi hoàng gia công bố bức thư, Hamzah phát ra một bản ghi âm, nói rằng ông sẽ không rời khỏi nhà để không làm tình hình leo thang, "nhưng tất nhiên tôi sẽ không tuân theo khi họ nói với tôi 'ông không được ra ngoài, ông không được đăng Twitter, không được giao tiếp với mọi người và chỉ được phép gặp gia đình".
Phương Vũ (Theo AFP/Vox)